Wednesday, 25 July 2012

Đôi điều cần lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính của công ty niêm yết

N

ăm 2011 là năm mà các doanh nghiệp trên thế giới cũng như Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Khủng hoảng kinh tế tại Mỹ và khủng hoảng nợ công Châu Âu, lạm phát tăng kéo theo lãi suất ngân hàng tăng cao, cắt giảm đầu tư công cũng như cắt giảm chi tiêu trong toàn bộ nền kinh tế khiến cho chi phí của doanh nghiệp tăng mạnh, nhưng doanh thu thì sụt giảm. Trong khi đó, sức ép đối với các doanh nghiệp niêm yết để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch là rất lớn. Trong giai đoạn kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp niêm yết có thể sẽ vận dụng rất nhiều các thủ thuật kế toán để “đánh bóng” báo cáo tài chính và “thổi phồng” lợi nhuận nhằm giữ giá cổ phiếu, tránh sức ép của cổ đông, hoặc nhằm thu hút thêm nhiều cổ đông để tăng nguồn vốn chống đỡ lại những cơn sóng gió của khó khăn tài chính…Trước những gian lận, thủ thuật kế toán ngày càng tinh vi, khi kiểm toán, các kiểm toán viên (KTV) cần phải lưu ý để có thể phát hiện những gian lận và giảm thiểu rủi ro kiểm toán, đảm bảo tin cậy cho công chúng về các thông tin sau kiểm toán. Đây là một vấn đề không đơn giản. Bài viết này chỉ xin trình bày đôi điều cần lưu ý khi kiểm toán Báo cáo tài chính của công ty niêm yết” xuất phát từ những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính này.

Đầu tiên, cần thận trọng xem xét trường hợp công ty niêm yết phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Bởi lẽ khác với các công ty chưa niêm yết, cổ phiếu của công ty niêm yết được mua bán tự do trên thị trường. Và nếu có bất cứ gian lận hoặc sai sót gì trong việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn mà không bị phát hiện thì nhà đầu tư là người phải gánh chịu thiệt hại khi mua những cổ phiếu này. Vấn đề sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng nếu công ty niêm yết tăng vốn “khống”, tăng vốn mà không hề tăng tài sản tương ứng đi kèm bởi khi đó cổ phiếu phát hành thêm không hề có giá trị thực và chẳng qua cũng chỉ là giấy lộn. Để kiểm soát được vấn đề này, KTV cần làm rõ số vốn tăng lên đó hiện đang thể hiện chủ yếu ở những chỉ tiêu nào bên phần tài sản và phải đảm bảo được tính có thực cũng như giá trị của những tài sản này. Nếu tăng vốn tương ứng với tăng tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản cố định… thì sẽ đơn giản cho việc kiểm tra và xác nhận. Tuy nhiên khi việc tăng vốn lại tương ứng với việc tăng một loại tài sản “nhạy cảm” như tiền mặt, phải thu khác, hoặc đầu tư tài chính thì KTV cần phải hết sức thận trọng thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán, thậm chí là cảnh giác với các gian lận có thể xảy ra khi kiểm toán các khoản mục này. Ví dụ, tăng vốn góp bằng tiền mặt nhưng ngay lập tức lại chuyển tiền cho các đối tác để thực hiện dự án và treo thành khoản phải thu khác. Thông thường những khoản nợ kiểu này bao giờ cũng có đầy đủ biên bản đối chiếu và xác nhận công nợ. Đây là một trong những điểm mà KTV cần chú ý, bởi lẽ việc lấy thông tin xác nhận hay đối chiếu công nợ đó, đơn vị được kiểm toán hoàn toàn có thể “đạo diễn” từ những công ty vệ tinh của họ. Còn trên thực tế thì dự án, hay các công trình đó như thế nào? Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ở đó ra sao? Tiến độ thực hiện như thế nào? Hay chỉ là dự án trên giấy? Nếu chúng ta không chú ý tới thông tin này thì nhà đầu tư có thể bị đánh lừa về giá trị tài sản của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định đầu tư có thể rất rủi ro. Như vậy, với số dư phải thu khác quá lớn, KTV cần phải làm rõ mục đích chuyển tiền cho các đối tác là gì, có hợp lý hay không vì thông thường ít khi nào một công ty có thể chuyển các khoản tiền lớn cho đối tác chỉ với lý do chung chung là để thực hiện dự án ABC nào đó khi dự án chưa có dấu hiệu tiến triển gì vì nếu khả quan, khoản tiền kia đã được trình bày trên một khoản mục khác chứ không còn là phải thu khác nữa.

Thứ hai, về các khoản đầu tư tài chính. Trên báo cáo tài chính của các công ty chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều các khoản đầu tư tài chính là đầu tư vào cổ phiếu (hay đầu tư góp vốn). Nếu cổ phiếu được đầu tư là cổ phiếu đã niêm yết thì vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn vì cổ phiếu có giá giao dịch tương đối rõ ràng và báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được đầu tư thì đã kiểm toán và được công bố. Vậy với cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết thì sao? Vấn đề là chúng ta cần xem xét liệu có cần phải lập dự phòng cho sự giảm giá của các khoản đầu tư không. Nếu các khoản đầu tư được xếp vào loại đầu tư thương mại ngắn hạn thì việc lập dự phòng sẽ căn cứ vào giá giao dịch thực tế của cổ phiếu. Nhưng tính đến thời điểm này thì chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá giao dịch cho cổ phiếu chưa niêm yết như thế nào. Văn bản gần đây nhất là Công văn số 322/UBCK-QLPH ngày 04 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban chứng khoán nhà nước cũng chỉ nói rằng trong khi chờ văn bản hướng dẫn, trường hợp chưa có giá tham chiếu để làm cơ sở trích lập dự phòng, các công ty kiểm toán cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, xem xét giá tham khảo từ các nguồn tin cậy (báo chí, thông tin trên thị trường) và giá trị sổ sách để làm giá trị tham khảo và nêu rõ trong báo cáo tài chính kiểm toán. Như vậy hướng dẫn về vấn đề này còn khá mơ hồ và thường cái gì còn mơ hồ thì cũng rất dễ rủi ro vì mang nặng cảm tính. Nhưng vấn đề cần quan tâm hơn lại là khi các khoản đầu tư tài chính này được xếp vào đầu tư dài hạn. Như chúng ta đã biết, việc lập dự phòng hay không đối với các khoản đầu tư dài hạn được căn cứ vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp được đầu tư, nếu lỗ và làm vốn chủ nhỏ hơn vốn góp thì dự phòng sẽ được trích lập. Do vậy lập dự phòng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin tài chính từ doanh nghiệp được đầu tư. Vậy trong quá trình kiểm toán, KTV đã thực hiện những thủ tục đánh giá về tình hình tài chính của doanh nghiệp được đầu tư chưa và nếu chưa thì khi giá trị các khoản đầu tư tài chính là lớn và trọng yếu thì KTV đã đưa ra ý kiến gì trong trường hợp này.

Thứ ba, cần lưu ý nếu các công ty niêm yết tham gia các hợp đồng Ủy thác đầu tư hay đầu tư ủy thác, trong đó công ty niêm yết có thể là bên nhận ủy thác hoặc bên đi ủy thác. Vấn đề cần quan tâm ở đây là tính chặt chẽ trong các điều khoản của hợp đồng. Bởi trong nhiều trường hợp, hợp đồng được ký kết chủ yếu để nhằm một mục đích khác chứ không phải mục đích ủy thác đầu tư đích thực. Ví dụ có thể bản thân công ty niêm yết theo luật không được thực hiện một hoạt động kinh doanh nào đó nên đã chuyển vốn cho công ty khác thực hiện thông qua cái gọi là "Hợp đồng ủy thác đầu tư", hoặc các công ty tài chính thì không được phép huy động tiền gửi không kỳ hạn nên đã huy động thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư, hoặc đơn giản chỉ là sự chuyển vốn qua lại giữa các công ty trong cùng một tập đoàn. Chính vì chỉ là ngụy trang nên các hợp đồng này thường không chặt chẽ, có khi chỉ quy định ngắn gọn rằng bên A ủy thác cho bên B đầu tư một số vốn trong một thời gian cụ thể và bên B có trách nhiệm trả một mức lãi cố định cho bên A mà không hề có điều khoản nào quy định về việc nếu khoản đầu tư không sinh lời thì có phải trả lãi cố định không, nếu thua lỗ làm mất vốn thì thiệt hại tính cho bên nào. Chính vì những quy định hời hợt và lỏng lẻo đó mà việc ghi nhận và trình bày các vấn đề liên quan đến hợp đồng trên là không thể thực hiện. Bởi lẽ nếu đúng theo bản chất hợp đồng ủy thác, thua lỗ sẽ thuộc về bên ủy thác thì tại bên ủy thác sẽ phải xem xét cụ thể khoản vốn kia đã được đầu tư (cho vay hay góp vốn) vào đâu, từ đó đánh giá tình hình tài chính tại nơi nhận đầu tư để ước tính những rủi ro có thể có đối với số vốn đem đi ủy thác, còn đối với bên nhận ủy thác thì chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc ghi nhận trường hợp nhận ủy thác này nhưng hợp lý hơn cả là theo dõi ngoại bảng cả với khoản nhận ủy thác và khoản đem đầu tư hộ (ủy thác). Còn nếu hợp đồng quy định thua lỗ thuộc về bên nhận ủy thác thì lúc này, đối với bên ủy thác đây được xem là khoản cho vay với lãi suất cố định và rủi ro đối với khoản đầu tư này phụ thuộc vào khả năng trả nợ của bên nhận ủy thác, còn đối với bên nhận ủy thác đây được xem là khoản vay trả lãi cố định để lấy tiền đi đầu tư. Các quy định khác nhau của hợp đồng sẽ dẫn tới cách ghi nhận, đánh giá và trình bày rất khác nhau vì vậy nếu hợp đồng không có những điều khoản quy định chặt chẽ thì KTV không thể có căn cứ để đánh giá về việc ghi nhận và trình bày của các công ty.

*********

T

rên đây là một số điểm chúng tôi đề cập để các KTV lưu ý khi tiến hành kiểm toán công ty niêm yết. Thực tế còn vô số những thủ thuật kế toán có thể được thực hiện để làm đẹp báo cáo tài chính sao cho có lợi nhất đối các doanh nghiệp niêm yết. Nhưng điều quan trọng là các KTV phải luôn tìm hiểu bản chất của các chỉ tiêu được thể hiện trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp đó là gì, trên thực tế giá trị thực sự của nó ra sao, có phản ánh đúng năng lực tài chính và năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay không. Hay nói cách khác các KTV cần tôn trọng thái độ hoài nghi nghề nghiệp để có thể tiến hành các thủ tục kiểm toán cho phù hợp và giảm thiểu rủi ro kiểm toán ở mức thấp nhất./.

(Theo Tạp chí kiểm toán)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts