Ông Đặng Văn Thanh |
Diệu Thiện
PV: Xin ông cho biết sự cần thiết và yêu cầu của việc rà soát, sửa đổi Luật Kế toán 2003?
Ông Đặng Văn Thanh: Năm 2003, Quốc hội Việt Nam đã thông qua và công bố Luật Kế toán, thay thế cho Pháp lệnh Kế toán thống kê ban hành năm 1988. Sau khi có hiệu lực, Luật đã đi vào cuộc sống và góp phần tích cực điều chỉnh cũng như chế tài các hành vi liên quan đến tổ chức thông tin tài chính nói chung, thông tin về hoạt động của doanh nghiệp (DN) nói riêng. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, Luật Kế toán xuất hiện nhiều bất cập, cần sớm sửa đổi, bổ sung.
Trước hết, các quy định về nội dung kế toán nhiều điểm không còn phù hợp trong nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới. Thứ hai, quy định về tổ chức bộ máy kế toán, con người làm kế toán, cần có quy định mới thích hợp hơn, đặc biệt khi chúng ta thừa nhận kế toán không chỉ thuần túy là công cụ quản lý kinh tế mà còn là nghề nghiệp, là lĩnh vực dịch vụ mà Nhà nước đã chấp nhận và cho phép các tổ chức kinh tế, DN được thuê người làm kế toán, thậm chí là thuê kế toán trưởng, giám đốc. Thứ ba, vấn đề liên quan đến tổ chức nghề nghiệp kế toán, Luật cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ của Hội Kế toán và Kiểm toán trong việc quản lý hành nghề, đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng kế toán, kiểm toán viên. Cuối cùng, cần phải quy định chế tài cho nghề nghiệp kế toán phù hợp, thích ứng, hội nhập hơn với thông lệ quốc tế. Chúng ta phải thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó có các quy định về nghề nghiệp kế toán, dịch vụ kế toán, kiểm toán, thừa nhận về chứng chỉ hành nghề giữa các thành viên trong khu vực…
PV: Những bất cập của Luật Kế toán 2003 gây khó khăn như thế nào đối với hoạt động của DN, thưa ông?
Ông Đặng Văn Thanh: Thứ nhất, hiện nay có rất nhiều vấn đề mới nảy sinh mà Luật Kế toán 2003 chưa có quy định điều chỉnh, hoặc quy định chưa đầy đủ. Có thể lấy ví dụ, như: Dịch vụ kế toán, tổ chức bộ máy kế toán; có rất nhiều DN tổ chức công tác kế toán trong điều kiện không có bộ máy kế toán… Thứ hai, sau 10 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều biến đổi, ngày càng đi sâu vào kinh tế thị trường và đang trong lộ trình thực hiện những cam kết với thế giới. Vì vậy, những điều khoản quy định về bộ máy kế toán cần sửa đổi bổ sung như về chứng từ, sổ kế toán, tài khoản kế toán… Ngoài ra, trong chừng mực nào đó, sự can thiệp của Nhà nước, cũng như chế tài của Nhà nước sẽ ở mức độ nào, đối với những đối tượng nào cũng cần phải làm rõ. Cuối cùng, những điều khoản liên quan đến bộ máy kế toán, con người kế toán phải tính toán sao cho hợp lý hơn. Luật cũng cần quy định chặt chẽ hơn, có tính ràng buộc hơn về trách nhiệm pháp lý của người tổ chức và cung cấp thông tin để đảm bảo rằng thông tin từ kế toán đủ tin cậy để người sử dụng thông tin có cơ sở đưa ra quyết định hợp lý, đúng đắn.
PV: Để Luật Kế toán tiệm cận hơn với những chuẩn mực quốc tế, theo ông dự thảo luật mới cần phải có những đột phá nào?
Ông Đặng Văn Thanh: Việt Nam đã gia nhập WTO, có nghĩa chúng ta đã chấp nhận các điều khoản, cam kết và quyết tâm thực hiện. Luật Kế toán 2003 đã bước đầu đưa vào các chế tài, điều khoản phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Luật chưa bao quát, chưa sâu, chưa toàn diện, chưa hình dung hết các việc phải thực hiện theo cam kết quốc tế. Vì vậy, dự thảo luật mới cần được xem xét và điều chỉnh các nội dung: Minh bạch thông tin, chấp nhận và thừa nhận các chuẩn mực kế toán quốc tế, thừa nhận các chứng chỉ hành nghề kế toán của các nước trong khu vực… Đặc biệt, phải dần dần từng bước thống nhất chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán viên theo chuẩn quốc tế để có thể hành nghề tốt không chỉ trong nước mà còn tiến tới trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, Hội Kế toán có trách nhiệm quản lý, kiểm soát đạo đức hành nghề, thường xuyên thông tin cho Hiệp hội Kế toán các nước trong khu vực và trên thế giới. Mục tiêu cuối cùng, phải xây dựng một hệ thống đầy đủ, trung thực, công khai và minh bạch, tiệm cận gần nhất với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, được quốc tế thừa nhận.
(Theo Thời báo Tài chính)
No comments:
Post a Comment