PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP
NHẰM TĂNG CƯỜNG CÔNG KHAI, MINH BẠCH
HỆ THỐNG TÀI CHÍNH
Trần Xuân Hà
Thứ trưởng Bộ Tài chính
Kể từ khi ra đời 2 công ty kiểm toán (Công ty VACO và Công ty AASC) đến nay, hoạt động kiểm toán độc lập đã có 20 năm hoạt động và phát triển. Nhìn lại thời gian qua cho thấy Kiểm toán độc lập đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ, song cũng còn một số những hạn chế, tồn tại:
Về những kết quả đã đạt được
Một là, hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán độc lập đã được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.
Nếu như Nghị định 07/CP ngày 29/1/1994 của Chính phủ mới chỉ ban hành Quy chế về kiểm toán độc lập thì Nghị định 105/NĐ-CP năm 2004 đã tạo ra hành lang pháp lý mới cho hoạt động kiểm toán độc lập. Theo đó Bộ Tài chính đã xây dựng, ban hành hệ thống 38 Chuẩn mực kiểm toán và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của Kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính đã chủ trì nghiên cứu trình Chính phủ và trình Quốc hội ban hành Luật Kiểm toán độc lập, tạo ra vị thế pháp lý cao cho hoạt động này, từ đó tiếp tục phát triển Kiểm toán độc lập trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Hai là, các Tổ chức kiểm toán độc lập, các kiểm toán viên hành nghề đã được mở rộng, nâng cao cả về quy mô cũng như chất lượng nghiệp vụ.
Từ chỗ chỉ có 2 doanh nghiệp kiểm toán (Năm 1991) đến nay đã có 165 doanh nghiệp kiểm toán, bao gồm cả các doanh nghiệp kiểm toán lớn của nước ngoài. Các kiểm toán viên hành nghề từ 49 kiểm toán viên được cấp giấy chứng nhận đặc cách năm 1994 đến nay đã có hơn 2000 kiểm toán viên, trong đó có gần 1300 kiểm toán viên đủ điều kiện hành nghề trong các doanh nghiệp kiểm toán.
Trên cơ sở đó các doanh nghiệp kiểm toán, các Kiểm toán viên đã cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ cũng như cung cấp dịch vụ tư vấn (như tư vấn kế toán, tài chính, tư vấn thuế, đầu tư, cấu trúc lại doanh nghiệp…). Các dịch vụ này đã tạo ra một môi trường ngày càng công khai, minh bạch, giúp cho các doanh nghiệp tăng cường quản trị doanh nghiệp, giúp cho các nhà đầu tư có thêm thông tin cần thiết để quyết định đầu tư, giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý vốn, tài sản, góp phần thực hiện chính sách tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Ba là, với sự ra đời kịp thời của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và các hoạt động của Hội đã góp phần phát triển hoạt động Kiểm toán độc lập, cùng với cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện vai trò quản lý, giám sát chất lượng kiểm toán viên cũng như chất lượng dịch vụ.
Từ năm 2005, kể từ khi thành lập đến nay, Hội đã thực hiện tốt vai trò đào tạo, cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên, rà soát tiêu chuẩn và thực hiện đăng ký hành nghề cho kiểm toán viên, kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán, cũng như tham gia xây dựng văn bản quy định pháp luật về kế toán và kiểm toán. Bộ Tài chính đã quy định giao cho Hội thực hiện soạn thảo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và xây dựng lộ trình tăng cường vai trò của Hội theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hội thực sự trở thành ngôi nhà chung của doanh nghiệp kiểm toán, của kiểm toán viên hành nghề, là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp kiểm toán, cũng như kiểm toán viên hành nghề.
Bốn là, thị trường dịch vụ kiểm toán đã hình thành, phát triển và được xã hội thừa nhận.
Việc phát triển thị trường dịch vụ kiểm toán đã trở thành thị trường dịch vụ tài chính, thị trường này đã có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta, đồng thời đã bước đầu thực thi những cam kết trong khu vực ASEAN để tiến tới hội nhập với thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán quốc tế. Nhiều kiểm toán viên hành nghề Việt Nam đã có chứng chỉ quốc tế và cung cấp dịch vụ này cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng như ở một số nước khác.
Về những mặt hạn chế
Qua 20 năm hoạt động cho thấy dịch vụ kiểm toán độc lập vẫn còn những hạn chế nhất định:
Thứ nhất, quy định pháp luật về kiểm toán độc lập vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh, đặc biệt là việc cập nhật các chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai, quy mô và chất lượng kiểm toán độc lập vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là chất lượng của báo cáo kiểm toán chưa cao.
Thứ ba, thị trường kiểm toán độc lập chưa thực sự hoàn chỉnh, trong đó yêu cầu bắt buộc thực hiện dịch vụ kiểm toán vẫn trội hơn so với nhu cầu tự nguyện.
Trong nền kinh tế thị trường, dịch vụ kiểm toán có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó là một sự chứng thực của một tổ chức độc lập về tính trung thực, hợp lý của các báo cáo tài chính trên phương diện trọng yếu, nó là sự đánh giá về sự tuân thủ quy định pháp luật cũng như đánh giá chất lượng hoạt động của một doanh nghiệp, dự án đầu tư hay bất kỳ một hoạt động tài chính nào. Bởi vậy cần phải coi trọng ngành nghề kiểm toán cũng như giá trị của báo cáo kiểm toán.
Phát triển quy mô, chất lượng của hoạt động kiểm toán độc lập là nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước, Hội nghề nghiệp, doanh nghiệp kiểm toán cũng như từng kiểm toán viên. Cụ thể là:
- Cần cập nhật, hoàn chỉnh Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam theo thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của nền kinh tế - xã hội đất nước. Để triển khai nhiệm vụ này, cơ quan quản lý Nhà nước và Hội nghề nghiệp sẽ phối hợp xây dựng lộ trình thực hiện và ban hành các Chuẩn mực kiểm toán để làm căn cứ, thước đo trong quá trình kiểm toán cũng như lập báo cáo kiểm toán. Đó cũng là chuẩn mực cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải tuân thủ.
- Nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề, theo đó cần cập nhật bộ tài liệu, chương trình đào tạo kiểm toán viên, rà soát điều kiện kiểm toán viên hành nghề để có cơ sở cho việc đào tạo, thi cấp chứng chỉ hành nghề. Các kiểm toán viên của Việt Nam cần phải phấn đấu để đạt được điều kiện ngang tầm với kiểm toán viên quốc tế, có như vậy thì hoạt động kiểm toán mới phát triển được ngay tại nước mình và mở rộng ra các nước khác.
- Cần phải có biện pháp kiểm soát chất lượng đội ngũ kiểm toán viên hành nghề và kiểm soát chất lượng báo cáo kiểm toán. Trong việc thực thi nhiệm vụ này có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và Hội nghề nghiệp. Thứ nhất là Hội nghề nghiệp cần quản lý hội viên của mình, đảm bảo mục đích tôn chỉ của Hội và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Hội cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước xử lý các trường hợp vi phạm. Thứ hai, là cơ quan quản lý Nhà nước thông qua Hội để kiểm tra, rà soát chất lượng đội ngũ kiểm toán viên, chất lượng báo cáo kiểm toán. Bên cạnh đó, phải phát huy vai trò của cơ quan chủ sở hữu vốn (Nhà nước đối với công ty Nhà nước; Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; Hội đồng thành viên, chủ doanh nghiệp với công ty TNHH 1 thành viên) cũng như công chúng để cùng nhau giám sát hoạt động này.
- Cần có biện pháp khuyến khích phát triển dịch vụ kiểm toán, theo đó các cơ quan chủ sở hữu, người sử dụng báo cáo kiểm toán cần coi trọng sử dụng dịch vụ này. Trách nhiệm, quyền hạn của doanh nghiệp kiểm toán, của đơn vị được kiểm tra đã được quy định rõ trong Luật Kiểm toán độc lập và có ràng buộc trong hợp đồng kiểm toán. Các bên liên quan phải có trách nhiệm để hoạt động kiểm toán độc lập được thực hiện một cách minh bạch.
Với việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập và chương trình thực hiện trong thời gian tới, hy vọng rằng hoạt động kiểm toán độc lập của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, góp phần quan trọng trong việc công khai, minh bạch hệ thống tài chính cũng như tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước chúng ta./.
(Theo VACPA)
No comments:
Post a Comment