Wednesday, 20 March 2013

6 lưu ý trong kiểm toán công ty quản lý quỹ



Năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã xử phạt hành chính hàng chục công ty quản lý quỹ (CTQLQ), trong đó, nhiều trường hợp bị xử phạt do vi phạm chế độ kế toán, kiểm toán, đưa thông tin sai lệch.
(Ngọc Khuê - Hằng Phương)

1/5 Công ty quản lý quỹ có sai phạm
So với con số 47 công ty quản lý đang hoạt động trên  thị trường, số công ty bị xử phạt trong năm 2012 đã chiếm tới gần 1/5. Có thể kể đến những cái tên như CTQLQ Việt Long, CTQLQ Nhân Việt, CTQLQ Tín Phát, CTQLQ AIC, CTQLQ Lộc Việt, CTQLQ FPT; CTCP Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Liên Minh Việt Nam...
Gần đây nhất, UBCK đã xử phạt Công ty TNHH một thành viên Quản lý quỹ Ngân hàng Công thương (Vietinbank Capital) Theo đó, UBCK đã xử phạt Vietinbank Capital 85 triệu đồng do không thực hiện chào mua công khai cổ phần của CTCP đầu tư PV-Inconess theo quy định; đồng thời, phạt quỹ này 60 triệu đồng do đã báo cáo không đúng thời hạn quy định khi trở thành cổ đông lớn của PV- Inconess. Tổng cộng mức phạt tiền đối với Vietinbank Capital là 145 triệu đồng.
Bên cạnh những vi phạm về công bố thông tin như chậm nộp báo cáo kiểm toán, chưa kịp thời công bố thông tin bất thường, thì nhiều trường hợp bị cơ quan quản lý “tuýt còi” do vi phạm về hoạt động chuyên môn như hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép; báo cáo có nội dung sai lệch; thậm chí, có những công ty đã vi phạm quy định về giao vốn đầu tư, thực hiện việc giao vốn của công ty cho các cá nhân là người có liên quan quản lý hay giao vốn cho các công ty con sử dụng và quản lý.
Cá biệt, CTQLQ Hữu Nghị (trước đây là CTQLQ SME) bị phạt lần thứ hai trong năm 2012 vì mắc tới 5 lỗi chính: chuyển trụ sở chính khi chưa được UBCK chấp thuận; chưa có quy trình phân bổ tài sản theo quy định pháp luật; không thực hiện thu thập và cập nhật thông tin về khả năng tài chính, mức chấp nhận rủi ro, hạn chế đầu tư, xây dựng chiến lược đầu tư cho nhà đầu tư ủy thác; không có đủ nhân viên có chứng chỉ hành nghề và thực hiện báo cáo không đúng thời hạn.

Những điểm mờ trong BCTC 
Còn nhớ, cuối tháng 11/2011, UBCK đã có công văn phê bình, nhắc nhở 11 công ty kiểm toán có sai sót khi kiểm toán BCTC của các CTQLQ. Theo đó, kiểm toán viên của 11 công ty này chưa thận trọng và chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành khi kiểm toán và đưa ra ý kiến kiểm toán. Cụ thể: BCTC đã kiểm toán của CTQLQ chưa được trình bày theo đúng quy định tại chế độ kế toán công ty quản lý (Quyết định 62/2005/QĐ-BTC); bản thuyết minh BCTC chưa đầy đủ, chưa thuyết minh rõ ràng danh mục các khoản đầu tư, đặc biệt là danh mục đầu tư của nhà đầu tư ủy thác, chưa thuyết minh tách biệt danh mục tài sản sử dụng nguồn vốn ủy thác với tài sản tự doanh của công ty... Vậy nhưng, tình trạng vi phạm của các CTQLQ lại tiếp tục tái diễn trong năm 2012. Điều này, theo ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), có lỗi không nhỏ của các kiểm toán viên tham gia kiểm toán BCTC của CTQLQ.
Ở góc độ là hiệp hội của các kiểm toán viên hành nghề, chịu trách nhiệm bảo vệ Hội viên, hướng theo những chuẩn mực đạo đức và chuyên môn kế toán, kiểm toán quốc tế, ông Mai đã khuyến cáo 6 vấn đề kiểm toán viên cần chú ý khi kiểm toán BCTC của CTQLQ.
Một là, giao dịch với các bên liên quan. Theo quy định, đối với các cổ đông lớn, thành viên góp vốn lớn, thành viên ban kiểm soát, thành viên HĐQT, HĐTV, giám đốc, phó giám đốc hoặc tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và người có liên quan của những đối tượng nêu trên, CTQLQ không được cho vay dưới bất kỳ hình thức nào hoặc thực hiện việc giao vốn của công ty cho các cá nhân, tổ chức liên quan quản lý. Tuy nhiên, thực tế, vẫn có tình trạng CTQLQ chuyển vốn cho cổ đông lớn, thành viên ban lãnh đạo để ủy thác thực hiện hợp đồng đầu tư, các giao dịch này chủ yếu bằng tiền mặt, chiếm tỷ trọng lớn. Giao dịch bất thường này nhiều khả năng là các giao dịch góp vốn ảo. Trong trường hợp này, kiểm toán viên cần phải xem xét tính tuân thủ pháp luật như sự phê duyệt của cổ đông, HĐQT, hợp đồng ủy thác đầu tư, chữ ký của người nhận tiền, giấy giới thiệu, giấy đăng ký kinh doanh của đơn vị nhận ủy thác để phát hiện ra bên liên quan; thực hiện thư xác nhận, kiểm tra luồng tiền vào, luồng tiền ra, số phát sinh trên sổ quỹ, kiểm tra việc trình bày thông tin bên liên quan trên thuyết minh BCTC và xét thấy cần thiết thì đưa vấn đề này vào cam kết trong thư giải trình của Ban giám đốc và báo cáo kiểm toán.
Hai là, nguồn đầu tư chứng khoán/đầu tư dài hạn. Khoản 1, Điều 16, Quyết định 125/2008 của Bộ Tài chính nêu rõ: “CTQLQ phải bảo đảm vốn kinh doanh dành cho hoạt động đầu tư tài chính phải từ nguồn vốn điều lệ thực góp của công ty, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận chưa phân phối. CTQLQ không được sử dụng các nguồn vốn vay, vốn ủy thác hoặc vốn chiếm dụng từ các tổ chức, cá nhân khác để mua cổ phiếu, trái phiếu, tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp của công ty”. Do đó, khi kiểm toán các khoản đầu tư, ngoài việc thực hiện các thủ tục kiểm toán thông thường, KTV cần thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung như xem xét nguồn hình thành các khoản đầu tư này.
Ba là, hợp đồng quản lý danh mục đầu tư. Do có quy định CTQLQ không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư để tự doanh chứng khoán, đầu tư ngắn hạn, dài hạn, nên rất có thể CTQLQ dùng các hợp đồng ủy thác đầu tư với lãi suất cố định thực chất là hợp đồng cho vay. Một trong những dấu hiệu để nhận biết vi phạm này là xem xét hồ sơ quản lý danh mục đầu tư có thông tin của nhà đầu tư uỷ thác, tìm hiểu khả năng tài chính, thời hạn đầu tư, mục tiêu đầu tư, mức độ rủi ro có thể chấp nhận, các hạn chế đầu tư và các yêu cầu đầu tư khác của nhà đầu tư uỷ thác.
Bốn là, quản lý tiền và tài sản của nhà đầu tư ủy thác. Kiểm toán viên cần xem xét tính tuân thủ pháp luật theo Điều 30, Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC (khi thực hiện quản lý danh mục đầu tư, CTQLQ phải mở tài khoản lưu ký đứng tên CTQLQ tại ngân hàng lưu ký thay mặt cho nhà đầu tư uỷ thác), kiểm tra xem công ty có thực hiện mở tài khoản riêng biệt cho từng người ủy thác đầu tư hay không.
Năm là, giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần. KTV cần thu thập danh sách cổ đông để xem xét những giao dịch chuyển nhượng vốn chủ sở hữu làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp chiếm từ 10% trở lên vốn điều lệ đã góp đã được UBCK chấp thuận hay chưa.
Sáu là, sau khi phát hành báo cáo kiểm toán, nếu có nghi ngờ hoặc có phát hiện tổ chức được kiểm toán có những sai phạm trọng yếu do không tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan đến BCTC được kiểm toán, công ty kiểm toán phải thực hiện các thủ tục thông báo cho đơn vị được kiểm toán và người thứ ba theo quy định của chuẩn mực kiểm toán và thông báo cho UBCK.
Theo Nghị định 85/2010/NĐ-CP, nếu tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên lập báo cáo kiểm toán không trung thực, không chính xác, không đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định thì có thể bị phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ có thời hạn hoặc hủy bỏ tư cách được chấp thuận kiểm toán của tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên. Trong trường hợp kiểm toán viên không thông báo cho UBCK các hành vi không tuân thủ pháp luật, không ghi các hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan đến BCTC được kiểm toán thì sẽ bị hủy bỏ có thời hạn tư cách kiểm toán được chấp thuận.
Theo ông Mai, với lĩnh vực dịch vụ đặc biệt như kiểm toán độc lập, dịch vụ xác nhận niềm tin, thì việc bị hủy bỏ tư cách kiểm toán là án phạt nặng nề nhất với các kiểm toán viên, đó như là một “vết nhơ” nghề nghiệp. Do vậy, các kiểm toán viên cần hết sức chú ý để tránh những vi phạm chuẩn mực nghề nghiệp.
(Theo ĐTCK)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts