Bà Lucia Real Martin |
(ĐTCK-online) So với nhiều nước ở châu Âu hay châu Mỹ, ngành kiểm toán Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, song cũng đã đi được một chặng đường dài chỉ trong một thời gian ngắn. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2002, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành. Bà Lucia Real Martin, Giám đốc khu vực của ACCA, trao đổi với ĐTCK.
Bà đánh giá như thế nào về quá trình phát triển của ngành kiểm toán, kế toán Việt Nam, cũng như những hoạt động đồng hành của ACCA?
Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như các hiệp hội trong nước như Hội Kế toán và kiểm toán, Hội Kế toán viên hành nghề Việt Nam hay hợp tác với các nhà làm luật như Tổng kiểm toán Việt Nam, giúp xây dựng một ngành kiểm toán hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế. Chẳng hạn, kế hoạch tổ chức kỳ thi hợp tác giữa ACCA và Bộ Tài chính đang mang lại cho các kiểm toán viên khu vực công của Việt Nam cơ hội được đào tạo lên tiêu chuẩn quốc tế cao nhất có thể.
Với khoảng 2.000 kiểm toán viên có đủ tư cách nghề nghiệp đang hành nghề và khoảng 160 công ty kiểm toán đang hoạt động, ngành kiểm toán đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam tuy nhiên cung vẫn chưa đủ đáp ứng cầu. Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực từ tháng 1/2012 sẽ là cột mốc quan trọng đối với ngành kiểm toán Việt Nam. Việc cung cấp những phản hồi có tính xây dựng cho các nhà hoạch định chính sách là một phần quan trọng trong vai trò của chúng tôi tại Việt Nam và trên thế giới. Bên cạnh đó, bằng cách đào tạo một thế hệ kiểm toán viên, chúng ta có thể xây dựng một ngành kiểm toán bền vững tại Việt Nam.
ACCA sẽ tập trung vào những chương trình nào trong tương lai?
Để đảm bảo hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp kế toán kiểm toán và phát triển ngành nghề, ACCA thực hiện xuyên suốt nhiều sự kiện, hoạt động và đào tạo khác nhau. ACCA thiết kế, phát triển và cung cấp các chương trình thích hợp cho Việt Nam nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận các chuẩn đào tạo chuyên nghiệp cho kế toán viên.
Chúng tôi chủ trương mở ra cơ hội nghề nghiệp cho mọi người trong mọi lĩnh vực và xóa bỏ các rào cản do con người tạo ra, cũng như cải tiến nội dung đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của cả học viên và nhà tuyển dụng. Ví dụ, Chương trình nền tảng kế toán, một chương trình đào tạo trao bằng cấp cơ bản mới, rất linh hoạt dành cho nhiều cấp độ đầu vào, nhằm đáp ứng nhu cầu của cả học viên và nhà tuyển dụng. Chương trình được triển khai sau khi tham khảo, bàn bạc chi tiết với các nhà tuyển dụng, tổ chức đào tạo, hội viên, học viên và các tổ chức, cơ quan nghề nghiệp kế toán khác. Chương trình sẽ tạo nền tảng vững chắc về tài chính và kế toán quản trị, cũng như cung cấp thêm một học phần về tính chuyên nghiệp và hành vi đạo đức hành nghề.
Bà có thể đưa ra vài lời khuyên dành cho các bạn trẻ, những người đang muốn theo đuổi ước mơ trở thành một kiểm toán viên quốc tế chuyên nghiệp?
Chúng tôi tin rằng, kiểm toán nên giữ vững yếu tố cốt lõi của việc đào tạo kế toán chuyên nghiệp. Nền tảng hoạt động của kiểm toán viên là sự phát triển triệt để các giá trị chuyên ngành, khả năng phán xét và tính đặt vấn đề, sẽ luôn giúp kế toán viên đạt được trình độ chuyên môn trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Một điều rất quan trọng là các kiểm toán viên phải cam kết hành xử có đạo đức. Các kiểm toán viên có nhiều trách nhiệm đối với những công ty họ kiểm toán, họ không được hành động gây hại cho quá trình kiểm toán một công ty và danh tiếng của công ty đó. ACCA cam kết đào tạo những kế toán viên có đạo đức. Tất cả các thành viên của ACCA phải hoàn thành một bài kiểm tra đạo đức nghề nghiệp trước khi có thể trở thành thành viên.
Việt Nam nên áp dụng chính sách nào để nâng cao chất lượng ngành kiểm toán và giúp ngành này trở thành một công cụ thực sự mạnh mẽ để hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như quá trình tăng trưởng kinh tế?
Trên thế giới, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay, chưa bao giờ vai trò của kiểm toán lại bị nghi ngờ như bây giờ. Thậm chí, tại những nơi có thị trường kiểm toán phát triển vẫn cần có những cải tiến. Bất chấp những lời chỉ trích, kiểm toán vẫn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục công chúng tin vào báo cáo tài chính doanh nghiệp. Nếu không có lòng tin đó, nền kinh tế sẽ không thể tăng trưởng và phát triển một cách bền vững.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng, kiểm toán độc lập mang tính tích cực sâu rộng và như một công cụ chống lại những việc làm tài chính sai trái: theo chuẩn kiểm toán, kiểm toán viên sẽ liên hệ với bộ phận làm luật nhằm tìm kiếm thông tin hỗ trợ hoạt động giám sát của họ, tách bạch theo yêu cầu của pháp luật trong việc công bố thông tin về khách hàng của họ, các thông tin này có thể liên quan đến tội phạm tài chính.
Kiểm toán viên và các nhà quản lý nên có mối quan hệ mật thiết để đảm bảo rằng không có hiểu lầm hay kỳ vọng thiếu thực tế nào. Bằng cách hợp tác với nhau, các kiểm toán viên Việt Nam và các nhà quản lý của họ có thể biến kiểm toán thành một công cụ hữu dụng để thu hút đầu tư vào Việt Nam.
(Theo ĐTCK)
No comments:
Post a Comment