Monday, 30 May 2011

Sẽ kiểm tra các công ty kiểm toán

Trao đổi với DĐDN, ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội kiểm toán viên hành nghề VN (VACPA) chất lượng của kiểm toán độc lập VN chưa đáp ứng đầy đủ những quy định của Luật kiểm toán độc lập.

- Mỗi năm, các Cty kiểm toán mới thành lập ngày một nhiều và lượng kiểm toán viên cũng gia tăng. Tuy nhiên, số lượng kiểm toán viên đăng ký hành nghề lại không tăng tương ứng so với số lượng DN. Điều này có ảnh hưởng gì tới chất lượng kiểm toán, thưa ông ?

Thực tế số lượng kiểm toán viên và DN kiểm toán đều có tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Đặc biệt, khi Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực, mức độ thiếu này sẽ thể hiện rõ rệt hơn.

Hiện nay một Cty kiểm toán chỉ cần 3 người đã có thể hoạt động, nhưng khi áp dụng luật mới cần tới 5 người. Do vậy, số lượng kiểm toán viên sẽ đòi hỏi tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, các Cty kiểm toán vẫn có thời gian vì điều khoản này theo lộ trình phải tới 2014 mới phải thực thi.

- Trên thực tế, nhu cầu về dịch vụ kiểm toán độc lập ngày càng lớn, nhưng khả năng đáp ứng của Cty kiểm toán "nội" vẫn còn yếu. Ông có thể cho biết điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới khả năng cạnh tranh của DN kiểm toán VN ?

Tôi cho rằng lĩnh vực kiểm toán cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, có những phân khúc khác nhau. Chẳng hạn các Cty đa quốc gia sẽ yêu cầu các Cty kiểm toán quốc tế phục vụ và họ chấp nhận phí cao. Trong khi đó, các DN VN có rất nhiều loại hình, chẳng hạn DN niêm yết ở thị trường chứng khoán yêu cầu các DN kiểm toán khá lớn, được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận, trong khi các DN nhỏ lại chỉ cần các Cty kiểm toán nhỏ, gọn nhẹ. Điều kiện mỗi DN khác nhau nên nhu cầu kiểm toán cũng khác nhau.

- Về việc phát triển năng lực của các công ty kiểm toán độc lập, nhiều chuyên gia có ý kiến, nên liên kết các Cty kiểm toán nhỏ thành những DN lớn hoặc DN kiểm toán có thể trở thành thành viên của một hãng kiểm toán quốc tế. Ông nghĩ sao về điều này ?

Theo tôi, đây là một hướng đi đúng và có lợi cho DN VN. Cách đây 5-7 năm chúng tôi đã hướng các DN theo cách này, có những Cty ở mức độ trung bình có hướng mở rông quy mô bằng cách tăng kiểm toán viên và nhân viên. Hay các Cty nhỏ hơn có thể sáp nhập với nhau tạo nên một Cty có quy mô lớn hơn. Đây là xu hướng chung trên thị trường. Trong năm 2010 đã có 8 Cty nhỏ nhập thành 4 Cty lớn để tồn tại và phát triển, đủ điều kiện kiểm toán công ty niêm yết.

Ngoài ra, theo tôi việc trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế cũng là một hướng tốt cho DN VN. Bởi khi trở thành thành viên của các hãng kiểm toán lớn, các DN sẽ được đầu tư kỹ thuật, chuyên gia... đặc biệt sẽ được kiểm soát chất lượng dịch vụ của các Cty VN. Đó là cách giúp các DN VN có thể nâng cao khá nhanh chất lượng dịch vụ cung ứng cho thị trường.

- Hiện tại, có tới 60% khách hàng của các Cty kiểm toán trong nước là kiểm toán theo luật định. Thị phần khách hàng tự nguyện đã tăng lên nhưng chưa đáng kể. Nhiều DN vẫn có khái niệm "bị kiểm toán" chứ không phải là "được kiểm toán", thưa ông ?

Trên thực tế, số lượng DN VN, nhất là DNNVV quan tâm tới hoạt động kiểm toán chưa nhiều.

Tôi cho rằng, thị trường sẽ vẫn tồn tại hai xu hướng, một là Nhà nước sẽ mở rộng diện các Cty bắt buộc phải kiểm toán, trong khi các DN không bắt buộc kiểm toán nhưng vẫn yêu cầu kiểm toán sẽ ngày một gia tăng. Đây là điều bình thường, nhất là khi chất lượng kiểm toán ngày càng tốt hơn.

Tính đến 28/2/2011, có 49/152 Cty KT chỉ có 3 kiểm toán viên
- Độc lập là nguyên tắc hành nghề và cũng là tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp không thể thiếu được trong nghề kiểm toán. Nhưng đây lại là điểm yếu của ngành kiểm toán VN ?

Đúng, độc lập là nguyên tắc cơ bản nhất của nghề kiểm toán. Tuy nhiên theo tôi, độc lập ở đây không phải là tuyệt đối mà chỉ mang tính tương đối và định tính. Vấn đề này ở mỗi nước lại có quy định khác nhau, ở VN cũng có những quy định rất cụ thể về vấn đề này.

Tôi cho rằng, tính độc lập của kiểm toán viên ngày càng được nâng cao. Ví dụ, trong Luật kiểm toán độc lập của VN quy định anh không được kiểm toán một Cty niêm yết nếu anh mua cổ phiếu ở Cty đó, không kể giá trị là bao nhiêu. Trong khi đó, một số nước lại cho phép mua cổ phiếu dưới mức ảnh hưởng đáng kể đến tính độc lập của kiểm toán viên.

- Nhiều Cty kiểm toán đã chào mức phí khá thấp so với mức phí năm trước. Việc cạnh tranh này có hợp lệ không, thưa ông ?

Tôi cho rằng về mặt thị trường, các DN phấn đấu giảm giá là chuyện bình thường. Tuy nhiên, việc giảm giá phải trong khuôn khổ, tức là phải cân đối được thu, chi chứ không thể giảm giá để rồi lỗ. Mỗi Cty có chiến lược riêng, chẳng hạn với các khách hàng quen và đã có uy tín thì có thể tăng phí. Trong khi một số khách hàng mới, chưa có quan hệ gần gũi, nhưng vì lý do nào đó DN muốn nhận khách hàng đó thì có thể chào phí thấp nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ. Đây là điều bình thường của một DN, lấy bù trừ để phát triển. Quan trọng là tổng thu, chi vẫn đảm bảo và có lãi là được.

- Được biết sắp tới VACPA sẽ kiểm tra các Cty kiểm toán. Theo ông quy trình kiểm tra năm nay có điểm gì mới ?

Theo dự kiến quý III/2011 chúng tôi sẽ thực hiện kiểm tra. Năm 2010 chúng tôi đã chú trọng kiểm tra về chất lượng dịch vụ, cũng như chất lượng ý kiến của kiểm toán viên. Do vậy, số lượng các DN được kiểm tra cũng giảm so với các năm trước. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện chấm điểm các thủ tục kiểm toán, đồng thời xếp loại các Cty... do vậy chất lượng kiểm tra năm 2010 khá tốt. Năm 2011, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra theo hướng đó. Tuy nhiên số lượng Cty được kiểm tra có thể sẽ tăng hơn năm 2010. Năm 2011 dự kiến kiểm tra 25-30 DN kiểm toán.

- Xin cảm ơn ông !

No comments:

Post a Comment

Popular Posts