Sunday, 13 November 2011

Giảm thuế thu nhập: Chưa đủ để cứu DN!

Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay thì việc Chính phủ ban hành Nghị định 101/2011/NĐ-CP được đánh giá là một bước đi kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng điều này vẫn chưa đủ để có thể cứu DN.
Đối với các DNNVV năm 2011 sẽ rất khó có lãi

Ngày 4/11/2011, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2011/NĐ-CP bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân. Theo nghị định mới, trong năm 2011 các DNNVV, DN sử dụng nhiều lao động sẽ được giảm 30% thuế TNDN mà DN phải nộp năm 2011.

Cần nhưng chưa đủ

Trao đổi với DĐDN về nghị định mới của chính phủ, ông Lý Đình Quân – TGĐ Cty CP SQ VN bày tỏ quan điểm: Nghị định 101/2011/NĐ-CP mang lại niềm tin của DN đối với nhà nước vì điều này thể hiện Chính phủ có quan tâm đến những khó khăn của các DN trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đối với DN chúng tôi, nếu như mọi năm được miễn giảm thuế thì còn thấy phấn khởi, nhưng năm nay do làm ăn không hiệu quả nên lấy đâu ra tiền mà nộp thuế. Do đó, có được giảm 30% thuế TNDN cũng như không” - ông Quân bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Anh Tuấn- Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Thương mại Tổng hợp Phước Tiến cho rằng Nghị định 101/2011/NĐ-CP chưa đánh giá chưa đúng về thực trạng DN vì vấn đề quan trọng liên quan đến sự tồn tại của DN hiện nay là vấn đề lãi suất, nguồn vốn dành cho DN chứ không phải các nghĩa vụ liên quan đến thuế. Theo ông Tuấn, do đặc thù của các DNNVV là hạn chế về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm thương trường, cũng như ít cơ hội tiếp cận các nguồn lực trong khi lãi suất ngân hàng quá cao cùng với áp lực lạm phát trong thời gian qua đã làm các DN không kiểm soát được chi phí, mất thị trường và không đủ vốn để duy trì sản xuất. “Kinh doanh không có lợi nhuận, thua lỗ và thậm chí phá sản thì việc giảm 30% thuế thu nhập DN trong năm 2011 chẳng đem lại hiệu quả nhiều. Bởi thua lỗ thì làm gì có thu nhập để nộp thuế” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Văn Hữu Thiết - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng thì giải pháp giãn, giảm thuế nằm trong hệ thống giải pháp rất đầy đủ của Chính phủ nhưng vẫn thiếu tính đột phá. Do đó, để thực sự hỗ trợ DN nhà nước cần giải pháp trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hơn. “Cả nước hiện có gần 350.000 DN, trong đó hơn 95% là các DNNVV. Mặc dù sử dụng hơn 50% lao động, nộp ngân sách chiếm 17,64% và đóng góp 40% GDP, nhưng hiện nay hơn 20% DNNVV đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn, khoảng 60% DN rơi vào tình trạng sản xuất sút kém, không đủ vốn để duy trì sản xuất và chỉ có 20% DN có cơ hội vượt qua khủng hoảng. Do đó, việc miễn giảm thuế TNDN không có ý nghĩa nhiều”.

DN cần những giải pháp thiết thực hơn

Ông Tuấn cho biết với lãi suất cao như hiện nay, ngay cả những DN đầu tư dài hạn, hoạt động hiệu quả, đóng góp vào ngân sách và tạo được nhiều công ăn việc làm cũng có thể lâm vào khó khăn, mất ổn định. Do đó, chỉ với chính sách hỗ trợ thuế thì chưa đủ, cần phải có thêm các biện pháp nhằm giảm lãi suất cho vay từ phía ngân hàng, nhằm giảm gánh nặng tài chính cho DN mới là giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn hiện nay. Ngoài ra, theo ông Tuấn thì việc tiếp tục cắt giảm đầu tư công, thắt chặt chi tiêu công, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của DNNN nhằm phân bổ nguồn vốn hợp lý cũng là “liều thuốc” hữu hiệu để cứu DN trong thời điểm khó khăn.

“DN vẫn mong Chính phủ có những giải pháp mang tính ngắn hạn, thực tế để giúp DN có thể vượt qua được những khó khăn trước mắt. Cho DNNVV vay vốn với lãi suất ưu đãi để trả lương cho người lao động vẫn tốt hơn là chính sách giảm thuế thu nhập DN vì hầu hết các DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay đều muốn giữ chân người lao động, giữ thị trường, giữ thương hiệu để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn” - ông Quân chia sẻ.

Trước mắt, ông Thiết – Hiệp hội DNNVV cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với DNNVV như đã áp dụng năm 2010 trong chính sách kích cầu, kích thích phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, “Chính phủ nên thiết lập một quỹ hỗ trợ DNNVV thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Nhiệm vụ chủ yếu của quỹ này là hỗ trợ cho DN thông qua lãi suất hoặc bảo lãnh. Không thể để các DN do thiếu vốn mà đóng cửa hàng loạt, sẽ gây hệ luỵ đến cả nền kinh tế”, ông Thiết đề xuất.
(Theo DDDN)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts