Wednesday, 18 April 2012

Nội dung cơ bản của Nghị định số 17 /NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật kiểm toán độc lập (Phần 1)

TS. Hà Thị Ngọc Hà

Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán

Bộ Tài chính

Bà Hà Thị Ngọc Hà

I. Sự cần thiết ban hành Nghị định số 17

Ngày 13/3/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 17/NĐ-CP ngày 13/3/2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập (Sau đây gọi tắt là NĐ số 17).

Luật kiểm toán độc lập (Luật KTĐL) đã được Quốc hội Khoá XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Bên cạnh những nội dung được quy định cụ thể, Luật KTĐL có các điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết (tại Điều 12, Điều 21, Điều 36, Điều 50) và một số nội dung khác để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định tại Điều 64 của Luật KTĐL. Vì vậy, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KTĐL là cần thiết, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và đưa Luật KTĐL đi vào thực hiện.

II. Nội dung chủ yếu của Nghị định số 17

Nghị định số 17 gồm 3 Chương và 24 Điều, với nhiều nội dung đổi mới nhằm góp phần tăng cường quy mô và chất lượng hoạt động toàn ngành kiểm toán độc lập thông qua việc quy định rõ các nội dung quan trọng như: Các công việc mà tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán được làm (Chính phủ, Bộ Tài chính quy định cụ thể để đảm bảo thực hiện nguyên tắc quản lý hoạt động kiểm toán độc lập có sự kết hợp giữa cơ quan nhà nước và tổ chức hội nghề nghiệp; Quy định chặt chẽ hơn điều kiện thành lập và hoạt động của DNKT, đặc biệt là yêu cầu về vốn pháp định, vốn góp của kiểm toán viên hành nghề, thành viên là tổ chức vào công ty TNHH hai thành viên trở lên; vốn tổi thiểu với DNKT nước ngoài có thành lập chi nhánh tại Việt Nam và vốn được cấp của chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam; Quy định rõ các trường hợp DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện kiểm toán để đảm bảo tính độc lập của DNKT và KTV hành nghề với đơn vị được kiểm toán; Bổ sung thêm hai đối tượng phải kiểm toán BCTC để góp phần tăng cường quy mô hoạt động kiểm toán và minh bạch BCTC; Quy định về lưu trữ sử dụng và tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán với các nội dung chủ yếu như sau:

Thứ nhất, về tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán

Điều 12 Luật KTĐL quy định "Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán được bồi dưỡng kiến thức cho kiểm toán viên (KTV), KTV hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động KTĐL do Chính phủ quy định".

Nghị định Số 17 (Điều 4) quy định chi tiết một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động KTĐL mà hiện nay tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán đã và đang triển khai thực hiện theo uỷ quyền của Bộ Tài chính (Bộ TC), đó là: (1) Bồi dưỡng kiến thức cho KTV, KTV hành nghề ; (2) Thực hiện nghiên cứu, soạn thảo, cập nhật hệ thống Chuẩn mực kiểm toán (CMKT) Việt Nam trên cơ sở hệ thống CMKT quốc tế theo quy trình xây dựng, ban hành và công bố CMKT Việt Nam, trình Bộ trưởng Bộ TC ban hành; (3) Tham gia tổ chức thi KTV; (4) Phối hợp với Bộ TC thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán. Nghị định cũng quy định Bộ TC hướng dẫn cụ thể về điều kiện, cách thức, chế độ báo cáo và giám sát các hoạt động của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.

Thứ hai, về vốn pháp định của Công ty TNHH

Điều 21 Luật KTĐL quy định một trong các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho công ty TNHH là phải đảm bảo vốn pháp định theo quy định của Chính phủ.

Nghị định số 17 (Điều 5) quy định vốn pháp định của công ty TNHH là 3 tỷ đồng Việt Nam, từ ngày 01/01/2015, vốn pháp định là 5 tỷ đồng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, công ty TNHH phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán (BCĐKT) không thấp hơn mức vốn pháp định. DNKT phải bổ sung vốn nếu vốn chủ sở hữu trên BCĐKT thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định trong thời gian 03 (ba) tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Cơ sở để đưa ra mức vốn pháp định này là:

- Cơ chế hiện hành không quy định mức vốn điều lệ đối với doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) và trên thực tế các DNKT đang hoạt động Việt Nam có quy mô về vốn rất khác nhau, đa số (hơn 80%) các DNKT có mức vốn trên dưới 1 tỷ đồng. Đối với DNKT thực hiện kinh doanh dịch vụ không cần mức vốn quá cao, tuy nhiên với mức vốn điều lệ của các DNKT hiện nay thì mức vốn này là thấp, không thể thực hiện trách nhiệm pháp lý khi xảy ra nghĩa vụ bồi thường khi có sai sót. Vì vậy cần phải quy định một mức vốn pháp định phù hợp với thực tế và yêu cầu nâng cao chất lượng và nghĩa vụ của DNKT.

- Kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở Châu Á, cũng có quy định về vốn đối với DNKT (Trung Quốc là 300.000 nhân dân tệ - tương đương khoảng 900 triệu đồng, Hàn Quốc là 500 triệu Won – tương đương khoảng 10 tỷ đồng, Singapore là 50.000 đô la Singapore – tương đương khoảng 700 triệu đồng). Mặc dù mức vốn quy định tại các quốc gia là khác nhau nhưng trung bình tương đương khoảng 3-4 tỷ đồng. Ngoài quy định về vốn, các quốc gia cũng có yêu cầu bắt buộc về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với DNKT và KTV hành nghề như Trung Quốc, Singapore... Tuy nhiên pháp luật của Việt Nam chưa quy định bắt buộc DNKT phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Quy định về mức vốn pháp định không chỉ áp dụng cho loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên mà quy định chung cho loại hình công ty TNHH bao gồm cả công ty TNHH kiểm toán 1 thành viên có vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty TNHH 1 thành viên có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện yêu cầu về vốn pháp định theo quy định của Nghị định số 17 chỉ còn một số công ty đã thành lập và hoạt động trước khi Luật KTĐL có hiệu lực thì vẫn tiếp tục được phép hoạt động theo hình thức Công ty TNHH 1 thành viên đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư (theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật KTĐL). Quy định này sẽ giúp cho việc thực hiện nghĩa vụ của các DNKT này khi xảy ra rủi ro kiểm toán và bình đẳng với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

Vì vậy, Nghị định số 17 quy định vốn pháp định của công ty TNHH tối thiểu là 3 tỷ đồng Việt Nam và lộ trình hướng đến 01/01/2015 vốn pháp định tối thiểu là 5 tỷ đồng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, các công ty TNHH phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên BCĐKT không thấp hơn mức vốn pháp định. Quy định này đòi hỏi các DNKT phải rất cẩn trọng khi cung cấp dịch vụ kiểm toán cho xã hội.

Thứ ba, về thành viên là tổ chức vào công ty TNHH hai thành viên trở lên

Nghị định số 17 quy định: (1) Thành viên là tổ chức được góp tối đa 35% vốn điều lệ của công ty TNHH kiểm toán hai thành viên trở lên, nếu có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng số vốn góp của các tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ; (2) Thành viên là tổ chức phải cử một người làm đại diện cho tổ chức vào Hội đồng thành viên. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là KTV và phải đăng ký hành nghề tại DNKT mà tổ chức tham gia góp vốn; (3) KTV hành nghề là người đại diện của thành viên là tổ chức không được tham gia góp vốn vào DNKT đó với tư cách cá nhân.

Quy định này dựa trên quy định tại Điều 52 Luật doanh nghiệp, theo đó quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua khi được đại diện số phiếu ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp. Do vậy, các thành viên là cá nhân phải chiếm ít nhất 65% vốn để có thể thông qua quyết định của Hội đồng thành viên mà không bị ảnh hưởng bởi tổ chức tham gia góp vốn.

Việc khống chế tỷ lệ tối đa bằng 35% nhằm hạn chế việc lợi dụng tỷ lệ vốn góp lớn để chi phối điều lệ, chính sách tài chính và hoạt động của DNKT. Việc chi phối này có thể dẫn đến việc DNKT và KTV hành nghề có thể không đảm bảo chất lượng dịch vụ, không tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp nếu muốn tối đa hoá lợi nhuận....

Thứ tư, về mức vốn góp của KTV hành nghề vào công ty TNHH hai thành viên trở lên

KTĐL là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để đảm bảo hoạt động nghề nghiệp của DNKT, cần đảm bảo quyền chi phối điều lệ, chính sách tài chính và hoạt động của DNKT phải thuộc về các KTV hành nghề. Đối với mô hình công ty hợp danh, Luật KTĐL đã quy định phải có ít nhất 2 thành viên hợp danh là KTV hành nghề. Đối với doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải là KTV hành nghề. Đối với loại hình công ty TNHH, Luật KTĐL cũng đã quy định phải có ít nhất 2 thành viên là KTV hành nghề nhưng lại chưa quy định về tỷ lệ vốn tối thiểu của KTV hành nghề. Do vậy chưa đảm bảo được quyền chi phối chính sách tài chính và hoạt động của DNKT phải thuộc về KTV hành nghề. Vì vậy, Điều 7 Nghị định số 17 quy định: (1) Công ty TNHH kiểm toán phải có ít nhất hai thành viên góp vốn là KTV đăng ký hành nghề tại công ty. Vốn góp của các KTV hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ công ty; (2) KTV hành nghề không được đồng thời là thành viên góp vốn của hai DNKT trở lên.

Quy định này có dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, như ở Nga yêu cầu 51% vốn điều lệ của DNKT phải thuộc về các KTV. Quy định về KTV hành nghề không được đồng thời là thành viên góp vốn của hai DNKT trở lên để đảm bảo tính độc lập và bảo mật thông tin của DNKT vì nếu cho phép KTV hành nghề góp vốn vào nhiều DNKT thì sẽ xảy ra trường hợp KTV đăng ký hành nghề ở một DNKT nhưng lại tham gia góp vốn vào nhiều DNKT khác và có thể chi phối chính sách tài chính và hoạt động của DNKT này, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNKT.

Thứ năm, về vốn tối thiểu đối với DNKT nước ngoài có thành lập chi nhánh tại Việt Nam và vốn được cấp của chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam:

Nghị định 17 (Điều 8) quy định: (1) DNKT nước ngoài đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn chủ sở hữu trên BCĐKT tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất với thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh tối thiểu tương đương 500.000 đô la Mỹ, đồng thời vốn được cấp của chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam không thấp hơn mức vốn pháp định đối với công ty TNHH trong nước (3 tỷ đồng Việt Nam và lộ trình đến 01/01/2015 là 5 tỷ đồng Việt Nam). (2) Trong quá trình hoạt động DNKT nước ngoài phải duy trì vốn chủ sở hữu trên BCĐKT và vốn được cấp của chi nhánh tại Việt Nam không thấp hơn vốn quy định như đã nêu tại mục (1). DNKT nước ngoài, chi nhánh DNKT nước ngoài phải bổ sung vốn nếu vốn chủ sở hữu trên BCĐKT của DNKT nước ngoài và của chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam thấp hơn các mức vốn quy định như đã nêu tại mục (1) trong thời gian 03 (ba) tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Quy định này nhằm đảm bảo không có sự phân biệt về vốn giữa chi nhánh DNKT nước ngoài tại việt Nam với các DNKT là công ty TNHH.

(Còn nữa...)

THeo VACPA

No comments:

Post a Comment

Popular Posts