Wednesday, 18 January 2012

Kiểm toán doanh nghiệp niêm yết: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!

Khi mọi người chuẩn vị chào đón một năm mới thì cũng là lúc các kiểm toán viên danh nghiệp niêm yết (DNNY) bắt đầu một "mùa" bận rộn. Sức ép phải hoàn thành kiểm toán BCTC năm đúng hạn khiến những ngày giáp Tết, nhiều người trong số họ vẫn phải bù đầu với lịch làm việc. "Đoạn trường" mà họ trải qua đâu chỉ có sự vất vả cơ học.

Phan Hằng Phương

Có phải đến hẹn... lại lên?

Từng có ý kiến cho rằng, ngành kiểm toán độc lập dường như "miễn nhiễm" hay chịu ảnh hưởng ít nhất của khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Trong giới "Cổ cồn trắng", học mặc nhiên có một "sân" riêng, bất chấp "thời tiết" kinh tế và sức khỏa DN ra sao. Chẳng phải các DNNY một khi đã đưa cổ phiếu ngất ngưởng mươi chấm hay lùi về còn phân nửa mệnh giá, một năm chí ít vẫn phải mời công ty kiểm toán (CTKT) hai lần (!) Đấy là chưa kể các DN lớn, đã huy động vốn từ các tổ chức quốc tế, thì dù khó khăn đến mấy, vẫn phải "nghiến răng" thuê CTKT thuộc nhóm big 4 kiểm toán BCTC với mức phí khá cao.

Bởi vậy, có người từng nghĩ đơn giản, một khi hợp đồng giữa CTKT và DNNY đã ký, là cứ ngày đó, tháng đó, các kiểm toán viên điềm nhiên xách cặp tới phòng kế toán của đối tắc, yêu cầu cung cấp đầy đủ những chứng từ liên quan; áp dụng một loạt chuẩn mực kế toán, kiểm toán phức tạp rồi kiêu hãnh chứng nhận sự trung thực (hoặc không) của các BCTC... Có lẽ, chỉ người trong nghề mới thấu hiểu rằng để được kiểm toán DNNY, bản thân các CTKT trước đó đã phải vượt qua "cửa ải" xét duyệt tương đối khó khăn của Ủy ban Chứng khoán. Với những tiêu chí đó, ở Việt Nam hiện nay, chỉ có khoảng 1/4 số CTKT đủ chuẩn.

Tuy nhiên, việc ký được hợp đồng kiểm toán cho DNNY mới thực sự là một "cuộc đua" khốc liệt đối với nhiều CTKT, khi mà sự cạnh tranh đã khiến giá phí kiểm toán bị hạ "xuống đáy". Không hào nhoáng, sang trọng như nhiều người tưởng, để có được hợp đồng kiểm toán, CTKT phải "chăm sóc" khách hàng rất kỹ, với những khoản hoa hồng không nhỏ dù lãnh đạo các CTKT đều né tránh đều này! Lãnh đạo một CTKT trong nước, có thâm niên 5 năm kiểm toán DNNY chia sẻ, không ít lần công ty anh đã đưa ra một báo giá phí kiểm toán mà theo anh thì các khoản chi phí đã được tính toán hợp lý, chi li, nhưng lập tức, kế toán trưởng DNNY nọ chê đắt và cho anh xem báo giá của ba bốn công ty khác với mức phí thấp hơn khá nhiều. "DNNY thường quan niệm chi phí kiểm toán là chi phí bắt buộc phải bỏ ra thay vì mang lại giá trị hay lợi ích nào đó nên nếu giảm thiểu được chi phí này càng nhiều càng tốt, nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay". Và việc DNNY chuyển sang CTKT khác với mức phí thấp hơn mà không gặp trở ngại đáng kể nào khiến nhiều CTKT tưởng chừng như đã nắm chắc hợp đồng trong tay vẫn "thất lạc" khách hàng!

Theo ông Phan Lê Thành Long, Phó TGĐ Công ty TNHH Kiểm toán quốc gia Việt Nam, khái niệm "khách hàng trung thành" và "có vấn đề khi đổi công ty kiểm toán" vốn dĩ rất phổ biến trên thế giới, dường như không tồn tại trên TTCK Việt Nam. Điều này càng tạo sức ép lớn hơn cho các CTKT, và có thể có những hành động thỏa hiện với DNNY, tạo rủi ro kiểm toán rất cao.

Sức ép lớn, rủi ro cao


Năm 2011 là một năm thực sự khó khăn đối với cộng đồng DN. Bởi vậy, theo những kiểm toán viên có kinh nghiệm, các DNNY có thể sẽ vận dụng rất nhiều thủ thuật kế toán để "đánh bóng" BCTC...

Kiểm toán viên không phải là điều tra viên, nên khi DN đã cố tình gian lận, "chế biến" số liệu kế toán thì sức ép công việc và rủi ro nghề nghiệp là rất lớn. Sau những vụ đổ vỡ hay mất thanh khoản của các DNNY nhưng CTCP Dược Viễn Đông (DVD), CTCK SME, nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại đã quy trách nhiệm cho CTKT vì họ quá tin tưởng vào các số liệu BCTC sáng láng đã được kiểm toán viên chấp nhận toàn phần và dư luận trở nên mất niềm tin vào dịch vụ kiểm toán. Có thể nói, những sai sót trên không thể "đổ" hoàn toàn lên đầu kiểm toán viên khi ban lãnh đạo DNNY đã cố tình che giấu, gian lận, nhưng kiểm toán viên cũng không thể hoàn toàn vô can!

Vì thế, trong giai đoạn này, một số CTKT chú trọng đến chính sách quản lý rủi ro, ngay từ khâu chấp nhận khách hàng. Đại điện một CTKT có 100% vốn đầu tư nước ngoài cho biết, Công ty đã xây dựng hẳn một quy trình đánh giá rủi ro rất chặt chẽ, trong đó, việc đánh giá tính chính trực của ban lãnh đạo DN là khâu đặc biệt quan trọng. Việc thực hiện quy trình này còn được tính vào hiệu quả hoạt động của trưởng nhóm kiểm toán. Sức ép tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp và giữ chân khách hàng khiến công việc kiểm toán niêm yết thực sự nặng nề đối với các kiểm toán viên. "Kiểm toán là nghề bán dịch vụ niềm tin. Trên vai mỗi giám đốc kiểm toán, mỗi kiểm toán viên là uy tín của hãng mình và việc bảo đảm uy tín của hãng gói gọn trong việc giải quyết cụm từ "có rủi ro ay không có rủi ro?", "trọng yếu hay không trọng yếu". Nghe thì đơn giản nhưng gặp những trường hợp nhạy cảm, kiểm toán viên sẽ ăn không ngon, ngủ không yên vì cụm từ này", vị đại diện CTKT chia sẻ.

Chọn hướng đi nào?

Để tồn tại và phát triển, CTKT không có lựa chọn nào khác là phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều này tùy thuộc vào "ý thức chất lượng" của lãnh đạo CTKT và đạo đức, kiến thức, kinh nghiệm của mỗi kiểm toán viên. Ở Việt Nam hiện nay, các kiểm toán viên mới chú trọng nhiều hơn đến tính "chuẩn tắc" trong công việc, trong khi, công việc kiểm toán chỉ có thể mang lại giá trị gia tăng cho DN khi kiểm toán viên phải là nhà từ vấn độc lập đích thực.

Một kiểm toán viên tâm huyết với nghề bày tỏ, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển, đó là trước khi công bố thông tin tài chính dự báo, DNNY phải chuyển kiểm toán viên đánh giá tính hợp lý của các giả định mà DN áp dụng. Điều này trước mắt có thể tăng thêm chi phí cho DNNY nhưng trong tình trạng "tùy hứng" công bố thông tin thiếu căn cứ xác định như hiện nay, đây có thể là một công cụ để UBCK thanh lọc và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường. Quy định này có thể giúp các kiểm toán viên giỏi giữ được khách hàng thông qua đa dạng hóa và tạo khác biệt về số lượng và chất lượng dịch vụ, giảm cạnh tranh về phí, tạo sự lành mạnh cho thị trường kiểm toán DNNY, giảm thiểu rủi ro kiểm toán và rủi ro về thông tin cho tất cả các đối tượng tham gia thị trường. Hy vọng rằng, hướng đi này được các cấp hữu quan xem xét trong quá trình tái cấu trúc toàn diện thị trường tài chính Việt Nam.

(Theo ĐTCK)

Nguon: VACPA

No comments:

Post a Comment

Popular Posts