Sunday, 31 March 2013

Các yếu tố quan trọng cho một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính hiệu quả


Báo cáo tài chính (BCTC) hiện nay là một thông tin tài chính quan trọng để đánh giá "sức khỏe" của một doanh nghiệp.
Các yếu tố quan trọng cho một cuộc kiểm toán  báo cáo tài chính hiệu quả
Các yếu tố quan trọng cho một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính hiệu quả
Trong nền kinh tế ngày càng phát triển, khả năng nhận được những thông tin tài chính kém tin cậy cũng gia tăng. Chính vì vậy, kiểm toán độc lập có vai trò kiểm tra để cung cấp cho bên thứ ba (người sử dụng thông tin) những thông tin tài chính chính xác và tin cậy nhất. Để có được những báo cáo kiểm toán đối với tài chính DN đạt chất lượng không phải là công việc dễ dàng đối với các công ty kiểm toán (CTKT) trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, có một số yếu tố quan trọng luôn chi phối và quyết định đối với kết quả, chất lượng các cuộc kiểm toán.

Tầm quan trọng của giai đoạn chuẩn bị

Đa số các kiểm toán viên lâu năm đều khẳng định, quá trình chuẩn bị cho cuộc kiểm toán sẽ quyết định đến hiệu quả của toàn bộ cuộc kiểm toán.

Giai đoạn này có vai trò quan trọng bởi nó chuẩn bị đầy đủ về mặt vật chất, con người để tiến hành một cuộc kiểm toán, điều này chi phối tới chất lượng và hiệu quả chung của toàn bộ cuộc kiểm toán. Làm tốt công tác chuẩn bị sẽ hạn chế được những rủi ro, những bất đồng với đơn vị được kiểm toán.

Bên cạnh đó sự đồng thuận, phối hợp giữa CTKT và phía đơn vị được kiểm toán cũng giữ vai trò quyết định đến hiệu quả của cuộc kiểm toán. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc trong nghề, ông Ngô Đức Đoàn - Tổng giám đốc Công ty tư vấn tài chính kế toán & kiểm toán (AASC) chia sẻ: Để một cuộc kiểm toán được thành công cần phải có sự hợp tác và nỗ lực của cả đoàn kiểm toán và đơn vị được kiểm toán. Công tác phối hợp này xuyên suốt từ giai đoạn trao đổi, ký kết hợp đồng kiểm toán đến giai đoạn thực hiện và kết thúc kiểm toán.

Ông Đoàn cũng cho biết, mục tiêu của hai bên là đều hướng đến việc đơn vị được kiểm toán có một BCTC minh bạch, có giá trị và hiệu quả. Để làm được điều này, các kiểm toán viên cần phải có sự hiểu biết sâu về đơn vị được kiểm toán như về cấu trúc quản lý, tổ chức sản xuất và đặc biệt là ban tài chính kế toán của đơn vị. Có hiểu rõ đơn vị được kiểm toán thì lập kế hoạch kiểm toán, xác định mục tiêu, xây dựng chương trình kiểm toán mới đảm bảo chất lượng. Ngược lại phía đơn vị được kiểm toán thì lập kế hoạch kiểm toán cũng cần hiểu bộ máy điều hành, kinh nghiệm thực tế của các công ty kiểm toán từ đó lựa chọn công ty kiểm toán phù hợp với doanh nghiệp mình nhất. Có sự hiểu biết về nhau thì việc phối hợp trong công việc, cung cấp hồ sơ tài liệu, thủ tục cần thiết mới thuận lợi, ít vướng mắc.

Tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp

Một trong những khó khăn lớn của CTKT là vừa phải tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp vừa phải duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng. Chính yếu tố này tiềm ẩn nguy cơ suy giảm vai trò của kiểm toán trong nền kinh tế và xói mòn giá trị của các dịch vụ kiểm toán. Bằng chứng của sự ảnh hưởng của nhân tố trên là sự mở đường cho các "sản phẩm" kém chất lượng - hiện tượng gian lận, báo cáo sai số liệu.

Trọng tâm của hiện tượng này là sự thiếu hụt về sự hiểu biết và tầm nhìn về giá trị của hoạt động kiểm toán. Mối quan hệ giữa kiểm toán viên và DN không đơn thuẩn là quan hệ cung cấp dịch vụ thông thường vì kiểm toán là một hoạt động phức tạp có liên quan chặt chẽ đến các quy định của pháp luật về chất lượng kiểm toán và chuẩn mực nghề nghiệp. Do đó hoạt động kiểm toán chịu sự chi phối mạnh mẽ của yếu tố môi trường kiểm toán.

Theo quan điểm của Bà Hà Thu Thanh - Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, với lĩnh vực kiểm toán, không có khái niệm thỏa hiệp, mà chỉ có khái niệm chuẩn mực đạo đức và tính độc lập. Một khi được đối tác trả tiền để tư vấn, chúng tôi phải nói ra những điều có ích cho DN, dù họ không muốn nghe.

Một số chuyên gia cho rằng, lý do của sự phụ thuộc của các CTKT đối với các khách hàng là muốn duy trì mối quan hệ lâu dài. Bên cạnh những lợi ích kinh tế, những hợp đồng có thời gian dài thường kéo theo những mối quan hệ, tâm lý nhượng bộ những khách hàng quen biết và xu hướng dựa vào những số liệu kiểm toán của các năm trước để lập báo cáo kiểm toán cho năm sau. Để khắc phục cần thực hiện việc chuyển đổi các CTKT. Hợp đồng kiểm toán chỉ nên được ký kết với một thời hạn ngắn, từ 1 đến 3 năm.

Bên cạnh đó hoạt động kiểm toán liên quan đến các bên thứ ba là những đối tượng sử dụng thông tin tài chính của các đơn vị được kiểm toán (nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan thuế...), những đối tượng này không chi trả trực tiếp cho việc sử dụng dịch vụ kiểm toán nhưng là những thành tố quan trọng trong việc đánh giá chất lượng dịch vụ kiểm toán và nhu cầu sử dụng dịch vụ kiểm toán của DN.

Rủi ro gian lận

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới các DN Việt Nam. Dưới sức ép cạnh tranh trên thị trường, chi cổ tức cho cổ đông, khả năng thanh toán..., thì việc xuất hiện những gian lận để "làm đẹp" BCTC là điều không khó hiểu.

Những ví dụ điển hình về chất lượng báo cáo kiểm toán còn nhiều hạn chế thời gian qua có thể kể đến là trường hợp của CTCP Bông Bạch Tuyết, CTCP Dược Viễn Đông...

Theo kinh nghiệm của một số kiểm toán viên lâu năm, khi đối mặt với rủi ro gian lận, kiểm toán viên cần phải giữ được thái độ hoài nghi nghề nghiệp, cho dù đó là khách hàng lâu năm và trong quá khứ không có dấu hiệu gian lận nào. Thái độ hoài nghi nghề nghiệp cần phải đặt câu hỏi về những cơ hội gian lận và bản chất của giao dịch cho từng bộ phận.

Việc làm cho các thông tin tài chính trung thực và khách quan, trở nên tin cậy hơn do có dự chứng thực của kiểm toán viên ngày càng quan trọng trong nền kinh tế hiện nay. Các CTKT cần hiểu, có được những báo cáo tài chính tin cậy hiệu quả vừa là thách thức cũng là cơ hội khẳng định thương hiệu, vai trò của mình trong nền kinh tế./.

(Theo Báo KTNN - số 23)

Những vụ án kinh tế chấn động: Enron - “Kẻ dối trá vĩ đại”

Nhà đầu tư mất trắng hàng tỷ USD. 20.000 nhân viên mất việc làm và thậm chí mất cả khoản tiền dành dụm cả đời. Công ty Enron được thành lập vào năm 1985, với doanh thu đến 101 tỷ USD trong năm 2000. Họ từng là tập đoàn năng lượng hùng mạnh nhất Hoa Kỳ, hoạt động ở trên 40 nước.
Những vụ án kinh tế chấn động: Enron - “Kẻ dối trá vĩ đại”
Những vụ án kinh tế chấn động: Enron - “Kẻ dối trá vĩ đại”

Thế nhưng, qua nhiều vụ làm ăn man trá, hối lộ, những ông chủ Công ty Enron đã gây ra vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tính tới tháng 12-2001. Nhà đầu tư mất trắng hàng tỷ USD. 20.000 nhân viên mất việc làm và thậm chí mất cả khoản tiền dành dụm cả đời.
Ngôi sao sáng
Năm 1985, Kenneth Lay sáp nhập Houston Natural Gas và InterNorth để thành lập công ty năng lượng Enron. Đầu những năm 1990, Lay góp phần vận động bán điện theo giá thị trường, nhờ vậy, những nhà giao dịch như Enron có thể bán năng lượng với giá cao hơn và gia tăng đáng kể lợi nhuận thu được.
Đến năm 1992, Enron đã lớn mạnh trở thành nhà buôn khí tự nhiên lớn nhất Bắc Mỹ. Tháng 11-1999, công ty khai trương website giao dịch EnronOnline để quản trị tốt hơn việc kinh doanh giao dịch các hợp đồng. Trong một nỗ lực nhằm đạt được tăng trưởng hơn nữa, Enron đã theo đuổi chiến lược đa dạng hóa.
Enron sở hữu và điều hành một loạt các tài sản bao gồm các đường ống dẫn khí, các nhà máy điện, các nhà máy bột giấy và giấy, các nhà máy nước, cùng với nhiều loại hình dịch vụ trên toàn cầu. Enron cũng kiếm thêm doanh thu bằng cách mua bán những hợp đồng trong cùng mảng sản phẩm và dịch vụ mà công ty có tham gia.
Giá cổ phiếu Enron tăng vùn vụt, từ đầu thập niên 1990 đến cuối năm 1998 đã nhảy vọt 311%, vượt trội so với tỷ lệ tăng trưởng của chỉ số S&P 500. Trong 2 năm bản lề thiên niên kỷ, giá cổ phiếu Enron tăng tiếp 56% và 87%, trong khi chỉ số S&P tăng 20% vào năm 1999 và giảm 10% vào năm 2000. Enron tiếp tục là ngôi sao sáng chói trên TTCK.
Tới ngày 31-12-2000, cổ phiếu Enron có giá 83,13USD/cổ phiếu và vốn hóa thị trường của công ty vượt mốc 60 tỷ USD, cao gấp 70 lần thu nhập và 6 lần giá trị sổ sách, cho thấy TTCK kỳ vọng nhiều vào triển vọng tương lai của Enron. Thêm vào đó, Enron 6 năm liền được cuộc khảo sát của Tạp chí Fortune đánh giá là “Công ty sáng tạo bậc nhất Hoa Kỳ”.
Vụ phá sản lớn nhất
Khi Jeffrey Skilling được thuê vào công ty và sau đó đảm nhận vị trí CEO Enron, dưới sự dung túng của Lay, Skilling đã tập trung vào việc đáp ứng những sự kỳ vọng của Phố Wall bằng cách phát triển một ban bệ điều hành che giấu hàng tỷ USD thua lỗ và nợ nần từ những thương vụ và dự án bị thất bại. Họ khai thác các kẽ hở kế toán, sử dụng các thể chế có mục đích đặc biệt (những “đối tác” do Enron kiểm soát) và các báo cáo tài chính không trung thực.
Họ thậm chí gây áp lực để Công ty kiểm toán Arthur Andersen (một trong 5 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới) bỏ qua các vấn đề kế toán nhiều rủi ro ở Enron. Ngoài những lời tự đánh bóng về khả năng quản lý, Enron được quảng cáo rất hiệu quả qua Arthur Andersen và các nhà phân tích Phố Wall, nhờ vậy số người mua cổ phiếu của công ty cao kỷ lục.
Chi nhánh Houston của Arthur Andersen nhận 1 triệu USD/tuần còn tham gia cả việc tìm kiếm đối tác cho Enron. Số tiền kếch xù trên đã làm mờ mắt các nhân viên kiểm toán và họ dễ dàng bỏ qua nguyên tắc. Theo đó, những báo cáo tài chính không minh bạch đã không mô tả rõ ràng hoạt động và tình hình tài chính của Enron cho các cổ đông và giới phân tích, thay vào đó, chúng tô vẽ hiệu quả hoạt động của công ty. Vụ việc vỡ lở vào tháng 10-2001.
Cổ phiếu Enron từ đỉnh cao 90USD vào giữa năm 2000 đã tuột dốc không phanh xuống chỉ còn chưa tới USD vào cuối tháng 11-2001. Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ (SEC) bắt đầu điều tra. Đối thủ cạnh tranh Dynegy đề nghị mua lại Enron nhưng thương vụ bất thành và ngày 2-12-2001, Enron nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Với tài sản lên tới 63,4 tỷ USD, đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tính đến thời điểm đó.


Nhiều người trong ban điều hành Enron đã bị kết tội và tống vào tù. Trong đó, 2 lãnh đạo cao nhất Jeffrey Skilling và Kenneth Lay từ người hùng trở thành những “kẻ dối trá và lừa gạt vĩ đại”, đã khoa trương quá mức tình trạng sức khỏe của công ty và đưa công ty tới thảm cảnh phá sản, khiến cho nhà đầu tư mất hàng tỷ USD và khoảng 20.000 nhân viên Enron bị mất việc làm, nhiều người trong số họ mất luôn những khoản tiết kiệm cả đời vì đã góp vốn vào công ty.
Skilling và Lay bị buộc tội che giấu, làm những báo cáo giả và gian lận chứng khoán. Skilling còn bị kết tội giao dịch nội gián, phải chịu phạt 45 triệu USD và 24 năm tù. Về phần Lay, ông ta đã chết vì nhồi máu cơ tim trong lúc chờ đợi bản án dành cho mình. Công ty kiểm toán Arthur Andersen bị một tòa án quận kết tội cản trở tư pháp vì tiêu hủy giấy tờ liên quan đến vụ kiểm toán Enron.
Mặc dù sau đó tòa tối cao đã gỡ bỏ phán quyết của tòa án quận nhưng trên thực tế, Arthur Andersen đã phải đóng cửa vì mất hầu hết khách hàng. Điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng giám đốc điều hành Arthur Andersen, ông Joe Berardino thừa nhận đã phạm sai lầm nghiêm trọng.
Tuy khẳng định rằng Arthur Andersen đã làm tất cả để hạn chế thấp nhất khả năng đổ vỡ của Enron, nhưng họ lại hủy hầu hết tài liệu có liên quan đến vụ việc, ngay cả khi Ủy ban Chứng khoán đã mở cuộc điều tra.
Trong lúc đó, nhân viên và các cổ đông Enron kiện tụng nhưng kết quả nhận được rất hạn chế mặc dù rõ ràng là họ đã mất hàng tỷ USD tiền lương hưu và thị giá cổ phiếu khi Enron sụp đổ. Vụ bê bối này đã đánh động nhà chức trách ban hành luật định mới Sarbanes-Oxley 2002 nhằm tăng cường tính chính xác báo cáo tài chính của các công ty đại chúng cũng như hoạt động của các công ty kiểm toán.
Vụ bê bối Enron đã đưa họ tới giải IgNobel “Sử dụng sáng tạo nhất những con số tưởng tượng” vào đầu năm 2002, nhưng không một cựu thành viên nào trong ban quản lý Enron chịu nhận giải thưởng khét tiếng này.
Theo Bảo Trúc
SGĐTTC

Thông tư 214 ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán cho năm tài chính 2014

Bộ tài chính ban hành Thông tư 214/2012 ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán mới. Bắt đầu từ năm tài chính 2014 sẽ chính thức áp dụng thêm 37 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam có số hiệu và tên gọi mới.
Thông tư 214 ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán cho năm tài chính 2014
Thông tư 214 ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán cho năm tài chính 2014
Quy định trên được ban hành tại Thông tư số 214/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính theo đề nghị của Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán.
Thông tư ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam áp dụng đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, kiểm toán viên hành nghề và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.
37 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam có số hiệu và tên gọi như sau: Chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 1- Kiểm soát chất lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác (VSQC1). Chuẩn mực số 200 - Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Chuẩn mực số 210- Hợp đồng kiểm toán. Chuẩn mực số 220- Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính. Chuẩn mực số 230- Tài liệu, hồ sơ kiểm toán...
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014. Đối với các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và các công việc kiểm toán khác được thực hiện trước ngày Thông tư có hiệu lực mà đến thời điểm đó trở đi mới phát hành báo cáo kiểm toán thì phải áp dụng hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam ban hành theo Thông tư này.
Các chuẩn mực kiểm toán số 1000 “Kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành”, Chuẩn mực kiểm toán số 930 “Dịch vụ tổng hợp thông tin tài chính” ban hành theo Quyết định số 03/2005/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chuẩn mực kiểm toán số 910 “Công tác soát xét báo cáo tài chính”, Chuẩn mực kiểm toán số 920 “Kiểm tra thông tin tài chính trên cơ sở các thủ tục thoả thuận trước” ban hành theo Quyết định số 195/2003/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi có chuẩn mực mới thay thế.
DOWNLOAD THÔNG TƯ

Theo Báo Hải quan

Monday, 25 March 2013

XÂY DỰNG, BAN HÀNH CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN VIỆT NAM: CẦN PHẢI NHANH, NHẠY HƠN

Ông Bùi Văn Mai
Theo sự ủy quyền của Bộ Tài chính, từ năm 2009 đến 2012, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã tổ chức nghiên cứu, soạn thảo để trình Bộ Tài chính ban hành lại 37 Chuẩn mực kiểm toán (CMKiT) Việt Nam. Dự thảo các CMKiT ban hành lại (trong đó có CMKiT số 700: Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính, có nhiều điểm thay đổi, khác biệt với mẫu báo cáo kiểm toán (BCKT) hiện hành) được xây dựng trên cơ sở các CMKiT quốc tế có hiệu lực từ 15/12/2009 đã được VACPA trình Bộ Tài chính trong năm 2012, và dự kiến ban hành trong thời gian tới, áp dụng cho các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) có năm tài chính kết thúc vào 31/12/2013. Trong khi CMKiT Việt Nam (sửa đổi) còn chưa được ban hành thì mới đây Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) đã xây dựng Dự án sửa đổi CMKiT quốc tế số 700. Ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VACPA đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Kiêm toán về vấn đề này.
ĐỖ LONG (thực hiện)
Ông có thể vui lòng cho biết những thông tin đáng chú ý về dự án nói trên của IFAC?
Ngày 21/6/2012, Ủy ban Chuẩn mực kiểm toán và dịch vụ đảm bảo (IAASB) của IFAC đã công bố Thư mời tham gia ý kiến về việc sửa đổi mẫu BCKT của KTV độc lập. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến, IAASB sẽ xây dựng và công bố dự thảo CMKiT sửa đổi vào tháng 6/2013, tiếp tục hoàn thiện và chính thức ban hành CMKiT sửa đổi vào tháng 6/2014. Trong Thư mời tham gia ý kiến, câu hỏi lớn nhất mà IAASB đặt ra là “Liệu những dự kiến thay đổi đối với BCKT có đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng về tính minh bạch của BCTC và cuộc kiểm toán, cũng như cung cấp những giá trị mà người sử dụng đang tìm kiếm hay không?”.
BCKT vẫn được coi là sản phẩm cao nhất của kiểm toán viên - là phương tiện trao đổi thông tin chính thức chủ yếu giữa kiểm toán viên với người sử dụng BCTC và BCKT. Để đảm bảo tính dễ hiểu, BCKT phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng theo đúng mẫu quy định, nhất quán cả về tiêu đề và thứ tự các mục, nội dung. Các thông tin trong BCKT phải bao gồm: đối tượng của cuộc kiểm toán, thành phần của BCTC được kiểm toán, tóm tắt công việc của KTV, tên CMKiT áp dụng (quốc tế hoặc Việt Nam), trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán và của KTV, cơ sở và ý kiến của KTV về BCTC được kiểm toán theo CMKiT Quốc tế hiện hành… Ngoài ra, KTV còn phải báo cáo theo các yêu cầu khác của pháp luật. Mẫu BCKT này đã chứng tỏ nhiều ưu điểm và được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia, qua nhiều thập kỷ. Do mẫu BCKT hiện hành của Việt Nam còn chưa đầy đủ các yêu cầu đó nên dự thảo CMKiT số 700 đang trình Bộ Tài chính đã tiếp thu mẫu BCKT hiện hành của quốc tế.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và thay đổi không ngừng của xã hội, sự biến động lớn của nền kinh tế, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các giao dịch kinh tế phức tạp, dưới nhiều hình thức nên các yêu cầu về lập và trình bày BCTC cũng ngày càng được đặt ra nhiều hơn, chi tiết hơn và chặt chẽ hơn. Đồng thời, người sử dụng BCTC và BCKT cũng mong muốn biết được thông tin cụ thể và đầy đủ hơn về cuộc kiểm toán, muốn KTV diễn giải và đưa ra ý kiến về nhiều khía cạnh trong thông tin tài chính của đơn vị, thay vì chỉ giới hạn là xác nhận sự “trung thực và hợp lý” của BCTC được kiểm toán. Do đó, IAASB cho rằng cần thiết phải tiếp tục thay đổi mẫu BCKT của KTV độc lập. Chất lượng của một cuộc kiểm toán chỉ được khẳng định và kiểm chứng bằng một sản phẩm đầu ra duy nhất là BCKT với đầy đủ thông tin cần thiết đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. BCKT phải thể hiện được những công việc mà KTV đã làm và làm nổi bật những vấn đề chính mà KTV đã phát hiện và kết luận qua cuộc kiểm toán đó.
Vậy các nội dung định hướng thay đổi trong CMKiT quốc tế này là gì, thưa ông? 
5 nội dung thay đổi quan trọng trong mẫu BCKT mà IAASB tin rằng các thay đổi này là cần thiết và có thể áp dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới, bao gồm: Một là, Bổ sung thêm đoạn với tiêu đề “Bình luận/Nhận xét của KTV” vào BCKT để nhấn mạnh các vấn đề mà theo xét đoán của KTV là quan trọng nhất để giúp người sử dụng hiểu rõ về BCTC được kiểm toán, hoặc về cuộc kiểm toán. Đó phải là yêu cầu bắt buộc đối với các BCKT đơn vị có liên quan đến lợi ích công chúng, và có thể vận dụng để áp dụng trong BCKT cho các đơn vị khác. Hai là, KTV phải đưa ra “Kết luận về giả định hoạt động liên tục” mà Ban Giám đốc đơn vị sử dụng để lập BCTC, đồng thời, KTV phải nêu rõ liệu KTV có (hoặc không) nhận thấyđối với bất kỳ yếu tố không chắc chắn trọng yếu nào liên quan đến giả định hoạt động liên tục. Ba là, KTV phải trình bày về “Bất kỳ điểm không nhất quán trọng yếu nào” giữa BCTC được kiểm toán và các thông tin khác mà KTV nhận thấy khi đọc các thông tin khác, đồng thời, xác định rõ thông tin khác mà KTV đã đọc. Bốn là, đoạn “Ý kiến kiểm toán” và các thông tin đặc biệt của đơn vị được kiểm toán phải được trình bày ở vị trí nổi bật trong BCKT (thậm chí có thể ở ngay phần mở đầu của BCKT). Năm là, đưa vào BCKT “Các thông tin khác” về việc thực hiện cuộc kiểm toán và làm rõ trách nhiệm của KTV, Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán.
Với vai trò là đơn vị được giao nghiên cứu, soạn thảo CMKiT Việt Nam, trước tình hình trên, VACPA đã và đang xúc tiến những hoạt động gì để tham gia ý kiến theo đề nghị của IFAC, đồng thời để bổ sung, hoàn thiện dự thảo CMKiT Việt Nam (cụ thể là CMKiT số 700) trước khi Bộ Tài chính thông qua và ban hành? 
Việc sửa đổi CMKiT quốc tế 700 thực sự là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay đối với nhiều nước trên thế giới, vì thế chắc chắn IAASB sẽ hoàn thành công việc này theo đúng kế hoạch đã định. Điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam, khi mà CMKiT Việt Nam số 700 dự kiến được ban hành lại đầu năm 2013 đã thể hiện “độ trễ” so với CMKiT quốc tế số 700 sửa đổi (sẽ được ban hành lại 2014). Tuy nhiên do CMKiT Việt Nam là văn bản pháp luật do Bộ Tài chính ban hành phải theo một quy trình gồm nhiều bước (dự thảo CMKiT 700 cũng đã trải qua tất cả các bước trước khi ban hành) nên không thể sửa đổi lại; mặt khác CMKiT 700 mới của IFAC dự kiến tháng 6/2014 mới ban hành nên không thể sử dụng để làm cơ sở sửa lại dự thảo CMKiT 700 của Việt Nam ngay được. Các yêu cầu (5 điểm) dự kiến bổ sung CMKiT 700 của quốc tế cũng có cao so với điều kiện của Việt Nam nên cũng chưa thể áp dụng cho tất cả các cuộc kiểm toán BCTC. Chúng tôi dự kiến khoảng cuối năm 2014 khi IAASB đã công bố chính thức CMKiT 700 mới, VACPA sẽ trình Bộ Tài chính tài liệu hướng dẫn một số điểm cần áp dụng cho các cuộc kiểm toán BCTC công ty có lợi ích công chúng như công ty niêm yết, đại chúng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng và các tổ chức tài chính…Tuy nhiên qua sự kiện này, chúng tôi nhận thấy việc cập nhật và ban hành CMKiT nói riêng và chuẩn mực kế toán của Việt Nam nói chung cần phải có giải pháp nhanh, nhạy hơn hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
(Theo VACPA)

NỖI NIỀM KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT


Vượt qua rất nhiều khắt khe, công ty kiểm toán mới lọt vào danh sách được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận kiểm toán DN niêm yết. Song, phía trước không phải là quãng đường bằng với họ.
Hằng Phương
TỪ ÁP LỰC CẠNH TRANH
Theo đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán, ưu thế cạnh tranh trên thị trường rõ ràng đang nghiêng về các “ông lớn” trong ngành. Những DN niêm yết có quy mô lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài đều có xu hướng chọn lựa các công ty kiểm toán thuộc nhóm Big4 hoặc các công ty kiểm toán nội địa có quy mô lớn, đã xây dựng được uy tín, thương hiệu lâu đời, dù cho giá phí của những công ty kiểm toán này cao hơn hẳn so với các công ty kiểm toán có quy mô nhỏ. Miếng bánh thị phần kiểm toán niêm yết còn lại đang bị cạnh tranh hết sức gay gắt.
Để được lọt vào danh sách kiểm toán được chấp thuận, công ty kiểm toán phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều so với điều kiện kiểm toán BCTC DN nói chung. Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, công ty kiểm toán được chấp thuận phải có tối thiểu 7 KTV hành nghề, trong khi điều kiện thành lập các công ty kiểm toán nói chung chỉ là 5 KTV. Chính vì vậy, vài năm trước, những vụ hợp nhất công ty kiểm toán để làm phép cộng số KTV của các công ty này, nhắm đến cái đích là lọt vào danh sách được UBCK chấp thuận kiểm toán niêm yết không phải là hiếm.
Nhưng vượt qua vòng xem xét chấp thuận không phải là cú “vượt vũ môn hóa rồng” của các công ty kiểm toán. Cuộc cạnh tranh giá phí theo kiểu xuống đáy ngày càng trầm trọng hơn. Theo Ông Bùi Văn Mai – Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), việc lựa chọn công ty kiểm toán ở nhiều tổ chức niêm yết có quy mô vừa và nhỏ không căn cứ trên giá phí. Nhiều DN niêm yết đã tổ chức đấu thầu để chọn ra công ty kiểm toán có mức phí thấp nhất. Từ đó, tạo ra một cuộc chạy đua về giá phí và chạy đua về quan hệ với người có quyền thỏa thuận thuê kiểm toán giữa các công ty kiểm toán.
Lãnh đạo một công ty kiểm toán cho biết, việc cạnh tranh đang theo kiểu phá hoại nhau. Theo vị này, công ty của anh đã thỏa thuận được với một DN quy mô vừa thì bất ngờ bị từ chối. Hỏi ra mới biết, lý do công ty anh bị bật ra là một công ty khác đã chào phí thấp hơn đến 20%. Giá phí kiểm toán BCTC cho khách hàng có quy mô nhỏ và vừa phổ biến ở công ty kiểm toán nhóm dưới chỉ còn dao động từ 50-100 triệu đồng. Trong xu thế ấy, ngay cả những “ông lớn” trong ngành cũng phải dưa ra mức giá mềm hơn trước.
Ở một số công ty kiểm toán, việc khoán doanh thu hàng năm không phải là hiếm gặp. “Căng thẳng nhất đối với KTV nhiều khi không phải là vấn đề nghiệp vụ, mà là việc chăm sóc khách hàng, mang về hợp đồng cho công ty”, một KTV niêm yết than thở.
Báo cáo hoạt động của ngành kiểm toán năm 2011 do VACPA tổng hợp cho thấy, có công ty kiểm toán niêm yết với 9 KTV nhưng doanh thu từ hoạt động kiểm toán BCTC trong năm này chỉ đạt trên 2 tỷ đồng. Nghĩa là, trung bình, mỗi KTV chỉ có doanh thu bình quân chưa đầy 300 triệu đồng/ năm, trong khi để hoàn thành được hợp đồng kiểm toán, họ cần sự trợ giúp của cả một nhóm trợ lý kiểm toán.
Việc thỏa thuận được hợp đồng về nguyên tắc với ban điều hành chưa phải đã chắc. Bởi vào phút chót, khi DN tiến hành ĐHCĐ, dưới sức ép của các cổ đông, đặc biệt khi giữa nội bộ cổ đông DN có những chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, ban điều hành phải đổi công ty kiểm toán.
Chưa hết, nếu trong năm được chấp thuận, công ty kiểm toán có biến động về số lượng KTV, không còn đủ số lượng KTV theo quy chế, DN kiểm toán sẽ không được thực hiện hợp đồng kiểm toán BCTC năm tài chính đó (vì việc kiểm toán BCTC năm cũ đã vắt sang một năm mới). Trong trường hợp này, công ty kiểm toán không còn đủ điều kiện được chấp thuận phải liên danh với một công ty kiểm toán khác để ký báo cáo kiểm toán. “Miếng bánh” doanh thu đã nhỏ nay lại phải san bớt cho đối tác liên danh. Nguy cơ này với các công ty kiểm toán là không nhỏ, bởi trong số 42 công ty kiểm toán được chấp thuận năm 2013, có tới 7 công ty vừa đủ tiêu chuẩn 7 KTV và 4 công ty chỉ có 8 KTV, trong khi sự dịch chuyển nhân sự kiểm toán những năm qua diễn ra khá mạnh. Chỉ cần biến động 1 -2 KTV, những công ty kiểm toán này sẽ “rơi” ra khỏi danh sách.
….ĐẾN NHỮNG RỦI RO NGHỀ NGHIỆP
Tình trạng cạnh tranh bằng giá phí đang kéo theo hệ lụy rất lớn đối với sự tồn tại và phát triển của nhiều DN kiểm toán cũng như kéo lùi chất lượng dịch vụ kiểm toán.
“Tiền nào thì của nấy, khi ký hợp đồng với giá phí thấp, công ty kiểm toán làm sao có thể đầu tư nhiều thời gian, chất xám để cuộc kiểm toán có chất lượng cao”, ông Mai chia sẻ.
Việc DN niêm yết chịu quy định chặt chẽ về công bố thông tin, trong khi hầu hết các DN trong khối này đang chọn niên độ kế toán kết thúc vào ngày 31/12 cũng gây một áp lực rất lớn đến KTV. Việc đồng loạt kiểm toán thực hiện dịch vụ cho khách hàng trong một thời gian ngắn sẽ khó đảm bảo được chất lượng của cuộc kiểm toán.
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều DN niêm yết dùng những thủ thuật kế toán để che giấu những khoản lỗ và để qua mặt KTV, họ thường chọn những công ty có ít khách hàng hoặc có mức phí thấp, đặc biệt là gây sức ép về thời gian khiến KTV không thể có thời gian hoặc đủ chi phí để phát hiện hết các gian lận.
“Kiểm toán DN niêm yết đang phải đứng trước rất nhiều áp lực, rủi ro nghề nghiệp. Một khi ký tên trên báo cáo kiểm toán, công ty kiểm toán phải đứng trước hàng trăm ngàn con mắt soi vào”, ông Mai nói.
Cũng bởi tầm ảnh hưởng của những thông tin tài chính của DN niêm yết, nên việc giám sát đối với hoạt động của công ty kiểm toán niêm yết luôn chặt chẽ hơn so với những công ty còn lại. Tại dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến góp ý mới đây, đã có mục riêng quy định về xử phạt với hành vi vi phạm quy định về kiểm toán BCTC của đơn vị có lợi ích công chúng.
Những áp lực, rủi ro nghề nghiệp đang làm nản lòng không ít người làm kiểm toán. Theo ông Mai, một số DN không còn quá mặn mà với việc được lọt vào danh sách kiểm toán được chấp thuận kiểm toán tổ chức niêm yết.
Không còn ở cái thời, “cứ thành lập công ty là thắng”. Vài năm nay, tốc độ thành lập mới công ty kiểm toán đang chững lại, sau khi phát triển với tốc độ chóng mặt trong vòng 10 năm trước đó.
Theo Báo ĐTCK-VACPA

Wednesday, 20 March 2013

6 lưu ý trong kiểm toán công ty quản lý quỹ



Năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã xử phạt hành chính hàng chục công ty quản lý quỹ (CTQLQ), trong đó, nhiều trường hợp bị xử phạt do vi phạm chế độ kế toán, kiểm toán, đưa thông tin sai lệch.
(Ngọc Khuê - Hằng Phương)

1/5 Công ty quản lý quỹ có sai phạm
So với con số 47 công ty quản lý đang hoạt động trên  thị trường, số công ty bị xử phạt trong năm 2012 đã chiếm tới gần 1/5. Có thể kể đến những cái tên như CTQLQ Việt Long, CTQLQ Nhân Việt, CTQLQ Tín Phát, CTQLQ AIC, CTQLQ Lộc Việt, CTQLQ FPT; CTCP Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Liên Minh Việt Nam...
Gần đây nhất, UBCK đã xử phạt Công ty TNHH một thành viên Quản lý quỹ Ngân hàng Công thương (Vietinbank Capital) Theo đó, UBCK đã xử phạt Vietinbank Capital 85 triệu đồng do không thực hiện chào mua công khai cổ phần của CTCP đầu tư PV-Inconess theo quy định; đồng thời, phạt quỹ này 60 triệu đồng do đã báo cáo không đúng thời hạn quy định khi trở thành cổ đông lớn của PV- Inconess. Tổng cộng mức phạt tiền đối với Vietinbank Capital là 145 triệu đồng.
Bên cạnh những vi phạm về công bố thông tin như chậm nộp báo cáo kiểm toán, chưa kịp thời công bố thông tin bất thường, thì nhiều trường hợp bị cơ quan quản lý “tuýt còi” do vi phạm về hoạt động chuyên môn như hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép; báo cáo có nội dung sai lệch; thậm chí, có những công ty đã vi phạm quy định về giao vốn đầu tư, thực hiện việc giao vốn của công ty cho các cá nhân là người có liên quan quản lý hay giao vốn cho các công ty con sử dụng và quản lý.
Cá biệt, CTQLQ Hữu Nghị (trước đây là CTQLQ SME) bị phạt lần thứ hai trong năm 2012 vì mắc tới 5 lỗi chính: chuyển trụ sở chính khi chưa được UBCK chấp thuận; chưa có quy trình phân bổ tài sản theo quy định pháp luật; không thực hiện thu thập và cập nhật thông tin về khả năng tài chính, mức chấp nhận rủi ro, hạn chế đầu tư, xây dựng chiến lược đầu tư cho nhà đầu tư ủy thác; không có đủ nhân viên có chứng chỉ hành nghề và thực hiện báo cáo không đúng thời hạn.

Những điểm mờ trong BCTC 
Còn nhớ, cuối tháng 11/2011, UBCK đã có công văn phê bình, nhắc nhở 11 công ty kiểm toán có sai sót khi kiểm toán BCTC của các CTQLQ. Theo đó, kiểm toán viên của 11 công ty này chưa thận trọng và chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành khi kiểm toán và đưa ra ý kiến kiểm toán. Cụ thể: BCTC đã kiểm toán của CTQLQ chưa được trình bày theo đúng quy định tại chế độ kế toán công ty quản lý (Quyết định 62/2005/QĐ-BTC); bản thuyết minh BCTC chưa đầy đủ, chưa thuyết minh rõ ràng danh mục các khoản đầu tư, đặc biệt là danh mục đầu tư của nhà đầu tư ủy thác, chưa thuyết minh tách biệt danh mục tài sản sử dụng nguồn vốn ủy thác với tài sản tự doanh của công ty... Vậy nhưng, tình trạng vi phạm của các CTQLQ lại tiếp tục tái diễn trong năm 2012. Điều này, theo ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), có lỗi không nhỏ của các kiểm toán viên tham gia kiểm toán BCTC của CTQLQ.
Ở góc độ là hiệp hội của các kiểm toán viên hành nghề, chịu trách nhiệm bảo vệ Hội viên, hướng theo những chuẩn mực đạo đức và chuyên môn kế toán, kiểm toán quốc tế, ông Mai đã khuyến cáo 6 vấn đề kiểm toán viên cần chú ý khi kiểm toán BCTC của CTQLQ.
Một là, giao dịch với các bên liên quan. Theo quy định, đối với các cổ đông lớn, thành viên góp vốn lớn, thành viên ban kiểm soát, thành viên HĐQT, HĐTV, giám đốc, phó giám đốc hoặc tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và người có liên quan của những đối tượng nêu trên, CTQLQ không được cho vay dưới bất kỳ hình thức nào hoặc thực hiện việc giao vốn của công ty cho các cá nhân, tổ chức liên quan quản lý. Tuy nhiên, thực tế, vẫn có tình trạng CTQLQ chuyển vốn cho cổ đông lớn, thành viên ban lãnh đạo để ủy thác thực hiện hợp đồng đầu tư, các giao dịch này chủ yếu bằng tiền mặt, chiếm tỷ trọng lớn. Giao dịch bất thường này nhiều khả năng là các giao dịch góp vốn ảo. Trong trường hợp này, kiểm toán viên cần phải xem xét tính tuân thủ pháp luật như sự phê duyệt của cổ đông, HĐQT, hợp đồng ủy thác đầu tư, chữ ký của người nhận tiền, giấy giới thiệu, giấy đăng ký kinh doanh của đơn vị nhận ủy thác để phát hiện ra bên liên quan; thực hiện thư xác nhận, kiểm tra luồng tiền vào, luồng tiền ra, số phát sinh trên sổ quỹ, kiểm tra việc trình bày thông tin bên liên quan trên thuyết minh BCTC và xét thấy cần thiết thì đưa vấn đề này vào cam kết trong thư giải trình của Ban giám đốc và báo cáo kiểm toán.
Hai là, nguồn đầu tư chứng khoán/đầu tư dài hạn. Khoản 1, Điều 16, Quyết định 125/2008 của Bộ Tài chính nêu rõ: “CTQLQ phải bảo đảm vốn kinh doanh dành cho hoạt động đầu tư tài chính phải từ nguồn vốn điều lệ thực góp của công ty, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận chưa phân phối. CTQLQ không được sử dụng các nguồn vốn vay, vốn ủy thác hoặc vốn chiếm dụng từ các tổ chức, cá nhân khác để mua cổ phiếu, trái phiếu, tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp của công ty”. Do đó, khi kiểm toán các khoản đầu tư, ngoài việc thực hiện các thủ tục kiểm toán thông thường, KTV cần thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung như xem xét nguồn hình thành các khoản đầu tư này.
Ba là, hợp đồng quản lý danh mục đầu tư. Do có quy định CTQLQ không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư để tự doanh chứng khoán, đầu tư ngắn hạn, dài hạn, nên rất có thể CTQLQ dùng các hợp đồng ủy thác đầu tư với lãi suất cố định thực chất là hợp đồng cho vay. Một trong những dấu hiệu để nhận biết vi phạm này là xem xét hồ sơ quản lý danh mục đầu tư có thông tin của nhà đầu tư uỷ thác, tìm hiểu khả năng tài chính, thời hạn đầu tư, mục tiêu đầu tư, mức độ rủi ro có thể chấp nhận, các hạn chế đầu tư và các yêu cầu đầu tư khác của nhà đầu tư uỷ thác.
Bốn là, quản lý tiền và tài sản của nhà đầu tư ủy thác. Kiểm toán viên cần xem xét tính tuân thủ pháp luật theo Điều 30, Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC (khi thực hiện quản lý danh mục đầu tư, CTQLQ phải mở tài khoản lưu ký đứng tên CTQLQ tại ngân hàng lưu ký thay mặt cho nhà đầu tư uỷ thác), kiểm tra xem công ty có thực hiện mở tài khoản riêng biệt cho từng người ủy thác đầu tư hay không.
Năm là, giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần. KTV cần thu thập danh sách cổ đông để xem xét những giao dịch chuyển nhượng vốn chủ sở hữu làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp chiếm từ 10% trở lên vốn điều lệ đã góp đã được UBCK chấp thuận hay chưa.
Sáu là, sau khi phát hành báo cáo kiểm toán, nếu có nghi ngờ hoặc có phát hiện tổ chức được kiểm toán có những sai phạm trọng yếu do không tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan đến BCTC được kiểm toán, công ty kiểm toán phải thực hiện các thủ tục thông báo cho đơn vị được kiểm toán và người thứ ba theo quy định của chuẩn mực kiểm toán và thông báo cho UBCK.
Theo Nghị định 85/2010/NĐ-CP, nếu tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên lập báo cáo kiểm toán không trung thực, không chính xác, không đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định thì có thể bị phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ có thời hạn hoặc hủy bỏ tư cách được chấp thuận kiểm toán của tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên. Trong trường hợp kiểm toán viên không thông báo cho UBCK các hành vi không tuân thủ pháp luật, không ghi các hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan đến BCTC được kiểm toán thì sẽ bị hủy bỏ có thời hạn tư cách kiểm toán được chấp thuận.
Theo ông Mai, với lĩnh vực dịch vụ đặc biệt như kiểm toán độc lập, dịch vụ xác nhận niềm tin, thì việc bị hủy bỏ tư cách kiểm toán là án phạt nặng nề nhất với các kiểm toán viên, đó như là một “vết nhơ” nghề nghiệp. Do vậy, các kiểm toán viên cần hết sức chú ý để tránh những vi phạm chuẩn mực nghề nghiệp.
(Theo ĐTCK)

IFRS 9 - Công cụ tài chính: Vấn đề của quy định và nguyên tắc


Mục đích của chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9 mới là đưa ra nguyên tắc hạch toán và đơn giản hóa việc xử lý các công cụ tài chính. Chuẩn mực IFRS 9 sẽ chính thức áp dụng từ kỳ kế toán bắt đầu ngày 01/01/2013 hoặc sau đó. Một số công ty có thể lựa chọn áp dụng sớm nhưng phần lớn các công ty có thể sẽ tiếp tục áp dụng chuẩn mực hiện nay (đó là Chuẩn mực IAS 39/21).
Lisa Nguyễn - Trần Thị Kim Anh

V
ấn đề của các chuẩn mực hiện tại xử lý cách phân loại và đo lường các công cụ tài chính (IAS 39/32) là chúng rất phức tạp và mang nhiều tính quy định theo kiểu chúng được trình bày dưới hình thức đặt ra các câu hỏi và các câu hỏi được trả lời theo cách hướng dẫn áp dụng. Vì lý do này mà nhiều chuyên gia kế toán vẫn ưu thích những quy định và đang có xu hướng thích áp dụng và giữ lại những gì mà họ đã hiểu rõ, nắm vững, đó là Chuẩn mực IAS 39/32. Tuy nhiên, trong một vài năm tới, một số nước có thể áp dụng đồng thời cả nội dung có tính quy định và tính nguyên tắc. Để minh họa, các thay đổi trong IFRS 9 có thể được xem xét một ví dụ tiêu biểu của chuẩn mực có tính nguyên tắc bởi vì chuẩn mực này trình bày các nguyên tắc ghi nhận, đo lường và công bố thông tin.
Nguyên tắc ghi nhận
Thông qua Chuẩn mực IFRS 9 nghĩa là việc phân loại và đo lường không hồi tố sẽ được áp dụng kể từ khi ghi nhận ban đầu. Theo Chuẩn mực này, nguyên tắc ghi nhận được thực hiện trên cơ sở mô hình kinh doanh của công ty. Mục đích là hài hòa các xử lý trong kế toán theo hướng phù hợp với mô hình kinh doanh và cách xử lý tài sản và công nợ của doanh nghiệp. Ví dụ: có nhiều mô hình kinh doanh khác nhau như: một ngân hàng nắm giữ một giỏ đầu tư để thực hiện lãi, một công ty tài chính quản trị một danh sách tài sản cho thuê để thu hồi các dòng tiền từ các hợp đồng, một chính quyền địa phương có thể nắm giữ một giỏ chứng khoán niêm yết hoặc không niêm yết vì lợi nhuận đầu tư vốn, một công ty đa quốc gia nắm giữ trái phiếu để tài trợ các hoạt động... Vì vậy, nguyên tắc là một khi đã đưa ra một lựa chọn ghi nhận phù hợp với mô hình kinh doanh, thì sẽ không được thay đổi.
Nguyên tắc đo lường
Nguyên tắc áp dụng cho phép hai lựa chọn, đó là sự đơn giản hóa dưới hình thức giảm bớt số lượng các mô hình đo lường thành cách tiếp cận theo mô hình kinh doanh đơn giản với ít cách phân loại hơn. Điều đó làm giảm các loại tài sản và công nợ tài chính được đánh giá theo:
- Giá trị hợp lý thông qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
- Khấu trừ giá gốc.
Nếu mô hình kinh doanh của công ty kéo theo việc thanh toán hoặc thu về các dòng tiền theo hợp đồng, một điều kiện khác duy nhất để áp dụng cách đo lường theo khấu trừ giá gốc là nếu điều khoản đưa ra dẫn đến các dòng tiền theo hợp đồng là các khoản thanh toán gốc và lãi cho chủ nợ được thực hiện vào thời điểm cụ thể. Chuẩn mực trình bày nhiều ví dụ để giúp chúng ta vận dụng điều kiện này. Nhiều nội dung được đơn giản hóa làm giảm bớt số trường hợp trong đó áp dụng giá hợp lý cho tài sản tài chính. Chuẩn mực cũng cung cấp hướng dẫn để áp dụng việc phân loại của các giỏ đầu tư thay vì cách tiếp cận theo từng công cụ tài chính như trước đây, đồng thời cho phép nhiều mô hình kinh doanh và cách xử lý kế toán trong cùng một công ty. Với tất cả các sự giản lược hữu ích trên, Chuẩn mực dễ hiểu và dễ áo dụng hơn. Một thay đổi đáng kể nữa là ở cách xử lý lãi và lỗ từ các khoản đầu tư công cụ vốn không được niêm yết mà không phải được nắm giữ để bán. Nhà quản trị giờ đây được lựa chọn trình bày giá trị hợp lý trong OCI (Other comprehensive Income) hoặc trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, IFRS 9 loại bỏ chọn lựa về nguyên tắc ghi nhận là sẵn có và không được thay đổi, tuy nhiên nếu như qua OCI sẽ không có tái chế những thay đổi thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, mặc dù cổ tức từ các khoản đầu tư đó sẽ tiếp tục được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
Tuy vậy, điều đáng ghi nhận trong sự đơn giản của Chuẩn mực IFRS 9 ở chỗ, Chuản mực IFRS 9 mang tính nguyên tắc nhiều hơn dựa trên sự cần thiết phải có sự đánh giá chủ quan ở mức độ cao hơn. Đây chính là điểm khó xử của các nhà làm Chuẩn mực: là làm thế nào để tính chủ quan và sự phán đoán có thể được chuyển giao một cách đáng tin cậy cho nghề kế toán? Ví dụ, có khả năng nhà quản trị nắm giữ trái phiếu với kỳ vọng về sự thay đổi giá hợp lý để thuyết phục các kiểm toán viên của họ rằng họ có ý định nắm giữ các trái phiếu đó để thu về các dòng tiền theo hợp đồng, trong khi biết rằng họ có thể cần trao đổi một số trái phiếu đó để giữ khả năng thanh toán. Chính bởi những yêu cầu "quá khắt khe" được giải tỏa, có thể một số nhà quản trị lựa chọn các cơ sở đo lường vì mục đích ngắn hạn. Ban tiêu chuẩn kế toán quốc tế (IASB) đã nhận thấy rằng rất ít mô hình doanh nghiệp nắm giữ tất cả các công cụ đến kỳ hạn và rất có thể là một công cụ sẽ bị bán ra trước kỳ hạn. Về khía cạnh này, nếu có nhiều đợt bán ra một cách bất thường, thì IFRS 9 đòi hỏi doanh nghiệp phải đánh giá xem xét liệu những việc bán ra đó có phù hợp với mục tiêu ban đầu là nắm giữ những công cụ đó đén hết kỳ hạn hay không.
Các chuẩn mực dựa trên quy định tránh được sự chủ quan trên nhưng lại rất dài và khó hiểu như thể chúng được viết ra để tuân thủ pháp luật và bao gồm nhiều cách xử lý kế toán khác nhau. Giống như pháp luật về thuế, kết quả cuối cùng của một chuẩn mực dựa trên quy định là cung cấp một văn bản gần như không đọc được giống như một sự cố gắng vô ích để đề cập đến mọi trường hợp xử lý.
Trong bối cảnh hiện nay, IASB đã đúng khi ban hành chuẩn mực IFRS 9 để đơn giản hóa chuẩn mực hiện nay theo hướng tư duy dựa trên nguyên tắc của họ. Tuy nhiên, tính chủ quan vẫn còn là một vấn đề trọng tâm của việc xây dựng chuẩn mực dự trên nguyên tắc: chúng ta có thể tin vào các quan tòa đưa ra các phán quyết khách quan và minh bạch? Để có thể minh bạch thì các phán quyết đó sẽ đòi hỏi sự rõ ràng trong phần thuyết minh - đó cũng là điểm mà những kế toán viên không giỏi có xu hướng ghi chú giải cho các tài khoản. Điều này là không sáng suốt và không có ý nghĩa./.
(Theo Tạp chí KT&KiT số 12)

Báo cáo kiểm toán độc lập - Yêu cầu luôn thay đổi để đáp ứng nhu cầu thông tin của người sử dụng

Như bạn đọc đã biết, theo ủy quyền của Bộ Tài chính, từ năm 2009 đến năm 2012, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã tổ chức nghiên cứu, soạn thảo để trình Bộ Tài chính ban hành lại 37 Chuẩn mực kiểm toán (“CMKiT”)Việt Nam, thay thế cho các CMKiT hiện hành. Dự thảo các CMKiT (ban hành lại) được xây dựng trên cơ sở các CMKiT quốc tế có hiệu lực từ 15/12/2009 và đã được VACPA trình Bộ Tài chính đầu quý 2/2012. Dự kiến, các CMKiT này (trong đó có CMKiT số 700 – “Báo cáo kiểm toán về BCTC”) sẽ được Bộ Tài chính chính thức ban hành lại đầu năm 2013 và áp dụng cho các cuộc kiểm toán BCTC có năm tài chính kết thúc vào 31/12/2013. Theo dự thảo mẫu BCKT này đã có nhiều điểm thay đổi, khác biệt với mẫu BCKT hiện hành, như có 2 phần: BCKT về BCTC, BC theo yêu cầu khác của pháp luật; và ý kiến kiểm toán loại nào thì phải có cơ sở cho ý kiến kiểm toán loại đó…Trong khi CMKiT Việt Nam (CMKiT 700 có nhiều khác biệt như vậy) còn chưa được ban hành, mới đây, VACPA đã nhận được thông tin về Dự án sửa đổi CMKiT quốc tế số 700 trên website của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC). Do đó mới có tình trạng, CMKiT 700 của Việt Nam chưa ban hành lại đã bị tụt hậu so với CMKiT quốc tế sắp ban hành.
Ngày 21/6/2012, Ủy ban Chuẩn mực kiểm toán và dịch vụ đảm bảo (IAASB) của IFAC đã công bố Thư mời tham gia ý kiến về việc sửa đổi mẫu Báo cáo kiểm toán (“BCKT”) của kiểm toán viên độc lập (“KTV”). Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến, IAASB sẽ xây dựng và công bố dự thảo CMKiT sửa đổi vào tháng 6/2013, tiếp tục hoàn thiện và chính thức ban hành CMKiT sửa đổi vào tháng 6/2014. Trong Thư mời tham gia ý kiến, câu hỏi lớn nhất mà IAASB đặt ra với những người quan tâm là “Liệu những thay đổi dự kiến đối với BCKT có đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng về tính minh bạch của BCTC và cuộc kiểm toán, cũng như cung cấp những giá trị mà người sử dụng đang tìm kiếm hay không?”
Từ trước đến nay, BCKT vẫn được coi là phương tiện trao đổi thông tin chính thức chủ yếu giữa kiểm toán viên và người sử dụng BCTC/BCKT. Theo quy định của CMKiT quốc tế cũng như CMKiT Việt Nam, để đảm bảo tính dễ hiểu, BCKT phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng theo đúng mẫu quy định, nhất quán cả về tiêu đề và thứ tự các mục/nội dung trong BCKT. Các thông tin trong BCKT phải bao gồm: đối tượng của cuộc kiểm toán, thành phần của BCTC được kiểm toán, tóm tắt công việc của KTV, nêu tên CMKiT áp dụng (quốc tế hoặc Việt Nam), trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị và của KTV…, và cuối cùng là ý kiến của KTV về BCTC được kiểm toán. Mẫu BCKT này đã chứng tỏ nhiều ưu điểm và được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia, qua nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và thay đổi không ngừng của xã hội, biến động “chóng mặt” của nền kinh tế, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các giao dịch kinh tế phức tạp, dưới nhiều hình thức…, theo đó, việc lập và trình bày BCTC cũng ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu hơn, chi tiết hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời, người sử dụng BCTC và BCKT cũng mong muốn biết được thông tin cụ thể và đầy đủ hơn về cuộc kiểm toán, muốn KTV diễn giải và đưa ra ý kiến về nhiều khía cạnh trong thông tin tài chính của đơn vị, thay vì chỉ giới hạn là xác nhận sự “trung thực và hợp lý” của BCTC được kiểm toán. Do đó, IAASB đánh giá, cần thiết phải tiếp tục thay đổi mẫu BCKT của KTV độc lập. Chất lượng của một cuộc kiểm toán chỉ được khẳng định và kiểm chứng bằng một sản phẩm đầu ra duy nhất là BCKT với đầy đủ thông tin cần thiết đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. BCKT phải thể hiện được những công việc mà KTV đã làm và làm nổi bật những vấn đề chính mà KTV đã phát hiện qua cuộc kiểm toán đó.
Năm nội dung thay đổi quan trọng trong mẫu BCKT mà IAASB tin rằng các thay đổi này là cần thiết và có thể áp dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới, bao gồm:
(1)     Bổ sung thêm đoạn với tiêu đề “Bình luận/Nhận xét của KTV” vào BCKT để nhấn mạnh các vấn đề mà theo xét đoán của KTV, đó là các vấn đề quan trọng nhất để giúp người sử dụng hiểu rõ về BCTC được kiểm toán, hoặc về cuộc kiểm toán. Đoạn này phải là yêu cầu bắt buộc đối với các BCKT đơn vị có lợi ích công chúng, và có thể vận dụng để áp dụng trong BCKT cho các đơn vị khác.
(2)     KTV phải đưa ra kết luận về giả định hoạt động liên tục mà Ban Giám đốc đơn vị sử dụng để lập BCTC, đồng thời, KTV phải nêu rõ liệu KTV có nhận thấy (hay không nhận thấy) bất kỳ yếu tố không chắc chắn trọng yếu nào liên quan đến giả định hoạt động liên tục hay không.
(3)     KTV phải trình bày về bất kỳ điểm không nhất quán trọng yếu nào giữa BCTC được kiểm toán và các thông tin khác mà KTV nhận thấy khi đọc các thông tin khác, đồng thời, xác định rõ thông tin khác mà KTV đã đọc.
(4)     Đoạn “Ý kiến kiểm toán” và các thông tin đặc biệt của đơn vị được kiểm toán phải được trình bày ở vị trí nổi bật trong BCKT (ví dụ, ngay ở phần mở đầu của BCKT).
(5)     Các thông tin khác về việc thực hiện cuộc kiểm toán và làm rõ trách nhiệm của KTV, Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán.

Việc sửa đổi CMKiT quốc tế 700 thực sự là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay và chắc chắn IAASB sẽ hoàn thành công việc này theo đúng kế hoạch đã định. Điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam, khi mà CMKiT Việt Nam số 700 dự kiến được ban hành lại đầu năm 2013 đã thể hiện “độ trễ” so với CMKiT quốc tế số 700 sửa đổi (sẽ được ban hành lại 2014). Điều đó đòi hỏi việc cập nhật và ban hành CMKiT của Việt Nam phải có giải pháp nhanh, nhạy hơn hiện nay.
Thực tế tại Việt Nam, khoảng thời gian từ 2001 đến 2005 là giai đoạn Bộ Tài chính liên tục ban hành các CMKiT Việt Nam theo các đợt. Sau đó, từ năm 2006 đến nay đã là một “khoảng lặng” khá dài khi không có thêm CMKiT nào được ban hành mới hoặc sửa đổi, cập nhật. Cập nhật các CMKiT là một công việc đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, nguồn lực, do đó, khó có thể đòi hỏi các CMKiT của Việt Nam phải thay đổi ngay để bắt kịp với yêu cầu của quốc tế. Tuy nhiên, giải pháp trong ngắn hạn mà Bộ Tài chính (Ủy ban chứng khoán Nhà nước) có thể xem xét, đó là khi nghiên cứu ban hành các quy định về kiểm toán tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành, tổ chức kinh doanh chứng khoán, Bộ Tài chính (Ủy ban chứng khoán Nhà nước) có thể đặt ra các quy định đặc thù và yêu cầu thông tin chi tiết hơn đối với Báo cáo kiểm toán. Ví dụ, quy định Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính của các tổ chức nói trên phải có thêm đoạn nhấn mạnh các vấn đề mà theo xét đoán của KTV, đó là các vấn đề quan trọng nhất để giúp người sử dụng hiểu rõ về BCTC được kiểm toán, hoặc về cuộc kiểm toán, và có đoạn nhận xét của KTV về giả định hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán./.
(BBT: Dựa trên bài viết này, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có bài đăng trên số báo ngày thứ 2-4/3/2013)
Trần Thanh Thảo – Phó Trưởng văn phòng VACPA Hà Nội
Thư ký Ban nghiên cứu, cập nhật Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam     

Monday, 18 March 2013

Kinh nghiệm lần đầu tiên áp dụng Chuẩn mực lập Báo cáo tài chính quốc tế (IFRSs)


BBT: Nhân dịp Bộ Tài chính tổ chức đào tạo về IFRS (đợt 2 từ ngày 11 đến ngày 13/03/2013 - xem tin ở mục Đào tạo) - BBT đăng bài này để bạn đọc tham khảo.
Áp dụng chuẩn mực Lập Báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế (International Financial Reporting Standards - IFRS) là điều kiện để đảm bảo các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới áp dụng thống nhất  các nguyên tắc kế toán trong công tác lập BCTC.
TS. Trần Mạnh Dũng (CPA) – Đại học KTQD
Ths. Đào Mạnh Huy - Đại học Lao động Xã hội
Th.s. Nguyễn Thị Thanh Diệp – Đại học KTQD

