Tuesday, 1 May 2012

Thu nhập osin "đè bẹp" lương thạc sĩ Toán

Chị Thu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội than thở: “Lương thạc sĩ như tôi mỗi tháng cũng chỉ được tầm 3 triệu đồng, thế mà vẫn phải bù lỗ để trả lương tới 4 triệu cho osin".

Làm không đủ trả lương cho osin

Nhiều gia đình ở Hà Nội sẵn sàng trả mức lương, thưởng cao ngất ngưởng để có được những osin chu đáo, làm việc tận tâm. Hiện nay, lương của các osin ở mức trung mình là 3 triệu đồng/tháng, nhiều người may mắn có thu nhập 4-5 triệu/tháng, cộng với thưởng, phụ cấp, ăn ở, tiền đi lại, về quê, mua quà. Chỉ cần một phép liệt kê đơn giản cũng có thể thấy được lương osin ngày nay hậu hĩnh như thế nào.

Gia đình chị Thu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thuê một osin tên Vy (51 tuổi) để phụ giúp gia đình làm việc nhà và trông hai con nhỏ. Có nhiều kinh nghiệm trông trẻ nhỏ, tính tình chu đáo, bà Vy được chị Thu "giữ chân" 5,6 năm nay. Chị Thu than thở: “Lương thạc sĩ như tôi mỗi tháng cũng chỉ được tầm 3 triệu đồng, thế mà vẫn phải bù lỗ để trả lương tới 4 triệu cho osin".

Chị Thu còn cho biết, ngoài lương, mỗi tháng chị cũng phải lo chi phí ăn, ở, tiền quần áo, thuốc men, chi phí đi lại, mua quà về quê, thưởng các ngày lễ. "Nếu tính tất cả các khoản đó, lương của bà Thu lên tới hơn 6 triệu/tháng, cao gấp đôi lương tôi chứ ít gì”, chị Thu than thở. Dịp Tết vừa rồi, mỗi ngày chị Thu phải chi 500 nghìn để giữ bà Vy ở lại chăm lo cho cả nhà.

Ở vào hoàn cảnh khác, gia đình chị Thanh, anh Vinh (quê Bắc Ninh) đang trọ ở khu Nguyễn Phong Sắc kéo dài, quận Cầu Giấy cũng phải lao đao lo tiền lương cho osin. Hai vợ chồng phải ở trọ chật chội với bao chi phí sinh hoạt lại phải thuê thêm một osin. Chị Thanh chia sẻ: “Nhà có con nhỏ, hai vợ chồng lại đi suốt, nếu không thuê cũng không biết phải làm thế nào”. Tuy nhiên, thuê osin làm được việc đã khó, họ lại toàn đòi lương cao. Lương của cả hai vợ chồng mỗi tháng chưa đầy chục triệu thế mà vẫn phải bấm bụng trả cho osin mỗi tháng 3,2 triệu đồng. Anh Thanh chia sẻ: nếu không trả thế thì osin đi mất, chỉ có khổ mình thôi!

Với mức lương 3,2 triệu đồng, cộng với ăn ở, sinh hoạt phí của một osin ở Hà Nội đã “ăn đứt” lương một thạc sĩ dạy Toán của trung tâm luyện thi đại học Thăng Long như anh Thanh.

Có một thực tế là, nhiều osin được trả lương cao rồi nhưng lại không ngừng vòi vĩnh dùng đủ chiêu trò, thủ đoạn để bắt chủ nhà tăng lương. Đòi về quê vì mùa vụ sắp đến, đi làm công nhân, về thăm nhà liên tục, chuyển sang chỗ làm mới có lương cao hơn... là các chiêu của osin luôn khiến các chủ nhà phải “lùi bước” và bấm bụng tăng thêm lương để giữ chân vì “sống thiếu gì cũng được chứ không thể thiếu osin”.

Vò đầu bứt tai mãi cuối cùng chị Hương, Cầu Giấy, Hà Nội cũng đành tăng lương của osin nhà mình từ 3 triệu lên 3,6 triệu với hi vọng người giúp việc ở lại. Chị Hương tâm sự: “Nếu không tăng lương cứ khoảng nửa tháng osin lại đòi về quê đi làm công nhân thì còn ai mà giúp trông nom ông bà, con nhỏ trong khi vợ chồng mình cứ đi công tác suốt”.

Chạy đua làm osin

Với những người dân ở nông thôn thậm chí các vùng ngoại thành ở Hà Nội, việc trở thành osin đang trở thành mốt và là nghề “hốt ra tiền”. Không cần bằng cấp, chi phí xin việc, công việc nhẹ nhàng, hưởng lương cao… nghề osin là nghề dễ kiếm ra tiền nhất trong xã hội hiện nay.

Lương cộng thưởng hàng năm của osin có thể gấp đôi lương của một thạc sĩ tốt nghiệp ngành chính trị học ở Việt Nam. Lương của bà Vy cả năm cũng lên tới hơn 50 triệu đồng, nếu tính thưởng nữa có thể lên tới gần 70 triệu đồng. Số tiền lương của một osin làm được việc có thể “đánh đổ” bức tường lương của một thạc sĩ trong xã hội Việt Nam với một phép tính đơn giản “lương osin + thưởng = 2 lương Thạc sĩ”. Tất nhiên đó chỉ là một số các osin may mắn có được khoản lương cao hơn bởi mặt bằng chung thuê người giúp việc ở Việt Nam là khoảng 3 triệu/tháng.

Tự hào vì công việc của mình, bà Vy chia sẻ: “Cũng may mắn có cái nghề này tôi đã nuôi được cháu nhà học hành nên người. Hơn nữa, nghề cũng nhẹ nhàng, toàn công việc nhà cả”.

Nhiều người cho rằng, lương của osin cao hơn lương cơ bản của một thạc sĩ là một nghịch lý. Anh Vinh cho biết: “Đường đường là một thạc sĩ Toán học ra trường mà lương không bằng một osin”.

Chính vì lương cao, công việc không vất vả khiến các em gái mới lớn, các bà, các mẹ ở quê chạy đua làm osin. Người ta sẵn sàng nghỉ việc đồng áng, làm ăn thậm chí bắt cả những em gái mới lớp 6, lớp 7 nghỉ học để đi làm osin kiếm tiền với suy nghĩ “học làm gì nhiều cho tốn tiền, ra trường lương chẳng bằng 1 đứa osin”…

Theo Vietnamnet

No comments:

Post a Comment

Popular Posts