Tuesday, 15 November 2011

Chưa thể ban hành ngay hướng dẫn ghi nhận TPCĐ

Chưa thể ban hành ngay

hướng dẫn ghi nhận TPCĐ

Ông Đặng Thái Hùng

Sau khi bài viết: "Trái phiếu chuyển đổi: 'Lỗ hổng' kế toán và sai lệch trên BCTC" và bài: "Cận cảnh 'lỗ hổng' kế toán của TPCĐ" được đăng tải, ĐTCK đã nhận được ý kiến của một số DN và nhà đầu tư, muốn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính, xung quanh chủ đề trên.

Hương Giang

Tại Việt Nam hiện nay, việc hạch toán trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) của các DN sau khi phát hành công cụ tài chính này vẫn chưa tách bạch được công cụ nợ và công cụ vốn trên BCTC như chuẩn mực kế toán quốc tế. Nguyên nhân tại sao, thưa ông?

Phải khẳng định, TPCĐ là một công cụ tài chính còn tương đối mới ở Việt Nam. Việc hạch toán TPCĐ với tư cách một phần là công cụ nợ, một phần là công cụ vốn chủ sở hữu theo chuẩn mực kế toán quốc tế là rất phức tạp. Bởi vậy, chỉ ở những nước có nền kinh tế phát triển mới ban hành được chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính, còn các nước đang phát triển thì hầu hết là chưa. Ở nước ta, dù nghiệp vụ liên quan đến công cụ tài chính mà cụ thể là TPCĐ đã phát sinh, nhưng do thiếu cơ chế tài chính mà chưa thể ban hành chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính này.

Nếu căn cứ vào chuẩn mực kế toán quốc tế thì chúng tôi có thể hướng dẫn được cho DN. Tuy nhiên, cái khó là cơ chế, chính sách tài chính về nghiệp vụ này chưa rõ ràng, đầy đủ, mà theo trình tự ban hành chế độ, chính sách là phải có cơ chế, chính sách tài chính thì mới ban hành hướng dẫn về kế toán.

TPCĐ được DN phát hành từ 5 - 6 năm nay, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn để DN hạch toán, tạo "lỗ hổng" sai lệch trên BCTC. Việc này có chậm trễ quá không?

Đúng là việc ban hành chính sách có hơi chậm, chưa theo kịp những phát sinh trên TTCK. Nhưng nói là "lỗ hổng" trong kế toán thì nặng nề quá. Nếu chế độ, chính sách ban hành rồi mà vẫn còn khoảng trống thì mới gọi là "lỗ hổng", còn đây hoàn toàn chưa có hướng dẫn kế toán...

Quan điểm của Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính là khi có những vấn đề mới thì cần phải vươn tới, ban hành cơ chế, chính sách. Nhưng chúng tôi cũng gặp cái khó là ngoài việc thiếu cơ chế tài chính thì các chuẩn mực kế toán quốc tế là vô cùng phức tạp. Để có thể vận dụng vào Việt Nam, cần phải đầu tư công sức, thời gian, kinh phí cho chuyên gia đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài. Những vấn đề này không dễ dàng giải quyết được mà phải có sự giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức quốc tế, sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực kế toán. Lực lượng chuyên gia trong Vụ hiện rất thiếu, lại phải đảm nhiệm một khối lượng công việc cực lớn nên chưa thể làm được điều này.

Nếu như vậy thì Thông tư 210/2009/TT-BTC về việc hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày BCTC, thuyết minh thông tin với công cụ tài chính, áp dụng từ niên độ kế toán năm 2011, không có giá trị thực tiễn, thưa ông?

Thực ra Thông tư 210 được ban hành trong tình huống chúng ta phải thực hiện cam kết với Ngân hàng Phát triển châu Á về hội nhập kế toán, kiểm toán, đây là một điều kiện đi kèm của hiệp định về hỗ trợ khoản vay. Trước áp lực thực hiện lộ trình của cam kết hội nhập, Bộ Tài chính phải ban hành Thông tư 210 mang tính công bố việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, chứ thực chất, việc ban hành Thông tư 210 chưa mang tính chất ban hành chuẩn mực. Thông tư này mới chỉ có hướng dẫn việc trình bày mà chưa có hướng dẫn ghi nhận (tính toán ra các con số), mà thực tế phải có phương pháp ghi nhận thì mới có thể trình bày được. Chính vì thế, thông tư này có thời gian chờ rất lâu (ban hành năm 2009, nhưng chỉ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2011). Như trên tôi đã nói, việc ban hành hướng dẫn về hạch toán kế toán vẫn phải chờ có cơ chế, chính sách tài chính từ các đơn vị có chức năng quản lý về tài chính.

Tương tự, việc ban hành Thông tư hướng dẫn kế toán về công cụ tài chính phái sinh cũng chưa thể thực hiện. Mặc dù Vụ đã dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán quốc tế về công cụ tài chính dày cả trăm trang, với nhiều công sức trong mấy năm liền và cũng đã đưa ra xin ý kiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán nhưng đến nay vẫn nằm trên bàn của lãnh đạo Bộ, chưa thể ký ban hành vì còn thiếu cơ chế về tài chính.

Theo ông, trong lúc chưa ban hành hướng dẫn hạch toán TPCĐ, DN nên thực hiện theo hướng nào?

Gần đây, có một DN đã gửi công văn đề nghị Vụ hướng dẫn về việc ghi nhận kế toán đối với TPCĐ. Vụ đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính xin phương án hướng dẫn theo một trong hai hướng: một là, hướng dẫn ghi nhận theo quy định của chuẩn mực kế toán quốc tế; hai là, đợi có cơ chế chính sách tài chính rồi mới ban hành hướng dẫn kế toán. Lãnh đạo Bộ đã cho ý kiến là sẽ xử lý sau khi xin ý kiến của các bên liên quan là UBCK và Cục Tài chính DN. Hai cơ quan này đã thống nhất quan điểm là nên hướng dẫn cho DN cụ thể nói trên thực hiện chế độ kế toán trên cơ sở tuân thủ quy định của chuẩn mực kế toán quốc tế.

(Theo ĐTCK)

Nguồn: VACPA

No comments:

Post a Comment

Popular Posts