IFRS được biên soạn theo định hướng thị trường vốn và hệ thống lập BCTC. Phương thức lập BCTC được mô tả là tập trung vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư và tập trung vào luồng thông tin liên quan đến thị trường vốn. Cơ quan nhà nước có thể sử dụng BCTC như công cụ điều hành các hoạt động kinh tế. Tuy nhiện, BCTC được lập chủ yếu phục vụ cho mục đích của nhà đầu tư chứ không phải cho Chính phủ.
Năm 2005 đánh dấu việc ban hành đầy đủ IFRS cho thị trường vốn trên thế giới. Căn cứ vào IFRS, các quốc gia trên thế giới đã ban hành Chuẩn mực lập BCTC phù hợp với từng quốc gia và nhiều quốc gia đã chính thức áp dụng từ 1/1/2005 như Úc, Hồng Kông, các nước Châu Âu …
Chủ đề về áp dụng IFRS tại các nước trên thế giới có tầm quan trọng đặc biệt khi mà các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán lập BCTC hợp nhất theo IFRS từ năm 2005, năm đầu tiên áp dụng IFRS. Việc áp dụng IFRS của các nước trên thế giới được coi như một cuộc cách mạng trong công tác kế toán và lập BCTC. Tuy nhiên trong năm đầu tiên áp dụng IFRS, nhiều tồn tại, vướng mắc đã bộc lộ trong quá trình áp dụng Hệ thống chuẩn mực này.
Từ thực tiễn trên, nhiều nghiên cứu khác nhau về tính khả thi trong việc áp dụng IFRS trong năm đầu tiên áp dụng. Một số kinh nghiệm được đưa ra liên quan đến việc áp dụng IFRS của các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Châu Âu, Úc, Malaysia, Singapore, Hồng Kông, New Zealand bao gồm:
1. Tính phức tạp của chuẩn mực
Các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán đánh giá quá thấp tính phức tạp, sự ảnh hưởng và chi phí khi áp dụng IFRS. Mặc dù, hầu hết các công ty đã bắt đầu quá trình chuyển đổi trước đó, nhưng trên thực tế khi lập BCTC theo IFRS đã mất nhiều thời gian hơn dự định ban đầu. Có tình trạng đó là khi áp dụng IFRS hàng loạt vấn đề đặt ra và cần phải có sự xét đoán mang tính chủ quan để quyết định đến trị số của các chỉ tiêu trên BCTC.
Trên thực tế, có nhiều vấn đề được coi là rất khó khăn trong việc áp dụng như chuẩn mực kế toán về các công cụ tài chính bao gồm cả các nghiệp vụ phái sinh và kế toán phòng ngừa rủi ro; kế toán theo phương pháp mua, bao gồm cả sự nhận dạng và đo lường tài sản vô hình tách biệt, kiểm tra giảm giá trị của tài sản … Khi kiểm toán viên nhận được BCTC dự thảo mà doanh nghiệp cho là tuân thủ IFRS thì có tới hàng trăm sai sót với mức độ khác nhau cần phải được sửa chữa trước khi phát hành BCTC chính thức để phục vụ cho hoạt động kiểm toán của các công ty kiểm toán.
2. Sự trợ giúp của kiểm toán viên
Để có được BCTC tuân thủ theo IFRS thì cần nhiều đến sự trợ giúp của các kiểm toán viên. Sở dĩ yêu cầu này được đặt ra là do các điều khoản trong IFRS rất phức tạp, trong khi đó các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu sự tinh thông đối với IFRS. Vì lý do này, sự trợ giúp của kiểm toán viên là rất quan trọng. Việc trợ giúp này liên quan đến các hợp đồng tư vấn về công tác kế toán và lập BCTC cho các doanh nghiệp. Tương tự như vậy là sự tư vấn và các bút toán điều chỉnh được kiểm toán viên đưa ra trong quá trình kiểm toán. Qua đó, nếu BCTC được điều chỉnh theo ý kiến của kiểm toán viên sẽ phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, luồng tiền và tất nhiên BCTC tuân thủ theo IFRS.
3. Tính có thể so sánh
Việc áp dụng IFRS dẫn đến tăng khả năng so sánh của các chỉ tiêu trên BCTC của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế rất đa dạng và vẫn còn tồn tại trên BCTC hợp nhất năm 2005, do có quá nhiều giả thiết mang tính chủ quan tồn tại trong các chuẩn mực của IFRS. Vì vậy BCTC được lập với nhiều giả định khác nhau tùy theo từng công ty, việc đánh giá xem tính hợp lý của các giả định cũng như tính tuân thủ theo IFRS là công việc không hoàn toàn đơn giản.
Tính có thể so sánh của các thông tin trên BCTC gặp trở ngại lớn do thiếu sự thống nhất về một số nội dung trong biểu mẫu BCTC. Ví dụ, một số công ty phân loại tài sản theo ngắn hạn và dài hạn trong khi một số khác lại không phân loại như vậy; Một số công ty sắp xếp tiền và các khoản tương đương tiền ở đầu bảng cân đối kế toán trong khi một số công ty khác lại sắp xếp tiền và các khoản tương đương tiền ở cuối bảng cân đối kế toán. Trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cũng vậy, sự sắp xếp trình bày không giống nhau sẽ làm khó khăn hơn trong việc so sánh các thông tin.
4. Phương pháp giá trị hợp lý và giá trị sử dụng
Sự khác biệt quan trọng giữa các công ty mà không thể nhận thấy được từ BCTC sẽ nảy sinh như là kết quả của phương pháp giá trị hợp lý và giá trị sử dụng. Một trong những sự chuyển biến sâu sắc nhất trong kế toán khi áp dụng IFRS là sự chuyển hướng nhiều hơn đến kế toán giá trị hợp lý bao gồm phương pháp giảm giá trị của tài sản, lợi thế thương mại và tài sản cố định vô hình. Điều này liên quan đến ước tính chủ quan luồng tiền trong tương lai. Nhiều ước tính được thực hiện dựa trên các giả định không rõ ràng, đôi khi không hợp lý sẽ dẫn đến nhiều kết quả khác nhau và thậm chí có sự chênh lệch lớn giữa các kết quả đó.
5. Tính rõ ràng và ổn định
IFRS được cho là quá phức tạp, thậm chí phức tạp đối với cả kiểm toán viên và các chuyên gia về tài chính kế toán. Đối với hầu hết những người sử dụng BCTC, không đơn giản và dễ dàng để hiểu được thấu đáo các thông tin kế toán và chính sách kế toán trên BCTC.
IFRS cũng được cho là không rõ ràng và không ổn định. Điều này làm giảm sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào thị trường vốn. Sự minh họa rõ nét nhất là trong giải thích của Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế về IAS 27 “BCTC hợp nhất và riêng biệt” rằng yêu cầu hợp nhất khi có sự kiểm soát tồn tại. Tuy nhiên, không một công ty kiểm toán nào trong 4 công ty kiểm toán lớn (Big 4) đạt được kết luận đó. Dường như các tuyên bố đáng ngạc nhiên cũng tăng thêm tính không ổn định của IFRS. Hay như chuẩn mực các công cụ tài chính chưa thực sự rõ ràng và đôi khi còn khó hiểu vì sự đa dạng của công cụ tài chính tồn tại và đặc tính thay đổi của thị trường tài chính.
6. Giảm giá trị của lợi thế thương mại
Chuẩn mực yêu cầu ước tính giá trị có thể thu hồi của các đơn vị tạo tiền mà lợi thế thương mại phân bổ cho các đơn vị tạo tiền đó. Cũng theo quy định của Chuẩn mực, giá trị có thể thu hồi thường được xác định theo phương pháp giá trị sử dụng và nó được tính toán như là giá trị hiện tại của luồng tiền trong tương lai. Điều này hoàn toàn mang tính chủ quan, cho nên với các giả định khác nhau thì sẽ có nhiều kết quả khác nhau. Hoàn toàn không đơn giản để xác định kết quả nào tốt nhất vì thực chất không có thị trường cho lợi thế thương mại. Đối với các kiểm toán viên cũng vậy, không đơn giản để xác định sự liên quan giữa tính hợp lý của các giả định đến mô hình chiết khấu luồng tiền như tỷ lệ chiết khấu, tỷ lệ tăng trưởng, giá trị luồng tiền trong tương lai, thời kỳ dự đoán và giá trị còn lại. Chính vì vậy đánh giá tính hợp lý của các giả định là việc làm rất phức tạp.
7. Trình bày các thông tin trên Báo cáo tài chính
Việc trình bày các thông tin theo IFRS dựa trên nguyên tắc trọng yếu. Vấn đề khó khăn đối với việc trình bày là áp dụng khái niệm trọng yếu. Về lý thuyết, trọng yếu là khái niệm chỉ quy mô (mặt lượng) và tính hệ trọng (mặt chất) của các thông tin. Tuy nhiên, các trình bày không mang tính trọng yếu tràn ngập thông tin tài chính trên BCTC làm giảm chất lượng của BCTC. Nhưng khi xét mức trọng yếu đối với việc trình bày thì chủ yếu xét theo định tính chứ không mang tính định lượng. Do vậy càng rất khó xác định nếu không có hướng đi cụ thể. Trọng yếu của việc trình bày trong BCTC là những sai phạm trong trình bày có ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế của những người sử dụng BCTC. Tuy nhiên trên thực tế người lập BCTC lại biết quá ít về quá trình đưa ra quyết định kinh tế của những người sử dụng BCTC.
Tóm lại, thực hiện theo IFRS thực sự là một thách thức. Tất cả các bên liên quan, doanh nghiệp, kiểm toán viên và các nhà ban hành chính sách phải xác định đây là vấn đề thực sự quan trọng. Việc thực hiện theo IFRS được coi như một cuộc cách mạng trong công tác kế toán và lập BCTC. Trong thời kỳ đầu áp dụng IFRS, quả là rất khó khăn cho những người lập BCTC vì tính đa dạng, phức tạp và không hoàn toàn rõ ràng của IFRS. Tuy nhiên, nếu tuân thủ theo IFRS, khối lượng khổng lồ về thông tin tài chính kế toán sẽ được phản ánh trên BCTC, mọi khía cạnh trọng yếu về tính hình tài chính, kết quả kinh doanh, luồng tiền, chính sách kế toán và các giả định áp dụng sẽ được phản ánh đầy đủ. Người được lợi nhất chính là những người sử dụng BCTC khi đơn vị áp dụng theo IFRS; qua đó họ có đầy đủ các thông tin cần thiết để xem xét trong việc đưa ra quyết định kinh tế của mình. 
(Theo http://kiemtoan.com.vn)

HÀNH VI QUẢN TRỊ LỢI NHUẬN ĐỐI VỚI THÔNG TIN LỢI NHUẬN CÔNG BỐ TRÊN BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Kế toán tạo ra một ngôn ngữ kinh doanh để nhà quản lý (NQL) có thể sử dụng trao đổi với các bên có lợi ích liên quan đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp (DN) tuân thủ các quy định chuẩn mực kế toán và các quy định công bố thông tin liên quan trên sàn giao dịch chứng khoán, báo cáo tài chính có thể trở thành công cụ thực hiện được chức năng truyền tải thông tin tài chính có hiệu quả đến nhà đầu tư và các bên có liên quan. BCTC giúp nhà đầu tư và các bên liên quan có thể đánh giá đúng đắn DN, từ đó, có thể phân bổ nguồn vốn một cách tối ưu.
TS. Đường Nguyễn Hưng
Đại học Đà Nẵng
T
hông tin kế toán hữu ích khi phản ánh trung thực thực thể kinh tế của DN trên phương diện tình trạng tài chính và kết quả hoạt động của DN một cách phù hợp và tin cậy. Yêu cầu về tính phù hợp của thông tin đòi hỏi phải trao cho NQL DN có được sự linh hoạt nhất định trong việc vận dụng chính sách và phương pháp kế toán. Yêu cầu về tính tin cậy của thông tin đòi hỏi DN phải tuân thủ các quy định chặt chẽ và chi tiết có thể hạn chế tính phù hợp và kịp thời của thông tin.
Mặc dù, BCTC của các DN niêm yết thường được kiểm toán, những giới hạn nhất định trong khả năng của công tác kiểm toán hạn chế khả năng phát hiện được hết các sai sót và gian lận. Cần phát hiện các hành vi quản trị lợi nhuận của DN và không ngừng hoàn thiện chuẩn mực và các quy định kế toán.
Chất lượng thông tin trên BCTC của DN, đặc biệt là thông tin về lợi nhuận có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định nhiều bên liên quan. Trong bối cảnh đó, vấn đề quan tâm chính là chất lượng của thông tin lợi nhuận được công bố. Những hành vi điều chỉnh lợi nhuận theo mục đích của NQL có thể làm cho BCTC không còn phản ánh được bản chất của tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của DN. Có thể thấy rằng, nghiên cứu về hành vi quản trị lợi nhuận của các DN thực sự có ý nghĩa thực tiễn.
Hành vi quản trị lợi nhuận
Hành vi quản trị lợi nhuận là việc NQL sử dụng các đánh giá chủ quan của mình trong quá trình lập và công bố BCTC và quá trình thực hiện các nghiệp vụ kinh tế để thay đổi BCTC nhằm đánh lừa các bên có liên quan nhất định, hoặc nhằm thay đổi các kết quả của các hợp đồng mà có điều khoản ràng buộc dựa trên số liệu kế toán.
Các đánh giá của NQL được thể hiện cụ thể trong việc lựa chọn các chính sách kế toán và thực hiện các ước tính kế toán của NQL trong quá trình thực hiện công tác kế toán, lập và công bố BCTC của DN. NQL  sử dụng các đánh giá chủ quan của mình trong việc thực hiện các ước tính về các sự kiện kinh tế tương lai được phản ánh trong BCTC của DN, chẳng hạn ước tính về thời gian sử dụng kinh tế của tài sản cố định, tổn thất có thể của các khoản phải thu không thu hồi được, hoặc tổn thất từ việc giảm giá của hàng tồn kho. Cùng với việc thực hiện nhiều ước tính, NQL cũng phải sử dụng đánh giá chủ quan của mình để quyết định việc lựa chọn các chính sách kế toán. Cùng xử lý một vấn đề của một đối tượng kế toán, NQL có thể nhiều lựa chọn khác nhau, chẳng hạn, việc lựa chọn giữa phương pháp khấu hao bình quân hay khấu hao nhanh, giữa phương pháp nhập trước - xuất trước hay phương pháp nhập sau - xuất trước hay phương pháp bình quân gia quyền trong tính giá xuất kho hàng tồn kho.
Đánh giá chủ quan của NQL cũng được vận dụng trong việc thực hiện các nghiệp vụ kinh tế. Các quyết định liên quan đến quản trị vốn lưu động thường sẽ ảnh hưởng đến việc ghi nhận các đối tượng kế toán, chẳng hạn, NQL phải quyết định về thời điểm giao hàng hay nhận hàng.
NQL cũng có thể quyết định thực hiện hay hoãn lại các khoản chi tiêu không bắt buộc như chi phí nghiên cứu và phát triển, quảng cáo, hay bảo trì.
Ở đây cần làm rõ bản chất của hành vi điều chỉnh lợi nhuận. NQL được quyền vận dụng các xét đoán chủ quan của mình trong việc lựa chọn chính sách và thực hiện các ước tính để phản ánh một cách đúng đắn hơn bản chất kinh tế của thực trạng tài chính và kết quả hoạt động của DN. Còn hành vi điều chỉnh lợi nhuận được hiểu như là việc vận dụng không đúng đắn các chính sách và thực hiện các ước tính kế toán và quyết định thời điểm thực hiện các nghiệp vụ một cách có ý đồ dẫn đến việc phản ánh không trung thực bản chất của thực thể kinh tế của DN. Như vậy, ngay cả khi lựa chọn đó làm sai lệch lợi nhuận công bố so với kết quả hoạt động kinh doanh thực sự của DN thì cũng thuộc hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Việc thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận là nhằm thu được những lợi ích nhất định cho DN hoặc cho NQL. Và do bản chất của sự việc thường là không đúng đắn nên sẽ gây tác động tiêu cực đến nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan đến DN. Trường hợp phổ biến là người sử dụng thông tin BCTC của DN để ra quyết định có thể dẫn đến quyết định không tối ưu. Trong một số trường hợp khác, việc thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận của DN có thể là nhằm bảo đảm các hợp đồng mà có các điều khoản ràng buộc dựa trên TTKT không bị vi phạm, ví dụ, trong hợp đồng vay vốn mà DN ký kết với ngân hàng.
Cơ sở của hành vi quản trị lợi nhuận chính là kế toán theo cơ sở dồn tích. Kế toán theo cơ sở dồn tích có nghĩa là mọi giao dịch kinh tế liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu và chi phí được ghi nhận tại thời điểm phát sinh giao dịch, không quan tâm đến thời điểm thực tế thu hoặc chi tiền (VAS 01).
Kế toán cần phải ghi nhận doanh thu khi doanh thu đã thực sự phát sinh và chi phí cần phải được ghi nhận phù hợp với việc tạo ra doanh thu trong kỳ kế toán. Việc áp dụng nguyên tắc phù hợp bảo đảm cho lợi nhuận (được đo lường bằng doanh thu trừ chi phí) được đo lường một cách xác thực, phản ánh đúng đắn kết quả hoạt động của DN. Việc thực hiện kế toán theo cơ sở dồn tích dẫn đến thời điểm các khoản doanh thu và chi phí được nhận khác với kế toán theo cơ sở tiền như sau:
- Doanh thu chưa thu tiền: Doanh thu phát sinh được ghi nhận trước khi tiền thu được.
- Chi phí chưa chi tiền: Chi phí phát sinh được ghi nhận trước khi tiền được chi ra.
- Doanh thu chưa thực hiện: Doanh thu được ghi nhận sau khi tiền đã thu vào.
- Chi phí trả trước. Chi phí được ghi nhận sau khi tiền đã chi trả.
Kế toán theo cơ sở dồn tích là cơ sở quan trọng chi phối phương pháp ghi nhận các đối tượng kế toán trong DN (trừ một số loại hình DN áp dụng kế toán theo cơ sở tiền). Tuy nhiên, do doanh thu và chi phí có thể được ghi nhận khi tiền chưa được thu hay chi, dẫn đến vấn đề quan trọng luôn cần phải xem xét đó là doanh thu và chi phí đã thực sự phát sinh chưa và nếu đã phát sinh rồi thì đã được ghi nhận chưa. Việc ghi nhận doanh thu và chi phí trong trường hợp này có thể chịu ảnh hưởng của quyết định chủ quan của NQL. Nếu NQL có động lực muốn thay đổi kết quả lợi nhuận, việc điều chỉnh thời điểm ghi nhận thu và chi phí có thể dẫn đến lợi nhuận công bố thay đổi. Đây chính là hành vi quản trị lợi nhuận. Hành vi quản trị lợi nhuận được thực hiện dựa trên việc điều chỉnh thời điểm và mức độ ghi nhận các khoản doanh thu, chi phí và từ đó tác động đến lợi nhuận.
Mục đích của hành vi quản trị lợi nhuận
Nhà quản lý có thể có nhiều động lực để thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận nhằm đặt được một mục tiêu nào đó.
Đối với các DN niêm yết, mối quan hệ giữa cổ đông, NQL và nhà đầu tư luôn là mối quan hệ chủ đạo trong hoạt động của DN. Đối với cổ đông, NQL được giao những trách nhiệm phải hoàn thành, cụ thể hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, trong đó, quan trọng nhất là chỉ tiêu về lợi nhuận tạo ra áp lực lớn mà có thể khiến cho NQL thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận khi lợi nhuận không đạt được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, DN một khi đã niêm yết tức là mong muốn có được cơ hội tiếp cận các nguồn vốn từ thị trường một cách dễ dàng hơn. Để có thể thuyết phục được nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư DN phải chứng minh được triển vọng về lợi nhuận trong tương lai của DN. Đây cũng là một động lực lớn thúc đẩy NQL DN có hành vi điều chỉnh lợi nhuận nhằm mục tiêu huy động vốn với chi phí vốn thấp hơn.
Bên cạnh mối quan hệ với cổ đông, DN cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các bên có lợi ích liên quan khác, đặc biệt là mối quan hệ với nhà cung cấp tín dụng và thuế. Trong mối quan hệ với người cấp tín dụng cho DN như các ngân hàng, các công ty tài chính, DN phải ký kết hợp đồng với nhiều điều khoản ràng buộc dựa trên các chỉ tiêu tài chính. NQL có thể có các hành vi điều chỉnh lợi nhuận để tránh vi phạm các điều khoản. Liên quan đến thuế, DN phải đóng thuế thu nhập DN dựa trên lợi nhuận phải chịu thuế. Mặc dù, ngày nay, kế toán cho mục đích thuế và kế toán cho mục đích cung cấp thông tin đã có sự tách biệt, nếu muốn giảm thuế, một khả năng xảy ra là DN tránh báo cáo lợi nhuận kế toán ở mức cao để hợp lý hóa hành vi điều chỉnh giảm lợi nhuận chịu thuế, từ đó giảm số thuế thu nhập phải nộp.
Trong mối quan hẹ giữa NQL và DN. NQL DN có thể điều chỉnh lợi nhuận vì những lợi ích cá nhân, NQL sẽ được hưởng nhiều quyền lợi khi hoàn thành các chỉ tiêu được giao, chẳng hạn như các khoản thưởng, đề bạt, tăng lương, và cả việc giữ được vị trí của mình. Do đó, nếu không hoàn thành các chỉ tiêu lợi nhuận, NQL có thể điều chỉnh tăng lợi nhuận để đạt được các chỉ tiêu này, hoặc khi đã đạt vượt chỉ tiêu lợi nhuận nhưng mức thưởng có giới hạn, NQL có thể điều chuyển bớt lợi nhuận sang năm sau. Mặt khác, NQL cũng có thể sở hữu cổ phiếu của DN. Khi này, nếu muốn bán đi số cổ phiếu nắm giữ và thu lợi được mức cao, NQL cũng có thể điều chỉnh lợi nhuận tăng để tác động vào giá cổ phiếu nhằm thu lợi.
Cuối cùng, DN cũng có thể điều chỉnh lợi nhuận nhằm tránh công bố các mức lợi nhuận cao, để tránh cơ quan quản lý Nhà nước có những hành động chính sách điều tiết hoạt động của DN như rút bớt các chính sách ưu đãi điều tra hành vi được cho là độc quyền của DN. Mà đang đem lại lợi ích quá cao cho DN.
(Theo Tạp chí KT & KiT)

Popular Posts