Thursday, 18 October 2012

Bán khống: Cần định nghĩa rõ ràng hơn

Bán khống hiện là hoạt động vi phạm pháp luật, nhưng để ngăn chặn hiện tượng này, việc đầu tiên mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần làm là làm rõ khái niệm bán khống và tạo sự đồng thuận trên toàn thị trường về khái niệm bán khống.
Hoàng Anh
T
rước hiện tượng CTCK TP. HCM (HSC) bị xử phạt về tội để cho nhân viên thực hiện hành vi bán khống, có một luồng dư luận đặt câu hỏi rằng, nhà đầu tư có nhu cầu vay mượn chứng khoán để bán là bán khống có hợp lý hay không?
Tổng giám đốc một CTCK tại Hà Nội cho biết, ngày 12/10 vừa qua, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) đã có buổi làm việc với các CTCK thành viên để thống nhất một số nội dung kiến nghị UBCK trong đó có nội dung dung "bán khống". VASB và các thành viên trên thị trường cho rằng, trước hết, khái niệm bán khống hiểu chính xác phải là bán những thứ không có, hoặc biến không thành có. Hành vi này chính là tác nhân gây bất ổn và ảnh hưởng xấu đến thị trường, cơ quan quản lý cần phối hợp với cơ quan pháp luật để phát hiện sai phạm, để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động "mượn" chứng khoán của nhau để mua bán trên thị trường, theo một số CTCK, lâu nay vẫn được hiểu là bán "khống" là chưa chuẩn xác. Những người theo quan điểm này cho rằng, chứng khoán cũng là tài sản. Khi nhà đầu tư mua chứng khoán, họ có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt chứng khoán đó. Trong trường hợp họ và một đối tác có thỏa thuận dân sự về việc vay mượn chứng khoán để giao dịch khiến lệnh bán vẫn được thực hiện từ chủ tài khoản có đủ cổ phiếu để bán thì về lý, rất khó để quy người bán vào tội bán "khống".
Lãnh đạo nhiều CTCK cho rằng, cơ quan quản lý cần nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay chứng khoán để nhà đầu tư có cơ sở áp dụng, bởi xét ở khía cạnh thị trường, đây là nhu cầu có thật của nhà đầu tư và hai bên đã có sự thống nhất, quyền lợi giữa họ được thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện.
UBCK đã có văn bản cấm hoạt động bán khống. VASB cũng có công văn đề nghị ngăn chặn việc bán khống chứng khoán, nhưng đâu đó, hoạt động này vẫn âm thầm tái diễn. Trường hợp hai nhân viên môi giới của HSC bị xử phạt vì tội đã cho khách hàng mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng để bán chỉ là hiện tượng "xử điểm". Theo nhiều nhà đầu tư, rất nhiều CTCK có "kho hàng" để phục vụ họ khi có nhu cầu, thậm chí đây được coi là một trong những "chiêu" để CTCK câu khách, giữ khách. Tuy nhiên, cung cấp dịch vụ này, ranh giới giữa đúng luật và sai luật là quá mong manh.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc thị trường nhiều biến động như hiện nay, người hành nghề cần đề cao đạo đức nghề nghiệp, đối với những trường hợp nhân viên môi giới lạm dụng tài khoản nhà đầu tư để phục vụ vào mục đích của cá nhân hay CTCK thì phải được xử lý thật nặng, thậm chí cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đối với hành vi kết nối nhu cầu vay mượn chứng khoán, tiền giữa các nhà đầu tư khi họ có nhu cầu, các thành viên thị trường đang rất cần một quy định rõ ràng về ranh giới pháp lý được làm và không được làm từ nhà quản lý.
Về cuộc họp với các thành viên, VASB cho biết, cuộc họp này chỉ trong khuôn khổ các thành viên của Hiệp hội để nghe ý kiến các CTCK và thống nhất về quan điểm trước khi trình UBCK. VASB vẫn giữ quan điểm nói KHÔNG với bán khống, nhưng phải hiểu đúng bản chất của bán khống, trên cơ sở tôn trọng các nhu cầu thực tế từ thị trường.

(Theo TTCK)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts