Wednesday, 5 October 2011

Thế nào là thu nhập khác ?

(DĐDN) Tại hội thảo rà soát Luật quản lý thuế, Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN có khá nhiều vấn đề chưa hợp lý, thiếu tính khả thi, thiếu thống nhất trong các luật nêu trên đã được chỉ ra. Trong đó, một phát hiện khá lý thú là chỉ tiêu thu nhập khác của DN lại được hướng dẫn rất khác nhau bằng chính các Thông tư của....Bộ Tài chính.

Theo Chuẩn mực kế toán hay Luật Thuế ?

Thu nhập khác của DN được quy định tại Chuẩn mực kế toán số 14 và Thông tư hướng dẫn kế toán Chuẩn mực này, cụ thể là: Đoạn 30,31,32 Chuẩn mực kế toán số 14 "Doanh thu và thu nhập khác" ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Mục IV Thông tư số 89/2002/TT-BTC ngày 9/10/2002 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn kế toán thực hiện bốn chuẩn mực kế toán ban hành theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (TT89)".

Thu nhập khác cũng là bộ phận cấu thành quan trọng trong thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập DN. Do đó, thu nhập khác cũng được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật thuế TNDN; Khoản 2 Điều 3 Nghị định 124/2008/N Đ-CP "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập DN" và Thông tư số 130/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 124 (TT130).

Điều đáng quan tâm là quy định về nội dung chỉ tiêu thu nhập khác của DN trong các văn bản nêu trên lại có nhiều điểm không thống nhất. Về nội dung của chỉ tiêu thu nhập khác, Thông tư 89 quy định có 08 khoản, còn Thông tư 130 lại quy định tới... 20 khoản.

Từ bảng so sánh, ta có thể thấy, TT130 đã đưa vào nội dung chỉ tiêu thu nhập khác khá nhiều nội dung được coi là doanh thu theo chuẩn mực kế toán. Chẳng hạn, theo TT 89rất nhiều hoạt động trong kinh doanh... đều được coi là doanh thu hoạt động tài chính (xem bảng so sánh).

Hậu quả của sự thiếu nhất quán

Sự thiếu nhất quán trong việc hướng dẫn hạch toán chỉ tiêu thu nhập khác đã dẫn đến những khó khăn không nhỏ đối với các DN, các đơn vị kiểm toán và cơ quan quản lý nhà nước.

Trước hết, với đội ngũ kế toán ở các DN không biết sẽ phải theo hướng dẫn nào? Làm kế toán thì phải theo các chuẩn mực kế toán. Hơn nữa, hệ thống chuẩn mực kế toán VN đã ban hành và được đánh giá là "phù hợp với các chuẩn mực kế toán quốc tế". Vì vậy, thực hiện theo các chuẩn mực kế toán dường như là điều không phải bàn cãi. Tất nhiên, kế toán DN và thuế là hai lĩnh vực có những điểm khác nhau. Song, số liệu về doanh thu, thu nhập khác của kế toán lại rất quan trọng khi tính thuế. Với một khoản thu, luật thuế quy định là thu nhập khác nhưng kế toán lại ghi nhận là doanh thu.... là sai và có thể bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế!

Trong thực tế, có không ít trường hợp DN hạch toán theo hướng dẫn của Luật thuế, nhưng khi thực hiện kiểm toán, đơn vị kiểm toán yêu cầu điều chỉnh lại theo chuẩn mực kế toán và DN đang có lãi trở thành bị lỗ và ngược lại. Tình trạng đó năm nào cũng xả ra với các DN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Nhất quán là một trong những nguyên tắc cơ bản của kế toán. Với hai Thông tư hướng dẫn khác nhau về chỉ tiêu thu nhập khác, chắc chắn trong cộng đồng DN cũng sẽ có hai bộ phận lập báo cáo tài chính với những hướng dẫn khác nhau của hai thông tư nêu trên. Như vậy, yêu cầu so sánh được của kế toán đã bị vi phạm.

Để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ những khó khăn không đáng có cho các DN, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi khắc phục sự không nhất quán nêu trên.

Luật gia Vũ Xuân Tiền
Chủ tịch Hội đồng thành viên
Cty tư vấn VFAM Việt Nam

No comments:

Post a Comment

Popular Posts