Sunday, 21 October 2012

Danh sách thí sinh dự thi kiểm toán viên và kế toán viên hành nghề cấp Nhà nước năm 2012

BỘ TÀI CHÍNH
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG THI KIỂM TOÁN VIÊN
 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
VÀ KẾ TOÁN VIÊN HÀNH NGHỀ
 
______________________
CẤP NHÀ NƯỚC NĂM 2012
 
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2012
_______________
 
 
Số: 04/TB-HĐT
 
 

 
THÔNG BÁO
Về danh sách thí sinh dự thi kiểm toán viên
và kế toán viên hành nghề cấp Nhà nước năm 2012
 
Hội đồng thi kiểm toán viên và kế toán viên hành nghề cấp Nhà nước năm 2012 thông báo như sau:
1- Địa điểm thi:
- Tại Hà Nội:  Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh- 135 Nguyễn Phong Sắc- Từ Liêm- Hà Nội
- Tại TP Hồ Chí Minh: Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan- 778 Nguyễn Kiệm- Phường 4- Quận Phú Nhuận- TP Hồ Chí Minh
 
2- Lịch thi.
 
3- Danh sách thí sinh đủ điều kiện, không đủ điều kiện dự thi kỳ thi kiểm toán viên và kế toán viên hành nghề năm 2012 và danh sách cần hoàn thiện hồ sơ để đủ điều kiện dự thi (Đính kèm).
 
4- Đề nghị các thí sinh đối chiếu các thông tin cá nhân, nếu có thắc mắc phản ánh về Hội đồng thi trước ngày 30/10/2012 để kịp thời giải quyết.
Thông tin phản ánh về địa chỉ email như sau:
maithutrang@mof.gov.vn (đối với người đăng ký dự thi tại Hà Nội);
nguyenthithanhminh@mof.gov.vn (đối với người đăng ký dự thi tại TPHCM)
  
5- Những người có tên trong danh sách cần hoàn thiện hồ sơ để đủ điều kiện dự thi lưu ý như sau:
(1) Xem kỹ yêu cầu hoàn thiện hồ sơ của Hội đồng (cột ghi chú)
(2) Đối với trường hợp trên Giấy xác nhận thời gian công tác thiếu chức danh của người ký xác nhận: Phải bổ sung Giấy xác nhận thời gian công tác có ghi rõ chức danh của người ký xác nhận. Nếu người ký xác nhận không phải là người đại diện theo pháp luật, phải thực hiện yêu cầu nêu tại điểm (3) dưới đây.
(3) Đối với các trường hợp người xác nhận trên Giấy xác nhận thời gian công tác không phải là người đại diện theo pháp luật thì phải có giấy uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật để người đó đủ thẩm quyền xác nhận cho người dự thi.
(4) Tài liệu bổ sung hồ sơ phải gửi về Hội đồng thi trước ngày 30/10/2012.
(5) Tài liệu bổ sung hồ sơ đề nghị gửi về địa chỉ: Hội đồng thi Kiểm toán viên và kế toán viên hành nghề 2012 - Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính - 28 Trần Hưng Đạo – Hà Nội.
 
 
 
TM. HỘI ĐỒNG THI
 
 
KT. CHỦ TỊCH
 
 
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
 
 
 
(Đã ký)
 
 
 
 
 
Hà Thị Ngọc Hà
(Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán)
 
 
 
 
 
 
                       
 

Tệp đính kèm:  Danh sach HANOI.rar
Tệp đính kèm:  danh sach thi o TP HCM.rar
Tệp đính kèm:  LichThiCacMon.doc
(THeo Botaichinh)

Thursday, 18 October 2012

Sử dụng thông tin kế toán khi quyết toán thuế TNDN: Những vấn đề đặt ra


Trong điều kiện hiện vận hành nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hệ thống kế toán được thiết lập với mục đích cung cấp thông tin tài chính chung nhất, phục vụ lợi ích của các chủ thể sử dụng thông tin khác nhau. Trong đó, mục đích cung cấp thông tin tài chính về nghĩa vụ thuế của DN đối với NSNN là một trọng tâm, nhưng không phải là mục đích duy nhất. Sự độc lập tương đối giữa các quy định của chính sách thuế nói chung và chính sách thuế TNDN nói riêng với các quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán,dẫn đến khi sử dụng thông tin kế toán cho mục đích kê khai và quyết toán thuế cần có quá trình phân tích và điều chỉnh cho phù hợp.
TS. Mai Ngọc Anh

Thông thường, việc sử dụng thông tin kế toán khi quết toán thuế TNDN được thực hiện qua 4 bước cơ bản. (1) Căn cứ vào báo cáo kết quả kinh doanh của DN để lập chỉ tiêu "Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế TNDN" - Mã số A1 trên tờ khai quyết toán thuế TNDN năm. (2) Căn cứ vào các sổ kế toán tổng hợp và chi tiết về doanh thu, thu nhập và các khoản chi phí thuộc các khoản mục chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, nhân công trực tiếp, sản xuất chung và chi phí bán hàng, quản lý DN, chi phí tài chính, chi phí khác để nhận diện các khoản thu nhập, chi phí có sự khác biệt về quy định ghi nhận giữa chuẩn mực, chế độ kế toán và chính sách thuế. (3) Lập các bảng kê phân tích, so sánh và xác định các khoản chênh lệch đối với khoản doanh thu, thu nhập và chi phí có sự khác biệt giữa ghi nhận và chi phí có sự khác biệt giữa ghi nhận của kế toán với chính sách thuế. (4) Sử dụng thông tin trên các bảng kê phân tích so sánh doanh thu, chi phí để lập các chỉ tiêu điều chỉnh của tờ khai tự quyết toán thuế TNDN và xác định thu nhập chịu thuế TNDN. (Các chỉ tiêu có mã số: B2 - B6 và B8 - B11 trên tờ khai quyết toán thuế TNDN năm)
Về nguyên tắc, khi sử dụng thông tin kế toán để kê khai thuế TNDN có nhiều phương pháp thực hiện khác nhau, trên cơ sở hiểu và vận dụng mối quan hệ giữa chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán với chính sách thuế TNDN hiện hành.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng thông tin kế toán trong kê khai, quyết toán thuế TNDN vẫn còn nhiều hạn chế, có thể khái quát theo bốn dạng như sau:
Một, Nhiều DN không chủ động bóc tách các khoản chi phí chưa có các chứng từ kế toán hợp pháp, hợp lệ chứng minh. Một số khoản chi phí mà các DN thường chậm tập hợp chứng từ hoặc chứng từ không đầy đủ như: Chi phí vận chuyển, ăn ca, tiếp khách, khuyến mại... Theo quy định hiện hành, các chi phí mà DN chưa có đầy đủ chứng từ chứng minh, cần phải được bóc tách để khai điều chỉnh tăng lợi nhuận chịu thuế.
Hai, các DN chưa quan tâm xây dựng các định mức sản xuất kinh doanh chủ yếu liên quan đến sử dụng vật tư, nhiên liệu. Do vậy DN không hạch toán riêng được các chi phí vật tư, nhiên liệu, năng lượng vượt định mức, dẫn đến các chi phí này không được bóc tách và điều chỉnh trên tờ khai quyết toán thuế TNDN.
Ba, đối với các chi phí, theo Luật Thuế TNDN được khấu trừ khi tính thuế một cách hạn chế như: chi phí trang phục của người lao động, chi phí khấu hao của xe ô tô dưới 9 chỗ của các DN không kinh doanh vận tải, du lịch, khách sạn, chi phí lãi vay của cá nhân, chi phí quảng cáo, khuyến mại, chiết khấu thanh toán... DN không mở các sổ chi tiết theo dõi riêng, nên khi kê khai, quyết toán thuế rất khó khăn trong việc bó tách các khoản chi phí vượt mức được trừ khi kê khai thuế TNDN.
Bốn, đối với các khoản doanh thu không chịu thuế TNDN và các khoản doanh thu, thu nhập khác được kê khai tính trước thuế TNDN cũng như các chi phí tương ứng, hầu hết các DN không mở các sổ chi tiết để theo dõi riêng. Vì vậy khi kê khai, quyết toán thuế TNDN rất khó xác định và bóc tách các khoản này để tính đúng thu nhập chịu thuế. Ngoài ra, còn một số trường hợp kế toán ghi nhận các khoản dự phòng nhưng không kê khai điều chỉnh đối với các trường hợp không có đủ căn cứ theo quy định chung, cũng ảnh hưởng đến số liệu quyết toán thuế.
Nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng không đồng nhất, trước hết là do người làm kế toán DN chưa nhận thức đúng về mối tương quan giữa chuẩn mực, chế độ kế toán và chính sách thuế TNDN. Trong thực tế kinh doanh, việc sử dụng hóa đơn, chứng từ kế toán giữa các DN còn tình trạng chậm phát hành hóa đơn trong mua bán hàng hóa, dịch vụ gây ra nhiều khó khăn trong việc tập hợp chứng từ kế toán. Đối với các DN nhỏ và vừa, việc thường xuyên thay đổi nhân viên kế toán cũng dẫn đến quá trình tổng hợp số liệu, chứng từ kế toán để kê khai thuế gặp nhiều khó khăn. Tâm lý chưa sẵn sàng sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp về kế toán và kê khai thuế ở các DN cũng dẫn đến việc kê khai quyết toán thuế còn chậm và nhiều sai sót. Một nguyên nhân khác là do chính sách thuế TNDN hiện hành mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần theo hướng đơn giản hơn, dễ hiểu, dễ áp dựng, song vẫn còn nhiều sự khác biệt không cần thiết với hệ thống chuẩn mực và chế độ kế toán. Đặc biệt, còn tồn tại nhiều khoản chi phí không được trừ do bị giới hạn bởi luật thuế như chi phí khấu hao, chi phí lãi vay, chi phí quảng cáo khuyến mại, hội nghị, tiếp khách...
Sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán và chính sách thuế TNDN là một tất yếu khách quan, không chỉ ở Việt Nam hiện nay, mà ở hầu hết các nước vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Do vậy, Nhà nước cần thừa nhận về mặt pháp lý loại hình kế toán thuế (kế toán phục vụ mục đích tính thuế) với hệ thống sổ kế toán riêng, nhằm tổng hợp thông tin kê khai thuế phù hợp và thuận lợi. Bên cạnh đó, chính sách thuế TNDN cần tiếp tục được hoàn thiện trên tinh thần đơn giản hóa, tiến tới loại trừ các quy định giới hạn các khoản chi phí được trừ. Với việc tăng cường công tác quản lý thuế, việc loại bỏ các giới hạn về chi phí được trừ sẽ không làm giảm nguồn thu chịu thuế ở đơn vị khác).
Đối với các DN, việc hiểu đúng mối quan hệ giữa số liệu kế toán và số liệu kê khai, tính thuế TNDN là rất cần thiết, từ đó chấp nhận một thực tế khách quan là, số liệu kế toán của DN không thể sử dụng trực tiếp cho mục đích thuế mà luôn cần có sự điều chỉnh đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát sinh. Đối với các DN nhỏ và vừa, việc sử dụng các dịch vụ kế toán và tư vấn thuế chuyên nghiệp là cần thiết để nâng cao chất lượng kế toán cũng như công tác kê khai, quyết toán thuế với chi phí ở mức hợp lý./.
(Theo Thuế Nhà nước)

Sẽ xử lý nghiêm các công ty kiểm toán sai phạm


Ông Bùi Văn Mai
(ĐTCK) Từ ngày 2/10 - 1/12, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) tiến hành đợt kiểm tra tình hình hoạt động và chất lượng dịch vụ kiểm toán thường niên 2012.
 Bùi Trang

ĐTCK có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) về những nét mới trong việc kiểm tra năm nay.
Thưa ông, đợt kiểm tra chất lượng dịch vụ và hoạt động của công ty kiểm toán năm 2012 có điểm gì thay đổi so với các năm trước?
Kiểm tra chất lượng dịch vụ và hoạt động công ty kiểm toán là hoạt động thường niên, được tiến hành trong 12 năm nay. Trước kia, Bộ Tài chính tổ chức các đoàn kiểm tra, nhưng từ năm 2007 đến nay, Bộ đã chuyển giao việc kiểm tra này cho Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) thực hiện. Tuy nhiên, năm nay, do yêu cầu mới của Luật Kiểm toán độc lập (có hiệu lực từ 1/1/2012), cuộc kiểm tra năm nay sẽ có những điểm khác biệt cơ bản về chất.
Việc kiểm tra và xử lý vi phạm sau kiểm tra phải được tiến hành một cách kiên quyết, triệt để hơn. Kết quả kiểm tra không chỉ dựa trên kết quả chấm điểm thủ tục, hồ sơ kiểm toán, mà phải dựa trên những xét đoán chuyên môn, đánh giá tổng thể chất lượng dịch vụ để xếp loại chất lượng công ty kiểm toán. Khi phát hiện sai phạm của kiểm toán viên, công ty kiểm toán, đoàn kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch VACPA xử lý (đối với hội viên VACPA) hoặc trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xử lý nhằm tăng tính răn đe, hạn chế sai phạm về sau của kiểm toán viên và công ty kiểm toán.
Được biết, số lượng công ty kiểm toán được kiểm tra năm nay là 15 công ty, chỉ bằng một nửa so với năm 2011. Điều này xuất phát từ lý do gì?
Thông thường, việc kiểm tra thường niên được tiến hành tại 1/3 số công ty kiểm toán đang hoạt động. Tuy nhiên, năm nay, đoàn kiểm tra chỉ làm việc với 15 công ty, do yêu cầu kiểm tra phải chi tiết, kỹ càng hơn để có đủ cơ sở kết luận sai phạm và xử lý sai phạm.
Trong số công ty bị kiểm tra đợt này, có công ty năm ngoái đã bị kiểm tra. Ở số công ty này có điểm gì đáng lưu ý? Việc lựa chọn các công ty kiểm tra dựa trên tiêu chí nào?
Việc kiểm tra được tiến hành luân phiên tại các công ty kiểm toán. Bình quân, cứ sau 3 năm, mỗi công ty kiểm toán lại được kiểm tra lại một lần. Với những công ty kiểm toán có kết quả kiểm tra tốt, có thể sau 4 - 5 năm mới tiến hành kiểm tra lại.
Nhưng với những công ty kiểm toán có kết quả kiểm tra yếu kém trong năm trước, có thể được kiểm tra lại ngay trong năm nay để xem đã khắc phục được những yếu kém, sai sót hay chưa. Nếu việc kiểm tra vẫn không cho kết quả tích cực thì phải có biện pháp mạnh. Rút kinh nghiệm của các năm trước, do không kiểm tra lại ngay trong năm sau nên có công ty chưa kiên quyết chấn chỉnh sai phạm, thậm chí sai phạm kéo dài.
Các công ty được kiểm tra lại trong năm nay chủ yếu có quy mô nhỏ, xét thấy chưa có chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động, hoặc là công ty có những điểm mà cơ quan quản lý thấy cần phải lưu ý, cần kiểm tra ngay để xác định rõ ràng.
Hồi giữa năm nay, VACPA có công văn nhắc nhở sai sót của một số công ty kiểm toán trong việc kiểm toán báo cáo tài chính của công ty niêm yết, công ty đại chúng. Trong kế hoạch kiểm tra năm nay, vấn đề kiểm toán BCTC các công ty niêm yết sẽ được chú trọng ra sao?
Trong quá trình quản lý hội viên và theo dõi hoạt động nghề nghiệp kiểm toán, khi xét thấy hội viên - các công ty kiểm toán có các sai sót, nhất là sai sót trong kiểm toán báo cáo tài chính tổ chức niêm yết, VACPA đã có công văn nhắc nhở để công ty khắc phục, hoặc đưa ra thảo luận trên các diễn đàn chuyên môn để hội viên rút kinh nghiệm.
Trong kế hoạch kiểm tra năm 2012, cũng có 3 công ty kiểm toán trong danh sách công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán tổ chức niêm yết. Chúng tôi đã mời đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tham gia kiểm tra các công ty này.
(Theo ĐTCK  - số 122)

20 năm Ernst & Young Việt Nam: Hành trình tạo dựng niềm tin


 
(ĐTCK) Ernst & Young là hãng kiểm toán và tư vấn quốc tế đầu tiên đến thị trường Việt Nam năm 1989 và chính thức được cấp phép thành lập Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam vào ngày 3/11/1992.

Vai trò tiên phong
Tại thời điểm đó, ngành kiểm toán độc lập của Việt Nam còn rất sơ khởi. Nhận thức về kiểm toán độc lập và hệ thống văn bản pháp lý về hoạt động này chưa hình thành, tạo ra nhiều thách thức và rào cản cho những DN kiểm toán, đặc biệt là với một DN nước ngoài, bởi kiểm toán vốn là lĩnh vực có nhiều yếu tố nhạy cảm.
“Quyết định đầu tư vào một lĩnh vực còn rất mới mẻ lúc bấy giờ là một quyết định táo bạo. Tuy vậy, tiềm năng phát triển của ngành và của thị trường tại Việt Nam là rất lớn. Với tầm nhìn ấy, chúng tôi quyết tâm vượt qua những thách thức để gây dựng niềm tin cho thị trường bằng chất lượng, sự trung thực và liêm chính”, ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Ernst & Young ViệtNam chia sẻ.
Kể từ khi thành lập, Ernst & Young Việt Nam đã không ngừng đầu tư và liên tục có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các công ty kiểm toán và tư vấn tại Việt Nam về cả doanh thu, thị phần và nguồn nhân lực. Từ 10 nhân viên trong buổi đầu thành lập, hiện nay, với hơn 900 nhân viên có trình độ và sự chuyên nghiệp cao, Ernst & Young Việt Nam đang phục vụ gần 1.100 khách hàng mỗi năm và liên tục có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu trên 2 chữ số. Theo thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), năm 2011, Ernst & Young Việt Nam dẫn đầu thị trường về doanh thu dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính và là một trong những DN có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất trong 152 DN kiểm toán tại Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu thay đổi và thích ứng của DN với các yêu cầu của thị trường, cũng như của các nhà quản lý trong môi trường kinh doanh đầy biến động và đang ngày càng hội nhập với thị trường quốc tế, Ernst & Young Việt Nam đã không ngừng đưa ra các dịch vụ mới. Ernst & Young Việt Nam hiện đang cung cấp gần 80 dịch vụ, bao gồm 17 dịch vụ kiểm toán, 13 dịch vụ tư vấn DN, 35 dịch vụ thuế và tư vấn thuế, 12 dịch vụ tư vấn giao dịch tài chính và nhiều dịch vụ chuyên ngành khác.
Dẫn đầu bằng sức mạnh toàn cầu và am hiểu Việt Nam

Ernst & Young Việt Nam là thành viên của mạng lưới Ernst & Young toàn cầu, gồm hệ thống công ty thành viên tại hơn 140 quốc gia trên thế giới, với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp lên đến 167.000 người.
Năm 2008, Ernst & Young Việt Nam trở thành thành viên trực thuộc khu vực Viễn Đông và năm 2010 tiếp tục hội nhập sâu hơn và trở thành thành viên của một khu vực rộng lớn hơn: Khu vực châu Á -Thái Bình Dương, bao gồm Ernst & Young tại 21 quốc gia với hơn 29.000 nhân viên chuyên nghiệp, hoạt động và vận hành trên cùng một hệ thống, với một tầm nhìn, giá trị và chiến lược thống nhất.
Ông Trần Đình Cường cho biết: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tận dụng những lợi thế và nguồn lực của một công ty toàn cầu, khẳng định và phát huy những giá trị về con người và văn hóa DN, đẩy mạnh chiến lược Nhân lực là ưu tiên hàng đầu (People first), đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo và tập huấn theo chuẩn mực quốc tế”.
Cùng với nhiều chương trình tập huấn chuyên môn nghề nghiệp được tổ chức thường xuyên ở cả trong nước và nước ngoài, cũng như các chương trình trao đổi nhân viên quốc tế được thực hiện xuyên suốt trong 20 năm hoạt động, Ernst & Young Việt Nam không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn và sự chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân sự. Nhiều chuyên viên Việt Nam đã được tham gia làm việc, học tập, tích lũy kinh nghiệm thực tế tại các quốc gia mà ngành kiểm toán đã phát triển ở trình độ cao như Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Australia, Singapore.
Ernst & Young Việt Nam cũng là một trong những công ty kiểm toán tiên phong thực hiện  ký kết thỏa thuận hợp tác với cơ quan nhà nước, triển khai thực hiện nhiều hoạt động hợp tác, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nhân sự ngành kiểm toán, tài chính, nâng cao năng lực quản trị của DN, đồng thời đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý và đầu tư của Việt Nam.
Năm 2011, Ernst & Young Việt Nam lần đầu tiên phối hợp với VCCI tổ chức thành công giải thưởng “Ernst & Young Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp”, tôn vinh xứng đáng các doanh nhân hàng đầu của Việt Nam, mở ra các cơ hội giao lưu và kết nối doanh nhân trên phạm vi quốc tế, hỗ trợ doanh nhân Việt vươn tới những chuẩn mực toàn cầu.
Ông James S.Turley, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc toàn cầu của Ernst & Young trong chuyến thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Ernst & Young Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng: “Mở rộng hoạt động tại các thị trường mới nổi như Việt Nam dựa trên sự am hiểu thị trường và mối quan hệ vững mạnh với đối tác và khách hàng là trọng tâm trong chiến lược toàn cầu của chúng tôi. Chúng tôi đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào các thị trường khác nhau, trong đó phần lớn là đầu tư vào các thị trường mới nổi. Việc đầu tư này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Với vị thế là 1 trong 3 thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á -Thái Bình Dương, chúng tôi tin tưởng vào tương lai phát triển của Ernst & Young cũng như các đối tác của chúng tôi tại Việt Nam và sẽ tiếp tục cam kết cung cấp những dịch vụ có chất lượng cao nhất để hỗ trợ các đối tác và cộng đồng phát huy tối đa tiềm năng và vươn tới thành công”./.

(Theo ĐTCK)

Bán khống: Cần định nghĩa rõ ràng hơn

Bán khống hiện là hoạt động vi phạm pháp luật, nhưng để ngăn chặn hiện tượng này, việc đầu tiên mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần làm là làm rõ khái niệm bán khống và tạo sự đồng thuận trên toàn thị trường về khái niệm bán khống.
Hoàng Anh
T
rước hiện tượng CTCK TP. HCM (HSC) bị xử phạt về tội để cho nhân viên thực hiện hành vi bán khống, có một luồng dư luận đặt câu hỏi rằng, nhà đầu tư có nhu cầu vay mượn chứng khoán để bán là bán khống có hợp lý hay không?
Tổng giám đốc một CTCK tại Hà Nội cho biết, ngày 12/10 vừa qua, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) đã có buổi làm việc với các CTCK thành viên để thống nhất một số nội dung kiến nghị UBCK trong đó có nội dung dung "bán khống". VASB và các thành viên trên thị trường cho rằng, trước hết, khái niệm bán khống hiểu chính xác phải là bán những thứ không có, hoặc biến không thành có. Hành vi này chính là tác nhân gây bất ổn và ảnh hưởng xấu đến thị trường, cơ quan quản lý cần phối hợp với cơ quan pháp luật để phát hiện sai phạm, để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động "mượn" chứng khoán của nhau để mua bán trên thị trường, theo một số CTCK, lâu nay vẫn được hiểu là bán "khống" là chưa chuẩn xác. Những người theo quan điểm này cho rằng, chứng khoán cũng là tài sản. Khi nhà đầu tư mua chứng khoán, họ có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt chứng khoán đó. Trong trường hợp họ và một đối tác có thỏa thuận dân sự về việc vay mượn chứng khoán để giao dịch khiến lệnh bán vẫn được thực hiện từ chủ tài khoản có đủ cổ phiếu để bán thì về lý, rất khó để quy người bán vào tội bán "khống".
Lãnh đạo nhiều CTCK cho rằng, cơ quan quản lý cần nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay chứng khoán để nhà đầu tư có cơ sở áp dụng, bởi xét ở khía cạnh thị trường, đây là nhu cầu có thật của nhà đầu tư và hai bên đã có sự thống nhất, quyền lợi giữa họ được thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện.
UBCK đã có văn bản cấm hoạt động bán khống. VASB cũng có công văn đề nghị ngăn chặn việc bán khống chứng khoán, nhưng đâu đó, hoạt động này vẫn âm thầm tái diễn. Trường hợp hai nhân viên môi giới của HSC bị xử phạt vì tội đã cho khách hàng mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng để bán chỉ là hiện tượng "xử điểm". Theo nhiều nhà đầu tư, rất nhiều CTCK có "kho hàng" để phục vụ họ khi có nhu cầu, thậm chí đây được coi là một trong những "chiêu" để CTCK câu khách, giữ khách. Tuy nhiên, cung cấp dịch vụ này, ranh giới giữa đúng luật và sai luật là quá mong manh.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc thị trường nhiều biến động như hiện nay, người hành nghề cần đề cao đạo đức nghề nghiệp, đối với những trường hợp nhân viên môi giới lạm dụng tài khoản nhà đầu tư để phục vụ vào mục đích của cá nhân hay CTCK thì phải được xử lý thật nặng, thậm chí cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đối với hành vi kết nối nhu cầu vay mượn chứng khoán, tiền giữa các nhà đầu tư khi họ có nhu cầu, các thành viên thị trường đang rất cần một quy định rõ ràng về ranh giới pháp lý được làm và không được làm từ nhà quản lý.
Về cuộc họp với các thành viên, VASB cho biết, cuộc họp này chỉ trong khuôn khổ các thành viên của Hiệp hội để nghe ý kiến các CTCK và thống nhất về quan điểm trước khi trình UBCK. VASB vẫn giữ quan điểm nói KHÔNG với bán khống, nhưng phải hiểu đúng bản chất của bán khống, trên cơ sở tôn trọng các nhu cầu thực tế từ thị trường.

(Theo TTCK)

Monday, 8 October 2012

BDO VIỆT NAM CHẤM DỨT KHÔNG LÀ THÀNH VIÊN CỦA HÃNG BDO QUỐC TẾ


Sau hơn 10 năm trở thành thành viên chính thức của hệ thống BDO quốc tế kể từ năm 2011, ngày 30/9/2012 công ty TNHH BDO Việt Nam đã chấm dứt thôi không là thành viên của hãng BDO quốc tế.
Theo tin từ BDO Việt Nam (tiền thân là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn TCKT –AFC, có trụ sở chính tại Tp. Hồ Chí Minh, 1 chi nhánh tại Hà Nội, 1 chi nhánh tại Cần Thơ với số lượng 30 KTV đăng ký hành nghề tính đến 14.9.2012) đã được sự hỗ trợ rất nhiều từ hệ thống BDO quốc tế để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh và qui mô của công ty và ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, với chiến lược phát triển riêng của mỗi bên trong giai đoạn sắp tới, BDO Việt Nam và BDO quốc tế đã thông nhất chấm dứt thành viên. Hiện BDO Việt Nam đang tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên, xây dựng website, hệ thống thư điện tử giao dịch mới và sẽ chính thức thông báo tới cơ quan Nhà nước, Quý khách hàng, và các bên liên quan.
(Theo VACPA)

Popular Posts