Friday, 20 July 2012

Kết quả kiểm toán tại các DNNN : Hiệu quả đầu tư thấp

Kiểm toán nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán tại các DNNN và các tổ chức tài chính ngân hàng. Các số liệu cho thấy việc kinh doanh tại các DN này đang có nhiều bất ổn.
Tính đến ngày 31/12/2010, tổng nợ phải thu của 21 tập đoàn, TCty lên tới 56.656 tỉ đồng, trong đó nợ phải thu trên tổng tài sản là 9,7% và trên vốn chủ sở hữu là 36,09%. Theo đại diện Kiểm toán nhà nước là do chưa có biện pháp thu hồi nợ hiệu quả và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Sống nhờ vào vốn vay

Theo báo cáo, tại rất nhiều DNNN, tỉ lệ vốn bị chiếm dụng cao, trong đó phải kể đến nợ phải thu trên tổng tài sản của TCty Xây dưng Trường Sơn là 50,88%, TCty Xây dựng đường thuỷ 37,58%, TCty cơ điện xây dựng nông nghiệp và thuỷ lợi 31,13%, tập đoàn HUD 22,73%...

Các DN này còn tồn tại rất nhiều vấn đề như nợ quá hạn và khó đòi phát sinh lớn, việc xác định, kiểm kê sản phẩm dở dang, nguyên nhiên liệu xuất dùng và tồn kho chưa chính xác... Việc này phổ biến ở TCty xây dựng đường thuỷ, Cty TNHH NN MTV Diesel Sông Công, Cty CP đầu tư xây dựng và lắp máy TMC...
Theo kết luận của Kiểm toán nhà nước, mặc dù tỉ lệ đầu tư tài chính so với tổng vốn tài sản, vốn điều lệ của các DN không lớn nhưng đa số các tập đoàn, TCty có hoạt động đầu tư ngoài ngành nên đã phần nào ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính và nhiệm vụ nhà nước giao. Điển hình của việc này là Vinaline với 672 tỉ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ; tập đoàn TKV với 1.828,8 tỉ đồng, bằng 12,09% vốn điều lệ, tập đoàn EVN với 4.551,4 tỉ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ...

Nhiều DN do kinh nghiệm quản trị kém và ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế nên hoạt động đầu tư hiệu quả thấp, thua lỗ. Dẫn chứng cụ thể về vấn đề này phải kể tới tập đoàn TKV, tỉ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản là 7,94%, cơ khí đóng tàu là 4,61%; hay như trường hợp EVN, tỉ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản 7,83%, hoạt động viễn thông lỗ 1.057 tỉ đồng...

Không chỉ có vậy, 11/21 tập đoàn, TCty hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay, trong đó một số DN có hệ số nợ phải trả trên cả vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao nên dễ gặp phải nguy cơ mất cân đối tài chính. Trong số này phải kể tới TCty Xây dựng Trường Sơn 9,19 lần, TCty Xây dựng và phát triển hạ tầng 4,79 lần, Vinaline 3,12 lần, EVN 3,83 lần... Thậm chí có DN huy động và sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất cân đối lớn về nguồn vốn.

Báo cáo của Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra rằng, đa số các DN kê khai thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước chưa đầy đủ. Số thuế và các khoản còn phải nộp ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2010 của các tập đoàn, TCty được kiểm toán là 7.579 tỉ đồng, trong đó kiểm toán kiến nghị tăng thêm 547 tỉ đồng.

Nhà nước thất thu

Ông Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước cho biết, hiện nay, các tập đoàn, TCty đang quản lý và sử dụng một số lượng lớn diện tích đất đai và tài nguyên, chỉ tính vài tập đoàn mà con số đã lên tới hàng trăm ngàn m2, chẳng hạn HUD sở hữu 31.114 m2, TCty Xây dựng đường thủy 179.265 m2, TCty 15 – BQP 321.219 m2, Vinaline 5.729 m2... Song trên thực tế, nhiều diện tích chưa được các địa phương ký hợp đồng cho thuê hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến việc ngân sách nhà nước bị thất thu tiền sử dụng, cho thuê đất. Cũng theo ông Dũng, không chỉ công tác quản lý đất tại nhiều DN còn yếu kém mà còn không kiểm soát tốt tài nguyên, khoán sản được giao, ông này dẫn chứng, ngay ở tập đoàn TKV, Cty TNHH MTV Than Uông Bí hợp tác kinh doanh với Cty PT Vietmindo Energitama (Indonesia) sản lượng than khai thác thực tế là 2010 742.500 tấn vượt 242.500 tấn/năm so với sản lượng được phép khai thác...

Mặc dù ngay tại buổi công bố, ông Lê Minh Khái - Phó Tổng kiểm toán nhà nước đã lưu ý: Đây là những số liệu kiểm toán cách đây gần 2 năm nên có thể đã lạc hậu! Song, với những gì mà kiểm toán công bố vẫn là những lời cảnh báo quan trọng đối với các tập đoàn, TCty nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh như hiện nay.

(Theo DDDN)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts