Wednesday, 27 June 2012

Chân dung doanh nhân gốc Việt kiếm 80 triệu USD của Steve Jobs

Luôn khởi sự khá vội vã, không bao giờ nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh và thường mắc các sai lầm giống nhau nhưng doanh nhân gốc Việt, Bill Nguyễn luôn khiến các đại gia công nghệ phải đổ hàng triệu USD vào những dự án của mình.
Kiếm được 80 triệu USD của Steve Jobs
Sinh năm 1971, Bill và gia đình rời Việt Nam từ khi còn nhỏ. Lớn lên ở Houston nhưng hiện nay, thung lũng Silicon mới là thiên đường của anh. Ngay từ khi ngồi trên ghế trường cấp ba, Bill đã khiến những người bạn Mỹ to lớn của mình phải ngưỡng mộ khi trở thành chủ tịch Liên minh Học sinh gốc Phi dù thực tế anh là người gốc châu Á.
"Mỗi lần bắt đầu một thương vụ, tôi lại giống như hiệp sĩ Don Quixote và mắc sai lầm. Nhưng tôi luôn cố gắng hết mình", Bill Nguyễn chia sẻ.
Với dáng người nhỏ bé và chỉ nặng hơn 60kg nhưng Bill Nguyễn luôn gây ấn tượng là một người tràn đầy năng lượng. Người ta có thể cảm thấy nguồn năng lượng bất tận ấy khi anh vung tay như làm trò tung hứng và giới thiệu về văn phòng của mình tại trung tâm thành phố Palo Alto (Mỹ).
Hay nguồn năng lượng giữ anh tỉnh táo suốt đêm dù chỉ uống CokeZero rồi ngay sáng hôm sau lại có thể chơi bóng bàn với các nhà phát triển phần mềm của mình. Hay nguồn năng lượng giúp anh luôn căng tràn sức trẻ như một chàng trai 20 tuổi và trên miệng luôn nở nụ cười chứ không phải người đàn ông đã qua ngưỡng 40 và có gia đình.
"Có một câu nói nổi tiếng của Don King là "Cuộc chiến sẽ chỉ trở nên thú vị khi đối thủ của anh xuất hiện", Bill vừa cười vừa trích dẫn câu nói yêu thích của mình. Và câu nói đó hoàn toàn thích hợp khi nói về Bill Nguyễn, người luôn có những ý tưởng mới khiến các liên doanh tư bản, các ông chủ tập đoàn, những cây bút chuyên về công nghệ phải phát cuồng lên.
Điều đó được thể hiện rõ nhất trong thương vụ bán trang web Lala.com năm 2009 cho hãng Apple với giá 80 triệu USD. Và đó không phải là lần đầu tiên những nhà đầu tư công nghệ cao đổ hàng triệu USD cho những ý tưởng của Bill Nguyễn.
Sau 10 tháng làm việc với huyền thoại Steve Jobs ở Cupertino (California, Mỹ), người đàn ông nhỏ bé này quyết định đã đến lúc tự bước trên đôi chân của mình. "Khi làm việc cho Apple, tôi nhận thấy rằng hãng này đang mở ra một thời kỳ hậu PC (máy tính cá nhân). Tôi bắt đầu suy nghĩ rất nhiều về việc tận dụng điều này bởi thế giới hậu PC là vô cùng rộng lớn", Bill Nguyễn chia sẻ.
Bill Nguyễn tham gia buổi gặp mặt các CEO công nghệ hàng đầu của Mỹ do Thời báo Tài chính FT tổ chức.
Bill Nguyễn tham gia buổi gặp mặt các CEO công nghệ hàng đầu của Mỹ do Thời báo Tài chính FT tổ chức.
Trước đó, anh từng bán Công ty Onebox chuyên về phần mềm chuyển tin nhắn với giá 850 triệu USD ở tuổi 29. Bill Nguyễn cũng từng rất thành công với Forefront. Sau ba năm phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), công ty phần mềm này đã có giá trị lên tới 145 triệu USD.
Tiếp đó, với khoản đầu tư khiêm tốn 3 triệu USD, Bill Nguyễn bán công ty Freeloader với giá trị lên tới 38 triệu USD. Năm 1997, anh tiếp tục đầu tư 2,5 triệu USD vào Support.com chuyên về dịch vụ hỗ trợ từ xa dựa trên công nghệ đám mây và cổ phiếu của công ty này đã tăng gấp đôi ngay khi phát hành lần đầu (32 USD/cổ phiếu).
"Tôi chắc chắn rằng Facebook sẽ thất bại"
Dự án mới đây nhất của anh mang tên Color khiến giới truyền thông ngỡ ngàng khi được các ông lớn đầu tư tới 41 triệu USD.
Vóc dáng nhỏ bé, trang phục giản dị và nụ cười thường trực trên môi nhưng Bill Nguyễn là người rất nghiêm khắc trong công việc.
Vóc dáng nhỏ bé, trang phục giản dị và nụ cười thường trực trên môi nhưng Bill Nguyễn là người rất nghiêm khắc trong công việc.
Nhưng ít người biết rằng, ý tưởng ban đầu của Bill về Color là một ứng dụng mang tên "Furr", một trò chơi thực tế ảo mà anh mô tả như một "thế giới hoạt hình Pixar trên di động". Tuy nhiên, sau 3 tháng miệt mài, anh ngộ ra rằng mọi người sẽ không đi loanh quanh với điện thoại thường trực trước mặt. Vậy là, đến tháng 12/2010, một ý tưởng mới ra đời: một mạng xã hội dành riêng cho thời đại di động mang tên Color.
Theo ý tưởng của Bill Nguyễn, Color là một ứng dụng rất mở để chia sẻ hình ảnh mà người dùng không cần tên hoặc mật khẩu. Người dùng sẽ tải ảnh lên mạng xã hội Color và có thể kết nối với những người dùng khác trong phạm vi 50m. Trạng thái của người dùng sẽ thay đổi mỗi khi họ di chuyển và chính điều này đã làm cho tính tương tác của Color mạnh hơn so với những mạnh xã hội hiện nay.
Bill luôn gây ấn tượng là một người tràn đầy năng lượng dù anh chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày.
Bill luôn gây ấn tượng là một người tràn đầy năng lượng dù anh chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày.
Bill Nguyễn tin rằng Color soán ngôi được "ông lớn" Facebook trên thị trường mạng xã hội đang bùng nổ hiện nay. "Khi Steve Jobs đưa ra thế giới công nghệ hậu PC thì đồng nghĩa mọi công nghệ từng được viết ra trước đó đều trở nên vô nghĩa. Điều đó tương tự với Facebook, một mạng xã hội dựa trên những công nghệ cũ. Bạn phải ngồi trước máy tính và nói với nó bạn là ai hay bạn thích điều gì. Tôi chắc chắn rằng Facebook sẽ thất bại", Bill khẳng định với tạp chí Fast Company vào tháng 3/2011 trước cả khi cho ra mắt Color.
Giao diện của Color phiên bản đầu.
Giao diện của Color phiên bản đầu.
Đúng 17h ngày 23/3/2011 (giờ địa phương), Color phiên bản đầu tiên chính thức ra mắt. Tuy nhiên, phần mềm này ngay lập tức lộ rõ yếu điểm. Để tham gia vào Color, các nhóm người dùng phải ở những địa điểm giống nhau. Tuy nhiên, chưa có quá trình chạy đà nên nhiều người dùng như bị lạc vào thế giới ma, không người ở.
"Sau 30 phút tôi nhận ra, Chúa ơi, nó hỏng rồi. Quỷ thật, chúng ta đã phá hỏng tất cả. Tôi tưởng chúng ta xây dựng một Facebook tốt hơn nhưng hóa ra lại tự đút tay vào ổ điện", Bill thốt lên.
Tìm hiểu đối thủ sau khi... thất bại
Sau thương vụ bất thành, bạn bè và đồng nghiệp rất lo lắng rằng Bill sẽ suy sụp. Nhưng người đàn ông nhỏ bé chỉ cười và nói: "Tôi không bao giờ để cảm xúc xen vào công việc. Tôi có thể cãi nhau nảy lửa với ai đó nhưng chỉ 5 phút sau tôi đã quên luôn".
Hiện nay, Bill Nguyễn đang ấp ủ về một phiên bản mới của Color.
Hiện nay, Bill Nguyễn đang ấp ủ về một phiên bản mới của Color.
Sau khi Color phiên bản đầu thất bại, bộ máy của ColorLabs đã có sự xáo trộn lớn khi Bill Nguyễn sa thải đồng chủ tịch Peter Phạm và giám đốc phát triển sản phẩm DJ Patil từ chức.
"Tôi không muốn phí thời gian với những người không toàn tâm toàn ý và hay than vãn. Tôi tham gia mọi cuộc chơi và luôn giành chiến thắng. Ngay cả việc giảm cân, tôi cũng có chiến lược cho riêng mình và cố gắng thực hiện nó nhanh hơn những người khác. Kể cả khi phải vào viện, tôi cũng sẽ đánh bại tất cả bọn họ", Bill Nguyễn cho biết.
Và như để chứng minh điều đó, Bill tiếp tục lao vào nghiên cứu Color phiên bản mới. Trong thời gian này, anh bắt đầu lập cho mình một tài khoản Facebook và tìm hiểu kỹ hơn đối thủ của mình. "Ôi Chúa ơi, đây quả thực là một phát kiến vĩ đại và nó là Facebook. Chúng ta sẽ làm cho nó có thêm nhiều chức năng hơn và có giá hơn bao giờ hết", Bill thốt lên khi lần đầu tiên tìm hiểu đối thủ nặng kí nhất của mình.
Hiện nay, Bill Nguyễn với CEO Mark Pincus của công ty phần mềm Zynga chuyên sản xuất các trò chơi, ứng dụng trên mạng xã hội. Pincus là ông chủ cũ của Bill khi anh còn là một lính mới ở thung lũng Silicon và giờ đây mục tiêu tiếp theo của doanh nhân gốc Việt là "xây dựng một công ty lớn hơn của Mark". Anh hy vọng phiên bản mới của Color sẽ được chạy trên Facebook và tạo được cơn sốt như trò chơi FarmVille của Zynga trước đây.
Đầu tháng 5 vừa qua, Bill Nguyễn đã công bố thỏa thuận hợp tác với Verizon, nhằm cung cấp Color cho các khách hàng sử dụng dịch vụ của hãng này.
Chia sẻ về bí quyết thành công, triệu phú chưa tốt nghiệp đại học này cho biết: "Khi bắt tay vào một thương vụ mới, bạn không nhất thiết phải phát minh lại thế giới".
Theo Bee

10 công ty công nghệ trả lương cao nhất thế giới

Dẫn đầu danh sách này là Nvidia với mức khởi điểm 99.400 USD một năm, theo sau là Microsoft với 91.500 USD và Salesforce là 88.900 USD.

Website khảo sát lương nổi tiếng của Mỹ PayScale vừa công bố báo cáo về Các công ty công nghệ năm 2012. Trong đó, hãng này liệt kê danh sách những công ty có mức lương khởi điểm cao nhất thế giới. Dưới đây là top 10 công ty công nghệ có mức lương khởi điểm trung bình cao nhất thế giới.

1. Nvidia

Lương khởi điểm trung bình: 99.400 USD một năm
Nvidia là công ty chuyên sản xuất bộ xử lý đồ họa cho máy tính có trụ sở tại Santa Clara, California (Mỹ). Sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng này là card đồ họa GeForce, cạnh tranh quyết liệt với Radeon của AMD.

2. Microsoft

Lương khởi điểm trung bình: 91.500 USD một năm
Micorsoft hiện là hãng phần mềm lớn nhất thế giới tính theo doanh thu hàng năm. Ngoài phần mềm cho máy tính cá nhân, Microsoft còn tham gia vào hàng loạt thị trường khác như công cụ tìm kiếm (Bing), video game (Xbox), điện thoại di động (Windows Phones) và mới đây nhất là mạng xã hội (Yammer).

3. Salesforce.com

Lương khởi điểm trung bình: 88.900 USD một năm
Salesforce là công ty phần mềm có trụ sở tại San Francisco, California (Mỹ), nổi tiếng nhất với các sản phẩm Chăm sóc khách hàng (CRM). Salesforce còn xếp thứ 27 trong Top 100 Công ty đáng để làm việc nhất của Fortune năm 2012.

4. Google

Lương khởi điểm trung bình: 87.500 USD một năm
Website tìm kiếm lớn nhất thế giới không chỉ nổi tiếng với những văn phòng đẹp như mơ kèm tiện nghi tối đa dành cho nhân viên, mà lương khởi điểm ở đây cũng thuộc hàng top.

5. Adobe Systems

Lương khởi điểm trung bình: 86.200 USD một năm
Adobe là công ty phần mềm máy tính có trụ sở tại San Jose, California (Mỹ). Công ty này nổi tiếng với các ứng dụng đa phương tiện như Adobe Flash hay Adobe Acrobat Reader.

6. Yahoo!

Lương khởi điểm trung bình: 81.100 USD một năm
Gần đây, gã khổng lồ công nghệ đã liên tục gặp phải những rắc rối như CEO Scott Thompson từ chức vì scandal bằng giả hay thông báo cắt giảm 2.000 nhân viên toàn cầu. Tuy nhiên, Yahoo vẫn trả nhân viên rất hậu hĩnh.

7. Intel

Lương khởi điểm trung bình: 80.500 USD một năm
Intel hiện là nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới về doanh thu. Ngoài sản phẩm nổi tiếng nhất là bộ vi xử lý Intel cho máy tính, hãng này còn chế tạo bo mạch chủ, bộ nhớ flash, card mạng và một số thiết bị phần cứng khác.

8. eBay

Lương khởi điểm trung bình:: 80.100 USD một năm
eBay là website đấu giá online hàng đầu thế giới hiện nay. Được thành lập từ năm 1995, đến nay eBay đã trở thành một công ty khổng lồ với giá trị vốn hóa lên tới 56 tỷ USD và mang về cho CEO Pierre Omidyar 6,7 tỷ USD tài sản.

9. Oracle Corp

Lương khởi điểm trung bình: 78.100 USD một năm
Oracle là hãng phần mềm nổi tiếng với phần cứng máy tính và phần mềm cho doanh nghiệp. Sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng này là phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu. Oracle có trụ sở tại Redwood City, California (Mỹ) với hơn 113.000 nhân viên.

10. Nokia Corp

Lương khởi điểm trung bình: 74.400 USD một năm
Hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt từ Apple, Samsung hay HTC. Gần đây, Nokia đã phải bán phân khúc điện thoại siêu sang Vertu, thông báo cắt giảm 10.000 nhân sự toàn cầu và còn bị Moody’s hạ một bậc tín nhiệm dài hạn.
Theo Hà Thu - Vnexpress (theo Business Journal)

Monday, 25 June 2012

Điểm mặt các công ty bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Danh sách các cổ phiếu bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục do thiếu hụt vốn lưu động hoặc bao gồm: THV, TNG, SHN, VNA, VTA, KSD.
 
Hàng loạt cổ phiếu bị liệt vào “danh sách đen” của hai sở lần lượt bị hủy niêm yết và rời sàn như AGC, VKP, VSP…đã khiến nhiều nhà đầu tư phải cảnh giác khi mạo hiểm mua cổ phiếu của các công ty bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Danh sách các cổ phiếu bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục do thiếu hụt vốn lưu động hoặc bao gồm: THV, TNG, SHN, VNA, VTA, KSD,V11, Chứng khoán Trường Sơn. Đặc điểm chung của các công ty này là nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, ngoại từ VTA, các công ty đều đã có kế hoạch khắc phục khó khăn và kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Tình hình tài chính của các công ty tại thời điểm 31/1/2012

Tình hình tài chính của các công ty tại thời điểm 31/12/2011 (kiểm toán)
CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam - THV: Chủ tịch bảo không phá sản? Tại thời điểm kiểm toán 31/12/2012, lỗ lũy kế của công ty này là 218 tỷ, công nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là gần 320 tỷ đồng. Do đó kiểm toán dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của công ty. Khả năng tiếp tục hoạt động của công ty phụ thuộc vào lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh có thể thu được trong tương lai, việc tiếp tục nhận được các đơn hàng và sự hỗ trợ tài chính của các cổ đông.
Tính đến hết quý I/2012, lỗ lũy kế của THV gần 320 tỷ, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 454 tỷ, tức là tăng hơn 130 tỷ so với cuối năm 2011. Tuy nhiên theo lời của Chủ tịch HĐQT THV, THV không thể phá sản, công ty đã làm việc tích cực với các ngân hàng như Agribank, Maritime Bank, VDB để cơ cấu lại nguồn vốn. Hiện chỉ còn 198 tỷ đồng nợ của Vietcombank tiến độ chậm do phía ngân hàng đề nghị tái cơ cấu thông qua mua bán nợ tại DATC.
Ban lãnh đạo cố gắng cơ cấu nợ để từ 1/9 khi bước vào vụ cà phê mới có thể kinh doanh bình thường. Các đối tác cũng tạm ứng cho THV khoảng 600 tấn cà phê để sử dụng như phần vốn đối ứng thu mua nguyên liệu cà phê và thực hiện các hợp đồng đã ký.
CTCP Đầu tư và thương mại TNG: Lãi vẫn cảnh báo
TNG năm nào cũng lãi, kết thúc năm 2011, báo cáo kiểm toán của TNG cho thấy công ty này lãi ròng 24,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2010. Tuy nhiên kiểm toán Delloite vẫn lưu ý nhà đầu tư về vốn lưu động của công ty bị thiếu hụt có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục hoạt động của công ty.
Tại thời điểm lập báo cáo kiểm toán 31/12/2011, tài sản ngắn hạn của TNG đạt 381,4 tỷ, trong đó tiền mặt đạt gần 60 tỷ, tuy nhiên nợ ngắn hạn lên đến 489,4 tỷ, như vậy công nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 108 tỷ đồng.
Sang đến quý I/2012, tiền mặt của công ty còn lại 3 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 128 tỷ.
Trước đó, TNG nóng lên thông tin Chủ tịch HĐQT TNG là ông Nguyễn Văn Thời và con trai đăng ký chào mua công khai 300.000 cổ phiếu TNG và đẩy giá chào mua từ 8.700 đồng/cp lên 16.000 đồng/cp. Tuy nhiên việc chào mua này bị UBCK yêu cầu tạm dừng trong thời UBCKNN xem xét xử lý vi phạm giao dịch khớp lệnh trong thời gian chào mua công khai cổ phiếu TNG của ông Nguyễn Đức Mạnh.
CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội - SHN: “Người mới” có cứu được công ty?
Tính đến 31/12/2011, tiền mặt của SHN chỉ còn hơn 1,1 tỷ đồng, công nợ ngắn hạn của SHN là 359 tỷ, tài sản ngắn hạn là 355 tỷ trong đó các khoản phải thu liên quan đến Beta BQP và ông Nguyễn Anh Quân là 238 tỷ đã quá hạn thanh toán, SHN đã trích lập dự phòng 71,4 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 31/12/2011 là 147 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2012, tiền mặt của SHN còn hơn 670 triệu đồng, lỗ lũy kế hơn 164 tỷ đồng.
Tuy nhiên SHN đã có Bộ máy lãnh đạo mới sau 3 lần tổ chức ĐHCĐ. Tân chủ tịch là ông Dương Mạnh Hải, là chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư PV-Inconess, dơn vị thành viên của PVN và ông Nguyễn Đăng Chiều, thành viên HĐQT CTCP Thương mại bưu chính Viễn thông.
Ông Đinh Hồng Long, nguyên Chủ tịch SHN bây giờ trở thành Tổng giám đốc, ông Long có kinh nghiệm về pháp lý, sẽ có nhiều thời gian để theo đuổi vụ BetaBQP. Ông Long cũng cho biết trong 2 năm tới SHN không thể phá sản, nhưng một số dự án đầu tư của SHN đã phải tạm dừng do thị trường BĐS còn nhiều khó khăn như dự án văn phòng, TTTM tại Phạm Hùng, dự án Thủy điện ĐăkPru Hanic, dự án Tài nguyên EcoCity..
CTCP Vận tải biển Vinaship - VNA: Bán tàu có bù đắp được vốn lưu động bị thiếu hụt?
Theo báo cáo kiểm toán tại ngày 31/12/2011, vốn lưu động của công ty bị thiếu hụt do công nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 226 tỷ đồng (năm 2010 vượt 182 tỷ đồng). Việc thiếu hụt vốn lưu động có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán hiện tại và hoạt động kinh doanh của công ty.
Theo Ban giám đốc VNA, dựa trên các kế hoạch đã đề ra thì công ty vẫn đảm bảo đủ vốn lưu động phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong 12 tháng tới (tính từ thời điểm lập báo cáo ngày 31/12/2011). Bao gồm: thanh lý 3 tàu Hà Nam, Hà Đông, Hà Tiên dự kiến thu về 60 tỷ đồng, lập kế hoạch trích khấu hao cơ bản tài sản cố định năm 2012 từ 115-120 tỷ đồng, giãn trả nợ vay các khoản đầu tư dài hạn trong năm 2012 70 tỷ đồng và nếu thị trường thuận lợi thực hiện tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ.
VNA cũng kỳ trọng vào việc xử lý nợ của Vinalines tại các TCTD theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, NHNN yêu cầu một số NHTM cơ cấu lại nợ với các khoản vay mua, đống mới tàu biển của Vinalines và các công ty thành viên đến hết năm 2013.
Đến quý I/2012, nợ ngắn hạn của VNA vượt tài sản ngắn hạn 281 tỷ, quý I/2012 lỗ 43 tỷ trong khi cùng kỳ 2011 lãi 7,8 tỷ.
Tổng CTCP Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico - KSD: Vụ kiện chống bán phá giá có thể ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục của công ty
Ngày 18/2/2012, KSD nhận được phán quyết sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về việc lựa chọn KSD làm đại diện là bị đơn bắt buộc trong vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt nam với 2 dòng sản phẩm.
Nợ ngắn hạn của KSD vượt tài sản ngắn hạn từ quý I/2012, mức chênh lệch khoảng hơn 600 triệu đồng nhưng phán quyết của Bộ thương mại Hoa kỳ về việc kiện chống bán phá giá đối với 2 dòng sản phẩm của KSD có thể ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục của công ty.
CTCP Vitaly - VTA: Kết thúc năm 2011 vốn chủ sở hữu âm 1,5 tỷ đồng
VTA đang giao dịch tại thị trường UpCOM, kết thúc năm 2011, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty âm 71,9 tỷ đồng, vốn điều lệ 60 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1,5 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn gấp 3,7 lần tài sản ngắn hạn.
Công ty bị ảnh hưởng nặng nề do năm 2010 lỗ 42 tỷ đồng, năm 2011 công ty đã lãi 9,5 tỷ đồng. Tuy nhiên tính đến thời điểm 31/12/2011, các khoản phải trả người bán, khoản ứng trước người bán và khoản phải trả khác chưa được đối chiếu xác nhận đầy đủ. Tổng hợp các vấn đề trên sẽ làm cho kết quả hoạt động kinh doanh của công ty giảm lãi từ 9,5 tỷ xuống 4 tỷ, Lợi nhuận chưa phân phối sẽ từ âm 71,9 tỷ thành âm 112 tỷ.
Năm 2012 công ty đặt kế hoạch lỗ 12 tỷ đồng.
Phương Mai
Theo TTVN

Soát xét báo cáo bán niên: Nguy cơ dồn toa kiểm toán

Tháng 6 sắp kết thúc, các DN niêm yết chuẩn bị phải làm báo cáo tài chính bán niên có soát xét của kiểm toán. Nguy cơ “dồn toa” kiểm toán là hiện hữu, khi có thêm nhiều DN phải làm báo cáo này.
Nguy cơ dồn toa
Hiện trên hai sàn có hơn 700 DN đang niêm yết. Bên cạnh đó là hàng trăm công ty đại chúng chưa niêm yết thuộc diện phải công bố thông tin như DN niêm yết, từ ngày 1/6/2012, theo quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC. Trong khi đó, số DN kiểm toán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận tính đến thời điểm này chỉ là 43 công ty.
Tỷ lệ DN phải thực hiện báo cáo tài chính (BCTC) bán niên có soát xét của kiểm toán trên công ty kiểm toán (CTKT) quá lớn, đặc biệt là hầu hết DN đều có niên độ kế toán bắt đầu từ ngày 1/1 của năm và kết thúc vào cuối năm, sẽ gây áp lực rất lớn đối với các CTKT, đồng thời dễ gây ra tình trạng báo cáo soát xét có sai sót.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán AASC cho biết, cứ vào mùa làm báo cáo soát xét (giữa năm) và làm báo cáo kiểm toán (cuối năm) là các CTKT lại bận rộn, bởi một số lượng công việc lớn dồn vào một thời điểm. Báo cáo soát xét thì đơn giản hơn báo cáo kiểm toán, nhưng đối với các khách hàng mới, thì việc làm báo cáo soát xét mất nhiều thời gian hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, một khi khối lượng công việc lớn, lại chịu sức ép về thời hạn nộp báo cáo, thì khó đảm bảo được chất lượng báo cáo kiểm toán cao. Chưa kể, có nhiều trường hợp, kiểm toán và DN không thống nhất được ý kiến, dẫn đến kiểm toán khó phát hành được báo cáo kiểm toán.
Trên thực tế, cũng vì sự “dồn cục” thông tin BCTC tại một thời điểm, một số DN đã cố tình gian lận, chế biến số liệu kế toán và “qua mắt” được CTKT. Chẳng hạn như trường hợp CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) hay CTCK SME… Sau những “cú sốc” này, nhà đầu tư vốn tin tưởng vào các số liệu BCTC được kiểm toán viên chấp nhận toàn phần, đang và sẽ khó tránh khỏi hoài nghi về các con số trên BCTC.
Giải pháp thay đổi niên độ kế toán
Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) là người luôn ủng hộ việc các DN nên thay đổi niên độ kế toán, nhằm giãn áp lực đối với các CTKT. Đề xuất này được nhiều CTKT ủng hộ.
Theo ông Tùng, nếu các DN thay đổi niên độ kế toán thì không chỉ làm giảm áp lực với các CTKT, mà các DN làm BCTC soát xét và BCTC kiểm toán “trái mùa” sẽ giảm được chi phí so với khi làm đúng “mùa vụ”. Nếu thực hiện được điều này thì “đôi bên cùng có lợi”, DN được giảm phí, còn CTKT có nhiều thời gian để thực hiện kiểm toán kỹ càng hơn.
Tuy nhiên, số lượng DN thay đổi niên độ kế toán chỉ mới đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, đầu năm 2012, CTCP Kỹ thuật điện Toàn Cầu (GLT) xin thay đổi niên độ tài chính từ 1/1 - 31/12 sang 1/4 - 31/3. Trước đó, CTCP Hữu Liên Á Châu quyết định thay đổi niên độ kế toán, với năm tài chính kế tiếp bắt đầu từ ngày 1/10/2011 và kết thúc vào ngày 30/9/2012. Xa hơn nữa, trong năm 2010, CTCP Tập đoàn Công nghệ CMG (CMG) và CTCP Giao nhận ngoại thương TP. HCM (TMS) thay đổi niên độ kế toán, bắt đầu từ ngày 1/4 hàng năm và kết thúc vào ngày 31/3 của năm kế tiếp.
Theo ông Mai, cần khuyến khích các DN thay đổi niên độ tài chính, thay vì cuối niên độ dồn hết vào ngày 31/12 như hiện nay, thậm chí cần có những khuyến khích như được giảm phí, giãn nộp thuế… Trên thực tế, việc DN áp dụng niên độ kế toán bắt đầu từ đầu năm và kết thúc vào cuối năm chỉ là một thói quen. Chính thói quen này đã gây ra không ít hệ lụy, tạo áp lực đối với các CTCK thực hiện kiểm toán BCTC soát xét bán niên; BCTC năm, quyết toán thuế… cũng dồn hết tại một thời điểm.
Cũng theo ông Mai, đứng trên góc độ thị trường, việc hàng loạt DN công bố thông tin BCTC soát xét, báo cáo kiểm toán năm cùng một thời điểm sẽ gây tình trạng “loãng” thông tin. Nếu thông tin được công bố đều đặn, rải rác trong năm sẽ giúp NĐT cân bằng thông tin hơn. Về phía cơ quan quản lý, sẽ có sự sâu sát hơn với DN.
Lãnh đạo Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, Sở rất ủng hộ các DN thay đổi niên độ kế toán, tất nhiên là phải được sự đồng thuận của các cổ đông và được ĐHCĐ thông qua, đặc biệt là phải thông báo rộng rãi cho NĐT để họ có điều kiện theo dõi.
Theo Hải Vân
ĐTCK

7 tên miền Internet đắt nhất thế giới

This summary is not available. Please click here to view the post.

Sunday, 24 June 2012

10 tỷ phú Internet giàu nhất thế giới

Dẫn đầu danh sách là Jeff Bezos của Amazon với 20,2 tỷ USD, theo sau là hai nhà đồng sáng lập Google - Larry Page và Sergey Brin.

Sự ra đời của Internet đã giúp những người có ý tưởng kinh doanh độc đáo nhanh chóng phất lên với số tài sản lên tới hàng tỷ USD. Những dịch vụ của họ giúp con người đột phá trong việc kết nối bạn bè, chia sẻ nội dung, tìm kiếm thông tin hay quảng cáo cho sản phẩm mới.
Dưới đây là danh sách 10 tỷ phú Internet giàu nhất thế giới theo thống kê của Celebrity Net Worth.

10. Dustin Moskovitz

Công ty: Facebook
Tài sản: 5,1 tỷ USD
Dustin Moskovitz là bạn cùng phòng với Mark Zuckerberg ở Havard và cũng là một trong những nhà sáng lập ra mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook. Dustin hiện là tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ với 7,6% cổ phần tại Facebook, tương đương 5,1 tỷ USD.

9. Hiroshi Mikitani

Công ty: Rakuten
Tài sản: 6,2 tỷ USD
Hiroshi Mikitani là CEO của một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản - Rakuten. Công ty này cũng thuộc top 10 doanh nghiệp Internet lớn trên thế giới với doanh thu hàng năm 5 tỷ USD. Tài sản cá nhân của Hiroshi Mikitani hiện trị giá 6,2 tỷ USD.

8. Pierre Omidyar

Công ty: eBay
Tài sản: 6,7 tỷ USD
Ban đầu, Pierre Omidyar tạo ra eBay chỉ để giúp bạn gái bán một bộ sưu tập kẹo. Nhưng 17 năm sau, nó đã trở thành một công ty khổng lồ với giá trị vốn hóa lên tới 56 tỷ USD và mang về cho Omidyar 6,7 tỷ USD tài sản. Pierre Omidyar hiện là người giàu nhất Hawaii và sống trong một biệt thự sang trọng tại Honolulu. Ông cũng đã nghỉ hưu từ lâu và cam kết dành 90% tài sản làm từ thiện sau khi chết.

7. Eric Schmidt

Công ty: Google
Tài sản: 6,9 tỷ USD
Eric Schmidt là cựu CEO của Google và hiện đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị tại đây. Số cổ phiếu thưởng ông nắm trong tay có giá trị lên tới 6,9 tỷ USD.

6. Masayoshi Son

Công ty: Softbank
Tài sản: 7,2 tỷ USD
Masayoshi Son hiện là người giàu nhất Nhật Bản với khối tài sản lên tới 7,2 tỷ USD. Ông cũng giữ danh hiệu là CEO công nghệ để mất tiền nhiều nhất trong lịch sử với khoản lỗ 70 tỷ USD khi bong bóng dotcom tan vỡ năm 2000. Son là nhà sáng lập kiêm CEO của Softbank - một tập đoàn thống trị cả lĩnh vực Internet, thương mại điện tử và tài chính của Nhật Bản.

5. Robin Li

Công ty: Baidu
Tài sản: 10,2 tỷ USD
Robin Li là nhà đồng sáng lập, chủ tịch kiêm CEO của website tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc - Baidu. Đây cũng là website lớn nhất tại châu Á và lớn thứ 5 trên thế giới.

4. Mark Zuckerberg

Công ty: Facebook
Tài sản: 14,1 tỷ USD
Tính đến ngày 18/6, 28,4% cổ phần trong Facebook của Mark Zuckerberg có giá 14,2 tỷ USD. Anh cũng là tỷ phú trẻ thứ hai tại Mỹ.

3. Sergey Brin

Công ty: Google
Tài sản: 17,4 tỷ USD
Sau khi tốt nghiệp Đại học Stanford, Sergey Brin đã cùng Larry Page sáng lập ra Google năm 1998. Ngày nay, công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới đã có giá trị lên tới 190 tỷ USD với doanh thu hàng năm 40 tỷ USD và trên 33.000 nhân viên.

2. Larry Page

Công ty: Google
Tài sản: 17,5 tỷ USD
Larry Page là đồng sáng lập Google kiêm CEO hiện tại của công ty. Page có nhiều hơn 100 triệu so với Brin do các khoản đầu tư của gia đình. Trước khi Google ra đời, anh của Page đã từng bán một công ty với giá 400 triệu USD. Larry Page giữ chức CEO thay Eric Schmidt từ năm 2011.

1. Jeff Bezos

Công ty: Amazon
Tài sản: 20,2 tỷ USD
Jeff Bezos là nhà sáng lập kiêm CEO của Amazon.com, website thương mại điện tử lớn nhất thế giới. 20% cổ phần Amazon hiện có giá tới 20,2 tỷ USD. Theo thống kê, số tài sản của Bezos đã tăng hơn 50% trong năm 2011 nhờ sự phát triển nhanh chóng của Amazon.


(Theo Vnexpress)

Saturday, 23 June 2012

Ngành kiểm toán Việt Nam đang phát triển mạnh, nhưng việc giảm thiểu vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn đang còn là một dấu hỏi

Ông Chali Mah
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Chaly Mah, Tổng giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn kiểm toán Deloitte.
(1) Việt Nam có ý nghĩa chiến lược như thế nào trong định vị thị trường của các ông?
Deloitte đã xác định 8 thị trường quan trọng nhất, bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Đông, Nga, Nhật, Brazil và Đức. Đối với khu vực Đông Nam Á thì Indonesia và Việt Nam là hai thị trường chiến lược chúng tôi đặc biệt quan tâm.
Với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thị trường tài chính, thị trường vốn, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu huy động vốn ở các thị trường vốn quốc tế. Khi đó, họ phải có hệ thống quản trị doanh nghiệp cũng như hệ thống kiểm soát tốt. Do vậy, Deloitte Việt Nam sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp này nâng cao năng lực kiểm soát, quản trị.
(2) Cùng với 3 đơn vị khác, Deloitte Việt Nam đang đứng trong nhóm “Big Four”, chiếm giữ phần lớn thị phần. Liệu đã có ai thắc mắc rằng phải chăng nhóm này đang giữ vị thế độc quyền trên thị trường kiểm toán?
Tôi không nghĩ là khi chiếm thị phần lớn lại đồng nghĩa với độc quyền.
Ngược lại, cả 4 công ty lớn còn có nhiều đóng góp để thúc đẩy sự phát triển của thị trường kiểm toán Việt Nam. Trong thời gian tới, việc tìm kiếm các nguồn vốn từ thị trường quốc tế không chỉ dừng ở các doanh nghiệp nhà nước mà còn mở rộng sang khu vực tư nhân, vì thế, vai trò của nhóm “Big Four” là rất lớn.
Một bằng chứng khác về đóng góp của chúng tôi đối với thị trường tài chính Việt Nam là gần đây, Deloitte Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng Luật Kiểm toán độc lập, hỗ trợ Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) về mặt nghiệp vụ kiểm toán.
(3) Để thu hút khách hàng, đã có những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở một số công ty kiểm toán. Làm thế nào để có được những báo cáo tài chính “quang minh chính đại” cho nhà đầu tư, thưa ông?
Liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, ở đây bạn sẽ thấy có sự khác biệt giữa nhóm “Big Four” và các công ty khác. Chúng tôi luôn tuân thủ yếu tố đạo đức nghề nghiệp và có hẳn một bộ chuẩn mực đạo đức bắt buộc phải tuân thủ trong toàn hệ thống trên thế giới.
Tôi cũng không có ý định chỉ trích các công ty kiểm toán nhỏ, ở thị trường nào cũng có công ty lớn, công ty nhỏ. Vai trò của công ty nhỏ là hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ về thuế, chuẩn bị các báo cáo tài chính, còn việc ra các báo cáo tài chính thì phải do các công ty lớn đảm nhiệm.
Tuy nhiên, do các công ty nhỏ chưa xây dựng được các bộ chuẩn tiêu chí hành nghề nên đôi khi vẫn còn xảy ra trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đó là lý do tại sao gần đây chúng ta thấy có khá nhiều trường hợp sáp nhập của các công ty nhỏ trong thị trường kiểm toán - tư vấn.
Cũng liên quan đến những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của công ty kiểm toán, tôi cho rằng, càng ngày, tính chuyên nghiệp của thị trường kiểm toán càng phát triển và cùng đó, hành lang pháp lý cũng càng ngày càng theo sát với tình hình.
Vì vậy, đừng ngạc nhiên, một ngày gần đây, ở đâu đó, cơ quan quản lý có thể rút giấy phép hành nghề những trường hợp vi phạm đạo đức như ở Mỹ hay châu Âu.
(4) Doanh nghiệp kiểm toán được phép kiểm toán các công ty, nhưng ai sẽ “kiểm toán” các công ty kiểm toán?
Cũng như ở thị trường các nước phát triển, hoạt động của công ty kiểm toán phải tuân thủ các văn bản pháp quy cũng như điều hành của các cơ quan lý. Những cơ quan này trực thuộc Bộ Tài chính và hàng năm, họ đều kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán.
Nếu phát hiện những trường hợp không đảm bảo chất lượng dịch vụ hoặc không tuân thủ quy định, cơ quan quản lý sẽ đưa ra các cảnh báo, xử phạt hoặc rút giấy phép.
Ở các nước phát triển, luôn có các ủy ban quản lý các công ty kiểm toán, và giấy phép hành nghề được xem xét để cấp lại hàng năm, nếu vi phạm, có thể không được cấp.
Đối với những công ty kiểm toán lớn, họ luôn duy trì chế độ kiểm soát nội bộ. Cứ 2 đến 3 năm, họ đều cử các chuyên gia ở các nước khác sang Việt Nam soát xét lại các hoạt động cũng như hồ sơ kiểm toán.
Ngay cả với Deloitte cũng vậy. Nếu Deloitte Việt Nam không vượt qua được các cuộc soát xét thì Deloitte sẽ tăng tần suất soát xét lên hàng năm thay vì 2-3 năm/lần như trước nhằm đảm bảo khắc phục bằng được những lỗi trong hệ thống.
Nếu năm sau không khắc phục được lỗi của năm trước, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi cảnh báo về những lỗi của công ty thành viên và đến năm thứ 3, những lỗi đó không được khắc phục thì chúng tôi sẽ đưa ra những biện pháp xử lý nghiêm khắc, chẳng hạn, không cho phép đơn vị thành viên sử dụng thương hiệu của Deloitte và loại họ ra khỏi hệ thống Deloitte toàn cầu.
(5) Nhân lực kiểm toán đang là bài toán nan giải hiện nay ở thị trường Việt Nam, theo ông, làm thế nào để giải quyết khó khăn này?
Thiếu nhân lực kiểm toán đang xảy ra ở hầu hết các nước đang phát triển. Tôi cho rằng, ngành giáo dục của Việt Nam nên nhìn thấy xu hướng này để mở rộng quy mô đào tạo đủ lớn ở các trường đại học, đáp ứng đủ về số lượng, chất lượng cho nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, còn rất nhiều sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài và được đào tạo trong một môi trường rất tốt. Deloitte đã phát triển một chương trình kết nối việc làm khá tốt cho những sinh viên này. Theo đó, trong một vài năm đầu tuyển dụng, chúng tôi cho họ làm việc ở nước ngoài, sau đó, chuyển về Việt Nam.
Ở Trung Quốc chúng tôi cũng làm như vậy. Hiện tại, ở Trung Quốc, Deloitte có tới 8.000 nhân lực và mỗi năm phải tuyển thêm 2.000 sinh viên. Khi trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, chúng tôi tuyển sinh viên đang học ở nước ngoài, cho họ làm việc tại các nước một thời gian trước khi đưa về Trung Quốc.
(6) Một vấn đề khác, mặc dù kiểm toán nội bộ được coi là bộ phận kiểm soát, cảnh báo rủi ro rất tốt cho doanh nghiệp nhưng hiện tại, bộ phận này đang tồn tại theo kiểu “không có thì thiếu, có thì thừa”. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?
Kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Hoạt động kiểm toán nội bộ phần lớn chỉ tập trung vào các khía cạnh liên quan đến quản trị hoạt động, chẳng hạn như đảm bảo các quy trình, quy định trong công ty đảm bảo được tuân thủ đúng. Trong khi đó, kiểm toán độc lập chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến tài chính.
Vấn đề “không có thì thiếu, có thì thừa” không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước. Rất nhiều trường hợp, kiểm toán nội bộ không được độc lập, vì họ là nhân viên công ty đó.
Có một cách để khắc phục được nhược điểm này là nên tham khảo cách làm ở một số nước.
Tại Singapore, Hồng Kông, Châu Âu hay Mỹ, một doanh nghiệp niêm yết bắt buộc phải có thành viên hội đồng quản trị độc lập, không phải cổ đông, không nằm trong ban điều hành. Trong hội đồng quản trị có một ủy ban kiểm toán trực thuộc và bộ phận kiểm toán độc lập trong doanh nghiệp phải báo cáo trực tiếp tình hình hoạt động doanh nghiệp cho ủy ban kiểm toán nói trên.
Một điều cần lưu ý là thành viên độc lập hội đồng quản trị sẽ trực tiếp phụ trách Ủy ban kiểm toán. Vì thế, những báo cáo, những phát hiện chính của kiểm toán nội bộ luôn được thông tin kịp thời cho ủy ban kiểm toán. Với cơ chế này, đã tạo ra một kênh báo cáo rất độc lập, và phát huy được tác dụng của kiểm toán nội bộ.
Theo: Nguyễn Hoài - VnEconomy

10 sự kiện Kế toán - Kiểm toán Việt Nam nổi bật năm 2011

Năm 2011 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng với VACPA và ngành kiểm toán độc lập. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật do Ban Biên tập website VACPA bình chọn.
1. Ban hành Luật Kiểm toán độc lập
Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập. Tăng cường quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề và đơn vị được kiểm toán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dịch vụ kiểm toán, đặc biệt là đơn vị có lợi ích công chúng, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, Nhà nước và tổ chức liên quan.
Luật Kiểm toán độc lập được Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.

2. VACPA phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm kiểm toán độc lập
Năm 2011 là năm đánh dấu 20 năm hoạt động của ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam. Đây là một chặng đường mà qua đó chứng kiến được bước phát triển vượt bậc của nghề và ngành kiểm toán độc lập. Với hơn 170 công ty kiểm toán hiện đang hoạt động tại Việt Nam, ngành kiểm toán độc lập luôn nỗ lực nhằm đem đến cho khách hàng các dịch vụ có chất lượng cao nhất và tin tưởng rằng ngành kiểm toán độc lập sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành kiểm toán độc lập ở Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.


3. VACPA tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Nhiệm kỳ III
VACPA đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Nhiệm kỳ III (2011-2014) vào ngày 27/05/2011. Thông qua Đại hội, VACPA đã tiếp thu được nhiều ý kiến thiết thực để có cơ sở lập kế hoạch, chiến lược phát triển của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam Nhiệm kỳ III và đến năm 2020.

4. VACPA được trao tặng “Huân chương lao động hạng 3”
Trong Hội nghị tổng kết và Lễ kỷ niệm 20 năm kiểm toán độc lập, VACPA đã được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương lao động hạng 3”. Đây là một sự ghi nhận công lao, thành tích đã đạt được của VACPA qua 6 năm hoạt động.

5. VACPA thành lập Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn Kiểm toán viên
Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn kiểm toán viên thuộc VACPA nhằm chuyên môn hóa, thực hiện các dịch vụ về đào tạo, cập nhật kiến thức văn bản pháp luật và chuyên môn nghề nghiệp, tư vấn cho kiểm toán viên, hội viên VACPA và những người quan tâm.

6. VACPA tổ chức giao lưu giữa các công ty kiểm toán, hội viên
VACPA tổ chức các hoạt động giao lưu quần chúng nhằm nâng cao hơn nữa mối quan hệ giữa Hội nghề nghiệp với các công ty kiểm toán và hội viên như giải bóng đá VACPA Football Cup 2011 tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và giải VACPA Tennis Cup 2011 tại TP. Hồ Chí Minh… với sự phối hợp và hỗ trợ của các hội nghề nghiệp quốc tế như ACCA, CPA Australia.

7. VACPA tăng cường hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp có uy tín trong nước và quốc tế
Trong năm 2011, hoạt động hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế của VACPA rất sôi động. VACPA đã ký biên bản hợp tác với Hội kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) mở rộng hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho ngành nghề, ký biên bản ghi nhớ với Ủy ban chứng khoán nhà nước nhằm góp phần lành mạnh hóa hoạt động của thị trường chứng khoán cũng như phát triển hơn nữa nghề nghiệp kiểm toán và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước và Hội nghề nghiệp (trước đó VACPA đã ký Biên bản hợp tác với Hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), Hiệp hội kế toán Australia (CPA Australia), Hiệp hội kế toán Singapore (ICPAS) và Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Swinburne).

8. VACPA xây dựng và cung cấp Ebook và Công cụ “Hỗ trợ lập Báo cáo tài chính”
Với mục đích hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán, VACPA đã xây dựng Ebook tập hợp, hệ thống hóa tất cả các văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế, văn bản bằng tiếng Anh… in thành đĩa và cung cấp miễn phí cho Hội viên, đăng tải trên website cung cấp miễn phí cho người quan tâm để phổ biến văn bản pháp luật; đã phối hợp với các chuyên gia xây dựng Công cụ “Hỗ trợ lập báo cáo tài chính” gắn với Chương trình kiểm toán mẫu do VACPA ban hành tháng 10/2011. Đây là một công cụ tiện lợi với ưu điểm là có dung lượng nhỏ gọn, dễ sử dụng, cho kết quả nhanh với độ chính xác cao. Công cụ này thực sự hữu ích đối với các công ty kiểm toán, các kiểm toán viên trong quá trình thực hiện tổng hợp kết quả kiểm toán, lập báo cáo tài chính riêng, báo cáo tài chính tổng hợp và báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán…

9. VACPA bàn giao lại công việc đăng ký hành nghề kiểm toán về Bộ Tài chính
Sau 5 năm thực hiện chức năng giúp Bộ Tài chính quản lý đăng ký hành nghề kiểm toán, từ năm 2012, theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập, VACPA đã bàn giao lại công việc đăng ký hành nghề kiểm toán về Bộ Tài chính. Từ tháng 10/2011, các doanh nghiệp kiểm toán thực hiện đăng ký hành nghề kiểm toán năm 2012 tại Bộ Tài chính. Danh sách công khai doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán đăng ký hành nghề vẫn được công bố trên website VACPA.

10. VACPA công bố lộ trình phát triển đến năm 2020
Được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, ngày 15/07/2011, tại Quyết định số 196-2011/QĐ-VACPA, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam đã ban hành và công bố Lộ trình phát triển đến năm 2020.
Theo Lộ trình, đến năm 2020, VACPA sẽ có tổ chức bộ máy là 40-50 người, có đủ năng lực, uy tín, ổn định với hệ thống các cơ chế chính sách hoạt động đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm phát triển vững bền, và thực hiện thêm các chức năng: Tham gia hoàn thiện hệ thống thể chế về kiểm toán độc lập; tổ chức soạn thảo Chuẩn mực kiểm toán và các tài liệu hướng dẫn; Tổ chức các khóa đào tạo cho trợ lý kiểm toán viên và người quan tâm; Tham gia tổ chức thi hoặc được Bộ Tài chính ủy quyền tổ chức thi trình Bộ Tài chính cấp Chứng chỉ kiểm toán viên.
***
Kết thúc năm 2011, bước sang năm mới 2012, VACPA hy vọng sẽ tiếp tục là người đồng hành đáng tin cậy của hội viên, kiểm toán viên và các công ty kiểm toán tại Việt Nam, cùng chung tay xây dựng ngành kiểm toán độc lập ngày càng vững mạnh, góp phần minh bạch hóa thông tin tài chính, phục vụ lợi ích của nhà đầu tư và công chúng.

(Theo VACPA)

Popular Posts