Friday 25 February 2011

Quy định mới về điều kiện dự thi kiểm toán viên và các nội dung cần tiếp tục bổ sung, sửa đổi về điều kiện dự thi kiểm toán viên

QUY ĐỊNH MỚI VỀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI KIỂM TOÁN VIÊN

VÀ CÁC NỘI DUNG CẦN TIẾP TỤC BỔ SUNG, SỬA ĐỔI

VỀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI KIỂM TOÁN VIÊN

TS. Hà Thị Ngọc Hà

Phó Vụ trưởng Vụ CĐKT và Kiểm toán

Bộ Tài chính

Hà Thị Ngọc Hà

I. Quy định mới bổ sung về điều kiện dự thi KTV theo Nghị định số 16/2011/NĐ-CP ngày 22/02/2011 của Chính phủ.

Trong quá trình tổ chức thi và cấp chứng chỉ KTV, kế toán viên hành nghề có phát sinh một số bất cập liên quan đến các quy định về điều kiện dự thi và đối tượng dự thi. Cụ thể, theo quy định tại Điều 13 Nghị định 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập thì một trong những tiêu chuẩn dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên (KTV) là có bằng cử nhân chuyên ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng hoặc chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán. Do vậy các đối tượng có bằng thạc sĩ, tiến sĩ về kế toán kiểm toán nhưng chưa có bằng cử nhân về các chuyên ngành trên sẽ không được dự thi lấy chứng chỉ KTV.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, ngày 22/02/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2011/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/03/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập (sau đây gọi tắt là Nghị định số 16)

Nội dung quy định tại Điều 1, Nghị định số 16 là chỉ sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 1, Điều 13 của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP như sau: “Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng hoặc chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán và thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ 5 năm trở lên hoặc thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán ở doanh nghiệp kiểm toán từ 4 năm trở lên tính từ năm ghi trên bằng tốt nghiệp đại học đến năm đăng ký dự thi”.

Nghị định số 16 có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 4 năm 2011.

II. Các vấn đề cần bổ sung, sửa đổi về điều kiện dự thi KTV và đăng ký hành nghề kiểm toán

Trên thực tế số lượng KTV hiện có so với nhu cầu vẫn còn quá thiếu. Tính đến ngày 31/12/2009, cả nước có gần 10.000 người làm việc trong các doanh nghiệp kiểm toán, nhưng cả nước cũng mới chỉ có 1811 người được cấp chứng chỉ KTV. Trong đó chỉ có 1117 KTV đăng ký hành nghề trong 156 doanh nghiệp kiểm toán đủ điều kiện đã hành nghề, số còn lại gần 700 KTV có chứng chỉ nhưng không hành nghề kiểm toán mà làm trong các ngành nghề khác như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...Do số lượng doanh nghiệp kiểm toán trong những năm qua tăng nhanh nhưng số lượng KTV tăng không đáng kể nên có sự dàn trải số lượng KTV giữa các công ty. Do số lượng KTV còn quá thiếu nên hàng năm thường xuyên có trên 10 công ty đã thành lập nhưng không đủ điều kiện hoạt động kiểm toán do không đủ tối thiểu 3 KTV theo quy định hiện hành. Số lượng KTV hiện có so với nhu cầu vẫn còn quá thiếu như một phần nêu trên là do các quy định về điều kiện dự thi lấy chứng chỉ KTV chưa phù hợp, cần được nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp để đáp ứng yêu cầu thực tế và hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể như sau:

1. Quy định hiện hành và những hạn chế về điều kiện dự thi lấy chứng chỉ KTV và điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán

Theo quy định hiện hành (Quyết định 94/2007/QĐ-BTC ngày 16/11/2007 ban hành Quy chế thi và cấp Chứng chỉ KTV và Chứng chỉ hành nghề kế toán và Thông tư số 171/2009/TT-BTC ngày 24/8/2009 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi và cấp chứng chỉ KTV và Chứng chỉ hành nghề kế toán), người dự thi lấy Chứng chỉ KTV phải có đủ các điều kiện về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác sau đây: a) Có bằng tốt nghiệp đại học về chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Kiểm toán; hoặc bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh có tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích tài chính, Thuế từ 10% tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên; b) Thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ 5 năm trở lên tính từ năm ghi trên bằng tốt nghiệp đại học đến năm đăng ký dự thi; hoặc thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán ở doanh nghiệp kiểm toán từ 4 năm trở lên tính từ năm ghi trên bằng tốt nghiệp đại học đến năm đăng ký dự thi.

Quy định hiện hành trên thực tế qua 16 kỳ thi, cấp chứng chỉ KTV và điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán, ngoài tồn tại đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 16 nêu trên còn bộc lộ các bất hợp lý như:

Thứ nhất, nhiều đối tượng không đủ điều kiện dự thi mặc dù có tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học về Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích tài chính, Thuế trên 10% tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên nhưng do chuyên ngành học ghi trên bằng tốt nghiệp đại học của các đối tượng này không thuộc chuyên ngành kinh tế, quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh. Ví dụ: Các đối tượng học thuộc các chuyên ngành như tài vụ thương mại, công nghiệp, xây dựng cơ bản,.. hay thuế, thu quốc doanh - là các chuyên ngành đào tạo khá phổ biến của các trường đại học kinh tế trong thời kỳ trước năm 1985 đều không được dự thi. Đồng thời các đối tượng có chuyên ngành học là kinh doanh quốc tế, kinh tế đầu tư, kinh tế đối ngoại, kinh tế quốc tế...không được dự thi. Các đối tượng không đủ điều kiện dự thi KTV như đã nêu trên đều được phần lớn các công ty kiểm toán tuyển dụng do có trình độ tốt và có nhiều đóng góp cho ngành kiểm toán. Các đối tượng trên muốn dự thi KTV muốn đăng ký hành nghề phải tham dự học và thi để lấy các chứng chỉ KTV do các Hội nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán được phép hoạt động tại Việt Nam như Hiệp Hội kế toán công chứng Anh (ACCA), Hội kế toán công chứng Australia (CPAA) tổ chức, sau đó tham dự kỳ thi sát hạch, đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ KTV.

Thứ hai, về điều kiện kinh nghiệm công tác thì người muốn dự thi để được cấp chứng chỉ KTV phải có ít nhất 4 năm thực tế làm trợ lý kiểm toán ở doanh nghiệp kiểm toán hoặc 5 năm làm kế toán, tài chính trở lên tính từ năm ghi trên bằng tốt nghiệp đại học đến năm đăng ký dự thi. Theo quy định hiện hành người dự thi có chứng chỉ KTV sẽ được đăng ký hành nghề kiểm toán ngay, từ đó dẫn đến tình trạng người có chứng chỉ KTV nhưng chưa có thực tế kiểm toán (do mới chỉ làm công tác tài chính, kế toán) đã được hành nghề và ký báo cáo kiểm toán sẽ không đảm bảo chất lượng kiểm toán. Ngược lại người dự thi KTV đã có ít nhất 4 năm thực tế làm trợ lý kiểm toán ở doanh nghiệp kiểm toán, đạt yêu cầu sau 3 năm dự thi theo quy định, được cấp chứng chỉ KTV mới được đăng ký hành nghề và ký báo cáo kiểm toán là quá lâu nên chưa đáp ứng được nhu cầu kiểm toán độc lập là rất lớn trong khi số lượng KTV còn hạn chế.

2. Thông lệ quốc tế về thi KTV và điều kiện được đăng ký hành nghề kiểm toán

2.1) Các Hội nghề nghiệp quốc tế như ACCA, CPAA:

Các Hội nghề nghiệp quốc tế như ACCA, CPAA… có chức năng tổ chức các khoá đào tạo, tổ chức thi và cấp giấy chứng nhận đạt kỳ thi cho các cá nhân đạt kết quả thi do Hội nghề nghiệp tổ chức ở tất cả các nước mà các Hội nghề nghiệp quốc tế có văn phòng đại diện. Điều kiện dự thi và nội dung thi của từng Hội nghề nghiệp cũng khác nhau: (1) Với ACCA người tốt nghiệp phổ thông trung học là được tham gia học và thi theo 3 giai đoạn trong 10 năm gồm: Nguyên lý, kiến thức cơ bản và nâng cao. Những người tốt nghiệp đại học có các môn học mà ACCA yêu cầu dự thi sẽ được xét miễn giảm. (2) Với CPAA người tốt nghiệp đại học mới được tham gia học và thi với số môn học và thi ít hơn. Các cá nhân đạt kết quả thi do Hội nghề nghiệp tổ chức chỉ được tham gia là hội viên liên kết. Các Hội nghề nghiệp quốc tế cấp chứng chỉ Hội viên chính thức cho các đối tượng sau khi đạt kỳ thi và đủ tiêu chuẩn gia nhập hội viên khi có đủ số năm kinh nghiệm (từ 3-5 năm) thực tế làm kiểm toán hoặc làm trong các lĩnh vực, ngành nghề theo danh mục do các Hội công nhận. Hội nghề nghiệp quốc tế với chức năng đào tạo, xác nhận năng lực, cung cấp thông tin và quản lý đạo đức nghề nghiệp cho những người hành nghề kế toán, kiểm toán đã làm cho uy tín, danh tiếng của những người hành nghề kế toán, kiểm toán ngày càng được nâng cao, được không chỉ từng nước mà nhiều nước thừa nhận như ACCA hiện có 131.000 Hội viên, 80 văn phòng đại diện trên 64 nước trên thế giới, đã có văn phòng và 300 hội viên ở Việt Nam; CPAA hiện có 129.000 Hội viên, 10 văn phòng đại diện trên thế giới, có văn phòng và 180 Hội viên ở Việt Nam.

2.2) Tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán và việc thừa nhận chứng chỉ hội viên của các Hội nghề nghiệp quốc tế của các nước:

- Về tổ chức thi: Việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán có sự khác nhau giữa các nước theo 2 cách thức triển khai: Giao cho Hội nghề nghiệp thực hiện hoặc Cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện có sự phối hợp của Hội nghề nghiệp.

- Về điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán: Phần lớn các nước quy định các cá nhân được đăng ký hành nghề kiểm toán khi có đủ điều kiện là hội viên chính thức của các Hội nghề nghiệp được Nhà nước thừa nhận hoặc khi có đủ các điều kiện sau: (i) có bằng đại học kinh tế hoặc luật được Nhà nước chính thức công nhận; (ii) đạt kỳ thi KTV; (iii) Có ít nhất 3 năm kinh nghiệm công tác về kế toán, kiểm toán (hoặc trong ngành kinh tế hoặc luật). Thông lệ chung ở các nước, chỉ những người đạt kỳ thi KTV, là hội viên Hội nghề nghiệp và có đủ 3-5 năm kinh nghiệm thực tế làm kiểm toán hoặc các ngành được các Hội nghề nghiệp thừa nhận mới đủ điều kiện được đăng ký và được cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán. Quy định về điều kiện phải có đủ 3-5 năm kinh nghiệm thực tế ở từng quốc gia là khác nhau, có thể là trước hoặc sau khi đã thi đạt kỳ thi KTV.

- Việc thừa nhận chứng chỉ Hội viên của các Hội nghề nghiệp quốc tế có sự khác nhau giữa các quốc gia, cụ thể: (i) Nhiều nước cho phép hội viên chính thức của các Hội nghề nghiệp quốc tế được phép hành nghề với điều kiện bắt buộc đồng thời phải là Hội viên của Hội nghề nghiệp của nước đó. Ví dụ ở Vương quốc Anh có 4 Hội nghề nghiệp quốc tế (The Association of Chartered Certified Accountants (ACCA), The Institute of Chartered Accountants in England and Wales (ICAEW), The Institute of Chartered Accountants of Scotland, The chartered Institute of Management Accountants (CIMA)). Hội viên của các Hội nghề nghiệp ở Vương quốc Anh không chỉ được phép hành nghề ở Vương quốc Anh mà còn được phép hành nghề ở nhiều nước Châu Âu và một số nước trước đây là thuộc địa của Anh, như ở Châu Á có Singapore, Malaixia... do được luật pháp các nước thừa nhận với điều kiện bắt buộc phải là Hội viên của Hội nghề nghiệp của nước đó; (ii) Nhiều nước ở Châu Á, Châu Đại dương…quy định Hội viên của các Hội nghề nghiệp quốc tế muốn hành nghề kiểm toán ở nước mình phải tham dự kỳ thi sát hạch (thi chuyển đổi) hoặc thi đầy đủ các môn như người dự thi KTV của nước sở tại. Luật pháp ở một số nước không phổ biến nói tiếng Anh như Nhật Bản, Trung quốc, Thái lan, Ba lan, Lào… quy định người nước ngoài muốn hành nghề kiểm toán ở các nước này phải đạt kỳ thi KTV và phải thành thạo kỹ năng nói và viết ngôn ngữ của nước sở tại.

3. Các nội dung liên quan đến điều kiện dự thi KTV và điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán cần được nghiên cứu để quy định trong Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nghề kiểm toán độc lập ở Việt Nam sẽ có được nhiều lợi ích lớn nếu người hành nghề kiểm toán của Việt Nam được các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế công nhận. Các lợi ích này bao gồm: Chất lượng kiểm toán và độ tin cậy đối với kết quả kiểm toán sẽ được nâng cao, cơ hội cho các KTV Việt Nam có thể hành nghề tại các nước khác đồng thời năng lực của KTV Việt Nam sẽ không ngừng được nâng cao. Để phù hợp với thông lệ quốc tế, khắc phục hạn chế của các quy định hiện hành về điều kiện dự thi KTV và điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán, đồng thời để mở rộng đối tượng được dự thi KTV nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm toán ngày càng tăng và đạt được các lợi ích như đã nêu trên, Việt Nam cần nghiên cứu để quy định trong Luật KTĐL các nội dung liên quan đến điều kiện dự thi KTV và điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán cụ thể như sau:

Thứ nhất, về điều kiện dự thi KTV: Dự thảo Luật nên nghiên cứu, xem xét để quy định các cá nhân có đủ 2 điều kiện sau sẽ được tham dự kỳ thi KTV: (1) Có đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; (2) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán và các chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính.

Theo định hướng trên các cá nhân có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán sẽ được tham dự kỳ thi KTV; các cá nhân có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc tất cả các chuyên ngành khác với các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán có tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học phù hợp với các chuyên đề dự thi KTV (như tài chính, kế toán, kiểm toán, phân tích tài chính, thuế, luật kinh tế) từ 5-10% tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên đều được tham dự kỳ thi KTV. Để mở rộng đối tượng được dự thi KTV, tỷ lệ % tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên do Bộ Tài chính quy định cho phù hợp với từng thời kỳ.

Đồng thời với các ngành học không có đủ % các môn học phù hợp với chuyên đề dự thi thì cho phép được tham dự các khóa học chuyển đổi/ hỗ trợ các chuyên đề dự thi cho đủ điều kiện dự thi.

Với quy định trên, đối tượng tham gia thi KTV sẽ tăng mạnh do (1) người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc tất cả các chuyên ngành khác như kinh doanh quốc tế, kinh tế đầu tư, kinh tế đối ngoại, kinh tế quốc tế, quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, luật kinh tế, thẩm định giá…có tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học phù hợp với các chuyên đề dự thi KTV có thể từ 5-10% tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên được quy định cho phù hợp với từng thời kỳ đều được tham dự kỳ thi KTV; (2) người tốt nghiệp đại học được tham dự kỳ thi KTV ngay mà không cần phải có thời gian thực tế làm công tác tài chính, kế toán, kiểm toán. Theo đó sinh viên sẽ có định hướng nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp đại học nếu muốn dự thi KTV để hành nghề kiểm toán. Khả năng đạt kỳ thi KTV sẽ cao hơn nhiều so với yêu cầu phải có thời gian thực tế làm công tác tài chính, kế toán, kiểm toán như quy định hiện hành. Trong điều kiện chuyên ngành học ghi trên bằng tốt nghiệp đại học còn nhiều khác biệt giữa các cơ sở đào tạo nên quy định trên sẽ rất thuận lợi, rõ ràng cho Hội đồng thi xét duyệt hồ sơ đủ điều kiện dự thi và những cá nhân xem xét điều kiện dự thi khi có nhu cầu thi KTV.

Thứ hai, về điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán: Dự thảo Luật nên nghiên cứu, xem xét để quy định các cá nhân có chứng chỉ KTV ngoài các điều kiện theo quy định hiện hành, cần bổ sung 2 quy định: (1) Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên ở doanh nghiệp kiểm toán hoặc tổ chức kiểm toán khác tại Việt Nam; (2) Là hội viên của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán của Việt Nam.

Với quy định trên, để được đăng ký hành nghề kiểm toán và ký báo cáo kiểm toán thì yêu cầu người đạt kỳ thi KTV phải có 3 năm thực tế làm kiểm toán (tại các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán nhà nước, kiểm toán nội bộ…) để tích luỹ kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ năng thực tế để đảm bảo chất lượng kiểm toán. Việc mở rộng đối tượng được dự thi KTV sẽ tăng đáng kể số lượng KTV nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm toán ngày càng tăng đồng thời quy định người đạt kỳ thi KTV phải làm kiểm toán thực tế 3 năm (Trước hoặc sau khi đạt kỳ thi KTV) sẽ góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, khắc phục được tình trạng chất lượng kiểm toán chưa tốt do các KTV đã đạt kỳ thi KTV mà chưa hề làm thực tế kiểm toán thực hiện. Để thừa nhận chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán của các tổ chức quốc tế và các nước, Dự thảo Luật nên quy định: Người có chứng chỉ nước ngoài được Bộ Tài chính thừa nhận (bao gồm người có chứng chỉ hội viên của các Hội nghề nghiệp quốc tế được Việt Nam thừa nhận, đủ điều kiện hành nghề kiểm toán ở các nước) đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán Việt Nam và là hội viên của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán của Việt Nam sẽ được đăng ký hành nghề kiểm toán.

Về điều kiện KTV phải là hội viên của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán mới được đăng ký hành nghề cũng còn ý kiến khác nhau nhưng trên thực tế kinh nghiệm của hầu hết các nước trên thế giới: Khi KTV đủ điều kiện là hội viên của tổ chức nghề nghiệp kiểm toán được Nhà nước thừa nhận thì chính là đủ điều kiện kiểm toán. Vì rằng, là hội viên, KTV sẽ được Hội đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên hàng năm; được Hội tư vấn và cung cấp thông tin; được Hội kiểm tra chất lượng dịch vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp… giúp Hội viên bảo vệ uy tín, danh tiếng, giúp chất lượng KTV, chất lượng dịch vụ tốt hơn. Do đó, Việt Nam cũng cần học tập và làm theo kinh nghiệm của quốc tế. Hội quản lý, giám sát hội viên chính là giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn đội ngũ KTV ngày càng đông đảo mà Nhà nước không có điều kiện quản lý như khi còn ít hiện nay.

Cùng với việc đổi mới, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về điều kiện dự thi KTV và điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán như đã nêu trên, để xác lập vị thế quan trọng của nghề nghiệp kiểm toán, nâng cao giá trị ở tầm quốc gia và để đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, theo lộ trình phù hợp Việt Nam cần đổi mới toàn diện nội dung chương trình học ôn, thi, ra đề, tổ chức thi và cấp chứng chỉ KTV. Trong đó quan trọng nhất là đổi mới nội dung, chương trình học, ôn thi phải đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế, mang tính thực tiễn và sát với các tình huống thực tế nghề nghiệp hơn. Quá trình xây dựng nội dung, chương trình học, ôn thi KTV cần xem xét tới khả năng kết nối chương trình đào tạo, thi KTV với việc đào tạo sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán. Căn cứ vào chương trình đào tạo chuyên sâu về kế toán, kiểm toán ở các trường đại học để nghiên cứu điều kiện, cách thức và công việc phải làm để hướng tới việc kết nối đào tạo, thi KTV với việc đào tạo ở bậc đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán./.

Nguon: www.vacpa.org.vn

No comments:

Post a Comment

Popular Posts