Wednesday, 22 June 2011

KỶ NIỆM 20 NĂM KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP (1991-2011)

NH×N NHËN VÒ 20 N¡M HO¹T §éng kiÓm to¸n ®éc lËp ë

viÖt nam vµ vai trß cña c«ng ty kiÓm to¸n n­íc ngoµi

Ông Trần Đình Cường

20 năm qua là một chặng đường không dài nhưng đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc của ngành Kiểm toán độc lập còn non trẻ của Việt Nam. Với số lượng gần 200 công ty Kiểm toán đang hoạt động trong lĩnh vực này tính đến cuối năm 2010, quả thực chưa bao giờ hoạt động kiểm toán độc lập lại sôi động như hiện nay. Số lượng các công ty hoạt động trong ngành tăng lên nhanh chóng cùng với các dịch vụ cung cấp ngày càng đa dạng và chuyên nghiệp cho thấy hoạt động kiểm toán độc lập là một nhu cầu rất thiết thực của nền kinh tế, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

Trần Đình Cường - CPAVN, CPA Mỹ

TGĐ - Công ty Ernst & Young Việt Nam (E&Y)

Phó Chủ tịch VACPA

Đ

iểm lại những thành tựu nổi bật của ngành kiểm toán độc lập trong nước, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của các công ty kiểm toán nước ngoài. Nhớ lại đầu những năm 90, khi Bộ Tài chính thành lập 2 công ty kiểm toán đầu tiên là DNNN làm kiểm toán vào năm 1991, thì Ernst & Young (EY) cũng là công ty Big 6 đầu tiên lúc bấy giờ được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam vào năm 1992. Song hành cùng với các doanh nghiệp kiểm toán trong nước qua chặng đường gần 20 năm qua, các công ty kiểm toán nước ngoài đã và đang đóng vai trò rất tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam.

Phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực kiểm toán có trình độ quốc tế

Trong số gần 200 công ty kiểm toán, tuy chiếm số lượng nhỏ hơn so với các công ty trong nước, các công ty kiểm toán nước ngoài lại sở hữu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp lớn nhất. Chỉ tính riêng bốn công ty Big 4 hiện nay (EY, Deloitte, KPMG và PwC) đã chiếm tới gần 30% tổng số nhân lực của các công ty kiểm toán hoạt động tại Việt Nam. Với ưu thế về nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt là với kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài đến từ các nền kinh tế phát triển trong và ngoài khu vực như Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, v.v, có thể nói nguồn nhân lực của các công ty kiểm toán nước ngoài đóng vai trò “dẫn dắt”, thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực kiểm toán trong nước nói chung. Các công ty này cũng là nơi đào tạo, nuôi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo tiềm năng cho ngành kiểm toán độc lập trong nước. Ngoài việc cung cấp các chương trình đào tạo lấy chứng chỉ nghề nghiêp trong nước cũng như quốc tế như CPA Việt Nam, ACCA (Vương quốc Anh), CPA (Úc), CPA (Hoa Kỳ), các công ty này cũng thường xuyên cung cấp các khóa đào tạo chuyên đề về kế toán (chuyên sâu về ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, viễn thông, dầu khí v.v.) hoặc về kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng mềm trong quản lý doanh nghiệp, giao tiếp v.v. Hiện nay, trong bốn công ty nước ngoài có thị phần lớn nhất, phần lớn các cán bộ lãnh đạo trung-cao cấp là người Việt Nam. Họ đều là những người tham gia rất tích cực vào các hoạt động đào tạo, phát triển các hội nghề nghiệp ở Việt Nam như Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hội kế toán Việt Nam (VAA).

Góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm toán độc lập

Một trong những thách thức của hội nhập kinh tế chính là hiểu biết về khuôn khổ pháp lý, các thông lệ quốc tế tốt nhất và khả năng vận dụng vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Với lợi thế về nguồn nhân lực có kinh nghiệm quốc tế được đào tạo, cập nhật thường xuyên với các vấn đề kế toán-kiểm toán quốc tế, thêm vào đó, lại được kết nối liên thông với các văn phòng ở khắp các quốc gia trên thế giới, các công ty kiểm toán nước ngoài ở Việt Nam chính là những hạt nhân chủ chốt tham gia vào quá trình hoàn thiện khung pháp lý về quản lý hoạt động kế toán-kiểm toán tại Việt Nam. Trong những năm qua, cùng với một số công ty kiểm toán nước ngoài lớn, Ernst & Young đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) giới thiệu và đưa vào áp dụng một số Chuẩn mực Kiểm toán quốc tế (ISA), Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS), Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), góp phần đưa các chuẩn mực kế toán-kiểm toán của Việt Nam gần hơn với quốc tế. Các công ty này cũng đã tích cực tham gia góp ý, hoàn thiện Dự thảo Luật kiểm toán độc lập được Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011 .

Thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập

Một đóng góp cần ghi nhận khác là hoạt động của các công ty kiểm toán nước ngoài đã tạo động lực mạnh mẽ nâng cao chất lượng dịch vụ nói chung của các công ty kiểm toán độc lập trong nước. Với các quy trình kiểm toán chuẩn xác, chặt chẽ, thống nhất với quốc tế, các công ty này cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng như các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân lớn nhất. Điều đó có tác dụng “lan tỏa” bởi trong thị trường có tính cạnh tranh cao như hiện nay, nếu không đảm bảo chất lượng dịch vụ cao nhất, các công ty kiểm toán sẽ khó có thể “giữ chân” được khách hàng.

Đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ mới

Xét về khả năng cung cấp dịch vụ, có thể nói các công ty kiểm toán nước ngoài cung cấp được nhiều dịch vụ mới, phức tạp và đòi hỏi tính chuyên nghiệp ở tầm quốc tế rất cao, ví dụ như các nghiệp vụ về công cụ tài chính, công cụ tài chính phái sinh, chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS; tư vấn về mặt kế toán-kiểm toán hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu hay phát hành trái phiếu chuyển đổi ở các thị trường nước ngoài; kiểm toán theo các chuẩn mực của Mỹ (US GAAP) v.v. Ngoài các dịch vụ kế toán, kiểm toán truyền thống, các công ty kiểm toán quốc tế còn đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ chất lượng cao như tư vấn thuế, tư vấn quản lý, kinh doanh và tư vấn giao dịch kinh doanh. Như vậy, sự tham gia của các công ty kiểm toán nước ngoài đã mở rộng các loại hình dịch vụ liên quan để các doanh nghiệp Việt Nam có sự lựa chọn phong phú và đa dạng hơn rất nhiều. Đồng thời, chính điều này cũng góp phần để hoạt động kiểm toán độc lập ngày càng được doanh nghiệp trong nước nhận thức như là một phần tất yếu, không chỉ mang tính tuân thủ mà con mang tính hỗ trợ rất cao cho công tác điều hành, quản lý.

Gia tăng “sức hút” của kiểm toán độc lập với các thành phần kinh tế

Một điểm đáng ghi nhận khác là các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ chất lượng cao đã góp phần tăng “sức hút” của ngành kiểm toán độc lập nói chung. Nhiều năm trước, chúng ta đều thấy ít doanh nghiệp trong nước hiểu và mong muốn sử dụng các dịch vụ kiểm toán-tư vấn độc lập. Hiện nay, khi nền kinh tế đã phát triển hơn, các khuôn khổ pháp lý điều tiết hoạt động doanh nghiệp cũng chặt chẽ, phức tạp hơn. Sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam với các yêu cầu ngày càng cao về tuân thủ, minh bạch thông tin tài chính, quản lý của doanh nghiệp cũng là cơ hội nhưng cũng là thách thức với hoạt động kiểm toán độc lập. Các dự án đầu tư, các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển (ODA) song phương và đa phương, v.v cũng có yêu cầu cao hơn đối với hoạt động kiểm toán độc lập. Thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ, các công ty kiểm toán nước ngoài đã tạo nên thương hiệu riêng và giành được sự tín nhiệm của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tính về tỷ trọng khách hàng của bốn công ty kiểm toán nước ngoài lớn nhất trong tổng số khách hàng của các công ty kiểm toán tại Việt Nam, tại thời điểm cuối năm 2010, con số này là gần 16 %, nhưng trong đó bao gồm hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất trong nền kinh tế. Còn tính về tỷ trọng doanh thu, con số này thậm chí đạt tới hơn 55%.

Đóng góp thiết thực cho phát triển Thị trường chứng khoán, thị trường vốn và hội nhập tài chính quốc tế

Hiện nay tính toán cho thấy 4 công ty kiểm toán Big 4 chiếm tới 55% trên tổng số 100 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa thị trường lớn nhất trên hai sàn giao dịch chứng khoán của Việt Nam, tính đến cuối năm 2010. Nếu xét trên tổng giá trị vốn hóa thị trường thì tỷ lệ này là 84%. Các con số này cho thấy sự tham gia tích cực của các công ty kiểm toán quốc tế đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán và thị trường vốn Viêt Nam cũng như phản ánh sự tín nhiệm và kỳ vọng chất lượng của các công ty niêm yết, các cổ đông và các nhà đầu tư đối với dịch vụ của các công ty kiểm toán quốc tế. Ngoài ra, các công ty kiểm toán quốc tế còn tích cực tham gia các hoạt động kiểm toán, tư vấn về mặt kế toán-kiểm toán hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam niêm yết cổ phiếu hay phát hành, niêm yết trái phiếu chuyển đổi ở các thị trường nước ngoài, giúp các doanh nghiệp này hội nhập thành công vào thị trường chứng khoán và thị trường vốn của khu vực và quốc tế.

Đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội

Rõ ràng, với tất cả vai trò tích cực nêu trên, các công ty kiểm toán nước ngoài đã và đang đóng góp rất thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Cũng cần nhấn mạnh là các đóng góp kể trên không chỉ do các Công ty Kiểm toán quốc tế đem lại. Đạt được những thành tựu và phát triển vượt bậc như vậy là sự nỗ lực của cả ngành kế toán – kiểm toán Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước hữu trách như Bộ Tài chính, Tổng Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và toàn thể các công ty kiểm toán, các kiểm toán viên đã và đang hành nghề ở Việt Nam.

Trong thời gian tới, với yêu cầu minh bạch, tuân thủ ngày càng cao của khuôn khổ pháp lý trong nước cũng như quốc tế, nhất là sau các cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần chú trọng hơn đến công tác quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị kế toán-tài chính. Đó sẽ tiếp tục là điều kiện thuận lợi để các công ty kiểm toán độc lập tại Việt Nam, trong đó có các công ty kiểm toán nước ngoài, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Là công ty kiểm toán nước ngoài có bề dày hoạt động gần 20 năm tại Việt Nam, Ernst & Young cam kết sẽ phát huy tối đa nguồn lực để góp phần hiệu quả vào sự phát triển của ngành kiểm toán độc lập Việt Nam./.

(Nguồn VACPA)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts