Wednesday, 22 February 2012

Kiểm toán nội bộ: Cần bịt 'khoảng trống' pháp lý

Trong khi kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước đã được điều chỉnh hoạt động bằng hệ thống văn bản pháp lý khá hoàn chỉnh, từ luật đến nghị định, hệ thống chuẩn mực kế toán và thông tư hướng dẫn, thì đến nay hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán nội bộ (KTNB) ở Việt Nam vẫn còn rất sơ sài.

Phan Hằng Phương

T

hực ra, từ thời điểm những năm 1997, 1998, Nhà nước đã quan tâm đến việc xây dựng bộ máy KTNB trong các doanh nghiệp nhà nước. Với việc ban hành Quyết định số 832/TC-QĐ-CĐKT ngày 28/10/1997; Thông tư số 52/1998/TT-BTC ngày 14/06/1998 và Thông tư 171/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998, Bộ Tài chính đã bước đầu tạo ra một hành lang pháp lý cho hệ thống KTNB trong các DN nhà nước. Cụ thể, Thông tư số 171/1998/TT-BTC, hướng dẫn thực hiện KTNB tại DN nhà nước đã quy định: "KTNB là công việc thường xuyên của DN, do DN tổ chức thực hiện, nhằm đảm bảo độ tin cậy của các số liệu kế toán và các thông tin trong báo cáo tài chính của DN... Tùy thuộc vào quy mô sản xuất kinh doanh, địa bàn hoạt động tập trung hay phân tán, điều kiện cụ thể và trình độ năng lực của đội ngũ kế toán..., DN có thể lựa chọn bộ máy KTNB cho phù hợp và có hiệu quả thiết thực. Bộ máy KTNB chịu sự chỉ đạo trực tiếp của tổng giám đốc (giám đốc DN)".

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện, mô hình KTNB trong các DN nhà nước đã sớm "phá sản" bởi các DN nhà nước phản ánh, nếu thực hiện đúng quy định, biên chế sẽ tăng lên rất nhiều (!). Đây là nguyên nhân khiến đến tận hôm nay, hầu hết các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn chưa thành lập được bộ phận KTNB, hoặc nếu có thì cũng "gộp" KTNB vào ban kế toán tài chính.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước - lực lượng được coi là "đầu tàu" của nền kinh tế còn như vậy, nên thật dễ hiểu khi quy định về KTNB vẫn khá xa lạ với hầu hết DNNY. Thừa nhận hiện đang có "khoảng trống pháp lý" về KTNB trong công ty niêm yết, một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán cho biết, Luật DN năm 2005 và Quy chế quản trị công ty niêm yết do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành, 2 văn bản điều chỉnh hoạt động của DNNY không có quy định bắt buộc phải thành lập bộ phận KTNB trong loại hình DN này.

Riêng với hệ thống ngân hàng, do mức độ nhạy cảm của hoạt động tín dụng trong nền kinh tế, nên gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm đến việc thiết lập hệ thống KTNB, với việc ban hành Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và KTNB của hệ thống tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thêm một văn bản nữa đề cập tới vấn đề KTNB, là Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012). Nhằm hỗ trợ cho kiểm toán độc lập hoạt động hiệu quả, Điều 57 của Luật này quy định về trách nhiệm của đơn vị có lợi ích công chúng như sau: "1. Xây dựng và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp và có hiệu quả. 2. Tổ chức KTNB theo quy định của pháp luật để bảo vệ an toàn tài sản; đánh giá chất lượng và độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính, việc chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và quy định của đơn vị".

Tuy nhiên, từng đó quy định là chưa đủ để các DNNY có được nhận thức đúng đắn về KTNB, chưa nói tới việc thực hiện xây dựng, vận hành tổ chức này một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp. Theo ông Phan Lê Thành Long, Phó TGĐ Công ty kiểm toán Mekong NAG, xuất phát từ việc khuôn khổ pháp lý không quy định, nên hiện nay, chưa có DNNY nào có ủy ban kiểm toán đúng nghĩa, mà nếu có thì bộ phận KTNB lại thuộc ban kiểm soát chứ không phải chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc. Bộ phận KTNB hiện cũng mới chỉ có tại một vài DN lớn, còn lại hầu hết các DNNY đều xa lạ với khái niệm trên. Đây là một trong những lý do khiến UBCK đang dự thảo Thông tư về Quản trị công ty (corporate governance) dự kiến có những yêu cầu về vấn đề này.

Đối với mỗi DN, vai trò cụ thể của KTNB là đánh giá rủi ro gian lận, điều tra ban đầu hoặc điều tra toàn diện các trường hợp nghi ngờ có gian lận, khuyến nghị cải tiến các biện pháp kiểm soát gian lận, theo dõi đường dây nóng tố giác/báo cáo gian lận và tiến hành các buổi đào tạo về đạo đức trong DN. Bởi vậy, KTNB được coi là tuyến phòng thủ hàng đầu nhằm chống gian lận trong nội bộ DN. Mong rằng các quy định pháp lý về KTNB cần sớm được Nhà nước ban hành như một yêu cầu bắt buộc đối với DNNY nhằm góp phần minh bạch tình hình tài chính DN, hạn chế những "góc khuất" vốn tồn tại không ít trong công tác tài chính tại các DNNY hiện nay.

(Theo ĐTCK)

Nguon: VACPA

Tuesday, 21 February 2012

Kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm tài chính tại PetroVietnam

Tuy nhiên, việc khắc phục sai phạm tại PVN vẫn còn rất chậm. Tập đoàn mới chỉ nộp NSNN khoảng một nửa số tiền mà kiểm toán kiến nghị từ năm 2010.
Khoản tiền EVN còn nợ khiến PVN chậm tiến độ trong thanh toán các khoản phải nộp cho NSNN.

Theo nguồn tin từ Kiểm toán Nhà nước (KTNN), tổng số tiền cơ quan này kiến nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải nộp ngân sách lên tới trên 185,76 tỉ đồng.

Tuy nhiên PVN và các đơn vị thành viên mới chỉ thực hiện nghĩa vụ và nộp vào NSNN 91,388 tỷ đồng, bằng 49% so kiến nghị của KTNN.

Số chưa thực hiện vẫn còn tới 94,388 tỷ đồng, bằng 51% số kiến nghị của KTNN.

Sau khi làm việc với PVN, KTNN đã xác định được một số nguyên nhân cản trở. Trong đó, 12,77 tỷ đồng còn “khất” là khoản tiền thuế thu nhập doanh nghiệp mà Tổng công ty điện lực phải nộp thay nhà thầu về tiền lãi vay của ngân hàng Calyon đang làm thủ tục miễn thuế tại Cục thuế Hà Nội.

Bên cạnh đó, đáng kể hơn là số 81,54 tỷ đồng cũng chưa thanh toán. Kiểm toán xác định do Tổng công ty Điện lực dầu khí chưa thu được tiền bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tính đến thời điểm 8/11/2011 số tiền EVN còn nợ Tổng công ty Điện lực dầu khí là 11.981,08 tỷ đồng và phía dầu khí đã đề nghị Công ty mua bán điện thanh toán khoản nợ này trước 31/12/2011.

Một số chỉ tiêu tài chính PVN phải nộp cho NSNN (đơn vị: tỷ đồng).

KTNN đề nghị Tập đoàn chỉ đạo Tổng công ty điện lực Dầu khí sớm thu nợ EVN khoản này, đồng thời nộp ngân sách nhà nước khoản thuế giá trị gia tăng theo kiến nghị kiểm toán vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, cũng theo nguồn tin từ KTNN thì trong quá trình làm việc với EVN, cơ quan này đã phát hiện việc Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam thực hiện hỗ trợ lãi suất sai quy định, sai đối tượng gần 6 tỷ đồng. Khoản này đã được Tổng công ty thu hồi.

PVN còn mắc nhiều sai phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng cơ bản tại 3 dự án Văn phòng Viện Dầu khí, Trung tâm Tài chính Dầu khí và Khách sạn Dầu khí Vũng Tàu. PVN đã phải giảm trừ khi thanh, quyết toán các dự án này.

Nguồn tin kiểm toán cũng tiết lộ, cơ quan KTNN đã có chỉ đạo tới Tổng công ty Dầu Việt Nam khắc phục những tồn tại trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đại diện phần vốn nhà nước liên quan tại CTCP Dầu khí Mê Kông - Petromekong (niên độ 2008-2009) dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Theo đó, Tập đoàn đã thực hiện tái cấu trúc 2 đơn vị, tổ chức cán bộ có thay đổi những chức danh quan trọng như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc.

(Theo Dantri)

Kiểm toán doanh nghiệp niêm yết: Những vấn đề của 2012

Từ ngày 1/1/2012, Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực. Để đảm bảo tính minh bạch trong BCTC của các DN, có nhiều công việc cần phải được thực hiện đối với cả cơ quan quản lý, công ty kiểm toán và DN. Để đảm bảo tính minh bạch trong BCTC của các DN, có nhiều công việc cần phải được thực hiện đối với cả cơ quan quản lý, công ty kiểm toán và DN.

ThS Nguyễn Thanh Tùng

Phó TGĐ Công ty Kiểm toán AASC

Thuận lợi

Từ ngày 1/1/2012, Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực, với quy định chặt chẽ hơn về điều kiện của kiểm toán viên (KTV) hành nghề, điều kiện thành lập và hoạt động của DN kiểm toán, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ kiểm toán.

Từ ngày 1/7/2011, quy chế về quản trị công ty và điều lệ mẫu được áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng (CTĐC), thay vì chỉ áp dụng cho DN niêm yết như trước đó. Với việc áp dụng các quy định này, DN phải đáp ứng được những điều kiện chặt chẽ về mặt tài chính, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, cũng như cơ cấu tổ chức...

Trong khi đó, UBCK đã yêu cầu các DN niêm yết phải thực hiện soát xét BCTC bán niên. Đây là quy định phù hợp với thực tiễn, làm giảm áp lực về thời gian cho công ty kiểm toán (CTKT) vào cuối kỳ. Ngoài ra, các CTKT và KTV sau nhiều năm thực hiện dịch vụ kiểm toán cho các DN niêm yết, đặc biệt là năm 2011, đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm khi kiểm toán BCTC.

Khó khăn

Tuy nhiên, trong hoạt động kiểm toán, một số nghiệp vụ thực tế phát sinh, vướng mắc từ nhiều năm trước vẫn chưa được hướng dẫn như: trích lập dự phòng đối với cổ phiếu OTC trong trường hợp hầu như không có giao dịch; góp vốn bằng thương hiệu; ghi nhận lợi thế thương mại phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa các công ty chịu sự kiểm soát chi phối của công ty nắm quyền kiểm soát…

Hơn nữa, một số văn bản pháp luật đưa ra hướng dẫn chưa sát với tình hình thực tế, thậm chí trái với các văn bản đã ban hành, dẫn đến việc các DN có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất đối với cùng một vấn đề. Điển hình là việc xử lý chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ.

Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh bằng giá phí giữa các CTKT diễn ra ngày càng phổ biến, có thể dẫn đến nguy cơ KTV không thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán, làm hạn chế chất lượng kiểm toán.

Năm qua, hầu hết DN đối mặt với tình trạng doanh thu bán hàng giảm, hàng hóa chậm luân chuyển, trong khi lãi suất ngân hàng cao, chi phí đầu vào tăng, dẫn đến nhiều DN không hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Thậm chí, có DN thua lỗ nặng, khó có khả năng thanh toán. Điều này có thể dẫn đến việc DN có những gian lận để “làm đẹp” BCTC, nhằm đạt các mục đích khác nhau.

Rủi ro này ảnh hưởng đến các CTKT là cao, vì trong không ít trường hợp, dù KTV đã thực hiện đủ các thủ tục theo quy trình và chuẩn mực, nhưng vẫn không thể phát hiện được được hết các gian lận từ phía DN.

Chính bởi xác định rủi ro cao, áp lực lớn, nên đã có một số CTKT xin đăng ký để được UBCK chấp thuận kiểm toán DN niêm yết nhằm “làm đẹp” hồ sơ chào hàng, chứ thực tế không muốn tham gia kiểm toán các DN niêm yết.

Để đảm bảo tính minh bạch trong BCTC của DN niêm yết, CTĐC và quyền lợi của NĐT, Bộ Tài chính cần có quy định thống nhất trong việc xử lý chênh lệch tỷ giá, quy định về việc trích lập dự phòng đối với cổ phiếu OTC trong trường hợp hầu như không có giao dịch, góp vốn bằng thương hiệu, ghi nhận lợi thế thương mại phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa các công ty chịu sự kiểm soát chi phối của công ty nắm quyền kiểm soát… Ngoài ra, Bộ Tài chính cần đẩy nhanh việc sửa đổi hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam, dựa trên cơ sở chuẩn mực lập và trình bày BCTC quốc tế hiện hành.

Đối với UBCK, hàng năm, cơ quan này nên phối hợp với Vụ Chế độ kế toán kiểm toán (Bộ Tài chính), Hội Kiểm toán viên hành nghề tổ chức hội thảo để rút kinh nghiệm về những sai sót trong quá trình kiểm toán với các CTKT được UBCK chấp thuận. Đặc biệt, cần đưa ra ý kiến về xử lý các trường hợp chưa có quy định hoặc quy định không thống nhất giữa các văn bản pháp quy để các CTKT có hướng xử lý thống nhất.

Về phía DN, nên quyết định lựa chọn CTKT có uy tín, chất lượng để thực hiện kiểm toán BCTC, không nên đặt tiêu thức giá phí rẻ để lựa chọn CTKT. DN nên yêu cầu KTV phải giải trình trong ĐHCĐ về ý kiến ngoại trừ của KTV trong báo cáo kiểm toán. Mặt khác, chủ động phối hợp với KTV trong việc cung cấp hồ sơ, xử lý các vướng mắc và soát xét số liệu kế toán trước khi phát hành BCTC, để hạn chế sự khác biệt giữa BCTC trước kiểm toán và BCTC đã được kiểm toán.

(Theo ĐTCK)
Nguon: VACPA

Kiểm toán nội bộ: Tuyến phòng thủ quá yếu

Kiểm toán nội bộ (KTNB) được coi là tuyến phòng thủ hàng đầu chống lại gian lận trong DN. Tuy nhiên, tại các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) Việt Nam, tuyến phòng thủ này không được các DN xây dựng hoặc nếu có cũng chỉ để làm vì:

Phan Hằng Phương

Tuyến phòng thủ gian lận

Lâu nay, NĐT thường quy toàn bộ trách nhiệm đối với sự chính xác, minh bạch của thông tin tài chính của DNNY cho công ty kiểm toán, mà ít biết rằng kiểm toán độc lập chỉ là tổ chức bên ngoài, thực hiện công việc xác nhận việc lập BCTC của DN có tuân thủ các chuẩn mực kế toán, các số liệu được trình bày trên BCTC có phản ánh tính trung thực, hợp lý của tình hình tài chính của DN hay không.

Theo giám đốc một công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán DNNY, nếu DN cố tình gian lận thì việc BCTC sau kiểm toán không phản ánh chính xác tình hình tài chính của DN là điều khó tránh khỏi. Theo ông này, để ngăn chặn rủi ro sai lệnh thông tin trên BCTC, bộ phận kiểm toán nội bộ trong DN chiếm vị trí rất quan trọng, như một tuyến phòng phủ gian lận bên trọng DN, với việc giám sát hoạt động lập và trình bày BCTC của bộ phận kế toán và thực hiện kiểm toán BCTC của DN. Chỉ khi tuyến phòng thủ này hoạt động tốt, thì thông tin tài chính của DN mới có thể chính xác, minh bạch.

Một chuyên gia của Bộ Tài chính cho biết, tại các quốc gia phát triển trên thế giới, KTNB được quan tâm phát triển từ những thập niên 40 của thế kỷ trước. KTNB là một bộ phận trong DN, được coi là công cụ của lãnh đạo DN trong việc đánh giá, phân tích tình hình hoạt động của DN, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và nghị quyết, quyết định của lãnh đạo DN; đồng thời, kiểm tra, đánh giá thông tin trên các BCTC, báo cáo quản trị, đảm bảo BCTC được kịp thời và phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh theo các chế độ. Nếu hoạt động đúng những chức năng này, KTNB sẽ kịp thời phát hiện ra những yếu kém, bất ổn của DN.

Cũng theo chuyên gia này, ở các quốc gia phát triển, bộ phận KTNB hoạt động dưới sự điều hành của HĐQT, giúp chủ sở hữu vốn trong DN giám sát hoạt động của Ban điều hành DN. Thậm chí, bộ phận KTNB trong DN còn giúp HĐQT thẩm định tính độc lập giữa ban điều hành và công ty kiểm toán, tránh những thông đồng (có thể xảy ra), làm ảnh hưởng đến tính trung thực của BCTC.

Vừa thiếu vừa yếu

Nhưng đó là chuyện của các quốc gia phát triển, còn ở nước ta, theo đánh giá của một chuyên gia kiểm toán, hiện đang thực hiện công tác tư vấn xây dựng hệ thống KTNB cho một ngân hàng thì: "KTNB ở Việt Nam hiện nay vừa thiếu vừa yếu". Vị chuyên gia này cho biết, KTNB chưa được nhận thức đúng vai trò, thậm chí còn bị nhầm lẫn với kiểm soát nội bộ (thuộc ban điều hành), trong khi, đúng ra, KTNB phải dưới sự điều hành của HĐQT. Đa phần các DNNY hiện nay chỉ có ban kiểm soát mà không xây dựng riêng được bộ phận KTNB, hoặc nếu thiết lập được bộ phận này thì hoạt động cũng rất mờ nhạt, do vậy, công tác giám sát, phát hiện rủi ro, gian lận của DN rất yếu kém. Ngoại trừ các ngân hàng với yêu cầu rất cao về báo cáo tình hình tài chính trong hệ thống, bắt buộc phải thiết lập được bộ máy KTNB, còn lại đa phần DNNY vẫn chưa thấy được vai trò quan trọng của bộ phận này trong hoạt động của DN mình. Ngay cả những DNNY hàng đầu Việt Nam, có doanh thu hàng tỷ USD/năm và vốn được coi là hoạt động kinh doanh bài bản như Vinamilk hay FPT, bộ phận KTNB cũng mới chỉ được thiết lập khoảng 1- 2 năm trở lại đây và vẫn thuộc ban kiểm soát. Dễ hiểu là những DN có quy mô nhỏ hoặc tầm trung chưa quan tâm đến công tác này.

Trong khi hoạt động KTNB được thừa nhận như một trong ba loại hình kiểm toán (cùng với kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập) và hai "người anh em" kia gần đây rất được quan tâm phát triển thì KTNB lại chưa được quan tâm thích đáng. Nếu như ở các quốc gia phát triển, lực lượng kiểm toán viên nội bộ rất đông đảo, hoạt động chuyên nghiệp, phải đáp ứng bằng cấp chuyên môn về lĩnh vực này và có hẳn hiệp hội nghề nghiệp của những người làm KTNB, thì tại nước ta, những khái niệm này còn khá xa lạ.

Theo chuyên gia của Bộ Tài chính, ở Việt Nam, lĩnh vực hoạt động KTNB vẫn chưa thu hút được nguồn nhân lực có chuyên môn cao về lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Mặc dù trong yêu cầu tuyển dụng vị trí kiểm toán viên nội bộ của nhiều ngân hàng đều có ưu tiên người có chứng chỉ kiểm toán viên trong nước và một số chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế được thừa nhận ở Việt Nam, nhưng theo thống kê của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, trong tổng số 1.600 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề thì có khoảng 1.400 người đã đăng ký hành nghề kiểm toán. Có nghĩa là chỉ còn khoảng 200 người không đăng ký hành nghề kiểm toán, trong đó, chiếm một tỷ lệ không nhỏ là giảng viên của các trường đại học. Với phép ngoại trừ đó, số người có chứng chỉ nghề nghiệp kiểm toán làm việc tại bộ phận KTNB (nếu có) cũng là một con số thật khiêm tốn.

Không được quan tâm phát triển trình độ chuyên môn của kiểm toán viên nội bộ chưa được quy chuẩn, do vậy, tuyến phòng thủ sai sót, gian lận về tài chính bên trong doanh nghiệp gần như để ngỏ. Chính vì vậy, một kiểm toán viên đã chia sẻ, trong quá trình thực hiện kiểm toán tại các ngân hàng niêm yết, KTNB hỗ trợ cho công việc của đoàn kiểm toán rất nhiều, nhưng khi kiểm toán các DNNY thông thường, bộ phận KTNB không được thiết lập hoặc hoạt động kém hiệu quả thì kiểm toán độc lập phải "đơn phương tác chiến".

(Theo ĐTCK)

Nguon: VACPA

Wednesday, 15 February 2012

Cả đời si mê nghề nghiệp kế toán, kiểm toán

C¶ ®êi si mª víi nghÒ nghiÖp

kÕ to¸n, kiÓm to¸n

Ông Bùi Văn Mai

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký

Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

Nguyên Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán

Bộ Tài chính trong 10 năm (1998-2008)

Ông Bùi Văn Mai

Trong một cuộc giao lưu với sinh viên Học viện Tài chính Hà Nội, có bạn sinh viên hỏi tôi: “Nếu Bác còn trẻ, được chọn lại nghề nghiệp cho mình thì bác sẽ chọn nghề gì?” Tôi cảm ơn câu hỏi ấy và trả lời ngay: “Bác vẫn chọn nghề kế toán, kiểm toán”.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính 11/10/1956-2011, tôi bồi hồi nhớ lại những suy nghĩ và cảm nhận về nghề nghiệp của cả đời mình trong 40 năm qua.

Tháng 8 năm 1967, khi đó còn chiến tranh bắn phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, tôi nhận được giấy báo nhập học Trường cán bộ tài chính, kế toán, ngân hàng Trung ương đang sơ tán tại huyện Lập Thạch, Tỉnh Vĩnh Phú. Cái tên trường thật dài và không có chữ Đại học ấy cũng không gây cho tôi ấn tượng gì. Tôi chỉ nghĩ đơn giản: Có lẽ bố tôi công tác ở Bộ Tài chính nên họ gọi tôi đi học trường có chữ Tài chính.

Không thể nói hết nỗi vất vả trong cuộc sống sinh viên lúc ấy: hầu như không có một đồng tiền trong túi, phải tự làm nhà ở, hội trường học, chăn nuôi, trồng trọt, đào hào, không có một bộ quần áo lành lặn…việc học tập cũng cực kỳ khó khăn: học trên bàn tre, nứa tự làm, đèn dầu hỏa, không có tài liệu phát cho học sinh; thầy, cô đọc bài cho chép, ghi được gì thì biết thế, không có hầu như một phương tiện thông tin, tham khảo nào…chỉ được cái là nội dung học khi đó chưa nặng nề như hiện nay; học sinh trao đổi, thảo luận rất nhiều…

Tôi nhớ nhất những khái niệm trừu tượng về kế toán, nhất là chữ Nợ/Có; bên Nợ, bên Có; Tài sản Nợ, Tài sản Có…không có liên hệ gì với cuộc sống. Thầy, cô nói nhiều lần cũng không hiểu được. Có lần làm bài kiểm tra có bút toán: Tài sản Có tăng do nguồn tăng; Tài sản Có tăng do Tài sản Có khác giảm…tôi căng đầu không hiểu được, nhìn sang bạn, thấy bạn viết thế nào thì chép lại như thế…

Thế rồi cái khoa học, logic, chặt chẽ, tài tình của hai chữ Nợ/Có cho phép con người có thể phản ánh toàn bộ cái phức tạp, phong phú, rối rắm của hoạt động kinh tế, kinh doanh, sản xuất và phi sản xuất của một doanh nghiệp, một tổ chức và cả một ngành, thậm chí cả nước…vào một bản báo cáo tài chính, mà nếu là người có chuyên môn và kinh nghiệm có thể phân tích, đánh giá cả ngày về tình hình và kết quả kinh doanh, tài sản, tài chính của đơn vị đó…đã thu hút tôi từ lúc nào. Đến nay, ngoảnh lại đã 40 năm si mê, mết mệt về nó.

Nhận quyết định tiếp nhận cán bộ tập sự tại Vụ Chế độ kế toán và Báo biểu (Tên Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán lúc đó), tôi đến Vụ vào ngày 6/9/1972 do một bác chuyên viên ở Vụ Tổ chức cán bộ dẫn đến. Anh Trương Công Phú lúc đó là Phó Trưởng phòng Chế độ kế toán Xây dựng cơ bản đón tiếp tôi và dẫn sang gặp Bác Ngô Văn Ngộ - Vụ trưởng. Lần đầu tiên đến Bộ Tài chính, gặp các bác trong Vụ hầu hết đều là người lớn tuổi, cảm giác bỡ ngỡ, sợ sệt còn đeo bám tôi đến 10 ngày sau mới dám quay số điện thoại gọi hỏi thăm các bạn cùng lớp về cơ quan khác.

Với bản tính cần cù, ham công, tiếc việc…được bố tôi dạy bảo từ nhỏ và suy nghĩ sẽ cố gắng làm tất cả mọi việc được giao, dù chỉ là đọc, soát tài liệu, chép lại bản thảo viết tay do bị sửa chữa qua nhiều người; sắp xếp, dán tài liệu đi, đến vào các cặp có gáy…cho đến việc lau dọn bàn ghế, trình bày báo tường, đi thăm hỏi người ốm; đưa hàng hóa, thực phẩm do Vụ chia cho các gia đình…tôi đều làm cật lực, miệt mài. Về chuyên môn, mấy năm đầu hầu như chỉ là tự đọc tài liệu, đi thực tế ở các công trường, nhà máy…xem họ làm kế toán thế nào, tham gia và hướng dẫn họ làm những gì mình biết…Sau mấy năm, được Phòng và Vụ giao, tôi hăm hở viết các bài giảng đầu tiên về kế toán vật liệu, kế toán vật rẻ tiền mau hỏng, kế toán tài sản cố định…rồi được cử đi giảng ở các tỉnh xa. Cho đến năm 1978-1979, tôi đã được cử đi giảng nguyên một lớp chế độ kế toán doanh nghiệp cho các tỉnh Hậu Giang, Bến Tre…; và năm 1985-1986 đã đi giảng nguyên lớp cho kế toán trưởng ngành du lịch ở Vũng Tàu, kế toán trưởng ngành Hàng Hải ở Nhà Trang…Văn bản chế độ kế toán những năm đó ban hành rất ít, cán bộ trẻ hầu hết chỉ đi kiểm tra kế toán và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện…

Từ năm 1970, hệ thống kế toán Việt Nam làm theo hệ thống kế toán thống nhất của Liên Xô (cũ), năm 1983-1985 tôi được cử đi học nâng cao ở Lêningrát. Về làm việc 2 năm lại được cử đi làm chuyên gia tài chính – kế toán ở Campuchia (1987/1988). Bước vào thời kỳ đầu đổi mới, tôi được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng Vụ chế độ kế toán và được cử đón tiếp và làm việc với người nước ngoài đã giúp tôi học tập được thật nhiều. Những hiểu biết mới về lĩnh vực kế toán theo chuẩn mực quốc tế và lĩnh vực kiểm toán độc lập đã thu hút tâm trí, sức sực còn trẻ trung, sung sức…và mong muốn khám phá một nghề nghiệp mới – kiểm toán độc lập, đã giúp tôi hăm hở nhận chức danh: Giám đốc công ty kiểm toán Việt Nam (VACO) từ 13/5/1991.

Từ quan chức nhà nước quen với chế độ, chính sách, sang làm kinh doanh quả là không đơn giản; phải cạnh tranh, marketing, quảng bá sản phẩm, thu chi bằng tiền thực, lo toan cho người lao động…nhưng không làm giảm tâm huyết của tôi dành cho chuyên môn, nghề nghiệp kiểm toán mới mẻ. Lại những khái niệm thật mới về kiểm toán độc lập, quy trình, thủ tục hành nghề mới…đã giúp tôi lớn lên thật nhiều không chỉ cái hay, mặt phải mà còn cả cái dở, mặt trái của nghề nghiệp. Rủi ro nghề nghiệp và va chạm xã hội, đồng tiền…đã giúp tôi cứng cáp, vững vàng hẳn lên. Những chuyến đi học tập, khảo sát nước ngoài liên tục; kiến thức, kinh nghiệm quốc tế giúp tôi thay đổi cách nhìn nhận về Việt Nam: “Xét về từng con người riêng lẻ, Việt Nam ta rất nhiều nhân tài. Hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân mình cũng không thua, không kém cỏi so với các chuyên gia quốc tế danh tiếng mà mình đã gặp và cùng làm việc…Vậy sao chúng ta vẫn chưa làm được những gì các bạn đã làm. Riêng về nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cũng vậy…”

Với nhận thức mới như vậy, tôi đã dành hết tâm trí, nghị lực đúng vào thời sung mãn nhất cho việc xây dựng và phát triển Công ty kiểm toán Việt Nam VACO (Deloitte Việt Nam hiện nay). Tuy chưa đến đích vẻ vang như ngày nay, nhưng những nền tảng có được ở VACO đến năm 1998 là đã trở thành công ty kiểm toán Việt Nam lớn nhất, là thành viên một phần của Hãng kiểm toán quốc tế Deloitte – một trong 4 hãng Big 4 lớn nhất thế giới; VACO cũng là công ty tiền thân, đi đầu góp phần hình thành và phát triển ngành kiểm toán độc lập Việt Nam trong 20 năm qua.

Tháng 7/1998, tôi được Bộ điều động trở lại làm Vụ trưởng Vụ chế độ kế toán và kiểm toán, tôi hơi bị đột ngột vì những ý tưởng còn dở dang ở VACO, nhưng cũng thấy vui với công việc mới dự kiến. Lúc đó vừa kết thúc Dự án kế toán – kiểm toán EuroTapViet, cánh cửa quốc tế rộng mở; bạn bè đồng nghiệp quốc tế bắt đầu biết đến Việt Nam và sẵn lòng hỗ trợ. Cả một núi công việc bày ra trước mắt. Thật là vất vả nhưng cũng thật là may mắn, có lẽ chưa bao giờ Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán có một đội ngũ cán bộ trẻ trung và sung sức như vậy. Tất cả đều được đào tạo theo thông lệ quốc tế qua 4 năm dự án EuroTapViet; 2 Phó Giáo sư, 6 Tiến sĩ, 8 Thạc sĩ; công việc lại đúng vào giai đoạn 2 đổi mới toàn diện hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam theo kinh tế thị trường, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cộng với những gì đã kết tinh được trong gần 30 năm học tập, làm việc tại Vụ và thực hành kế toán, kiểm toán tại công ty VACO đã giúp tôi phát lộ trong 10 năm làm Vụ trưởng. Có lẽ chưa có thời kỳ nào trong 55 năm qua Vụ ta gặt hái nhiều thành công đến thế, đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ mang ý nghĩa to lớn là đổi mới toàn diện, triệt để hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể: đã ban hành Luật kế toán (2003), 4 Nghị định hướng dẫn Luật, 2 Nghị định, nhiều thông tư, quyết định về kiểm toán độc lập, công bố 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam, ban hành nhiều thông tư hướng dẫn chuẩn mực kế toán, nhiều chế độ kế toán doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chế độ kế toán hành chính sự nghiệp…Đã công bố 37 chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức kế toán, kiểm toán. Đã tổ chức thành công Hội nghị kế toán toàn quốc, tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh kế toán, thống kê (1988/2003), tổ chức Đại hội kế toán các nước Asean (2005), Hội nghị tổng kết 10 năm (1991-2001) và 15 năm (1991-2006) kiểm toán độc lập; thành lập Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA); lần đầu tiên chuyển giao một số công việc cho Hội nghề nghiệp; tạo lập và duy trì liên tục các kỳ gặp mặt cuối năm các thế hệ cán bộ Vụ Chế độ kế toán tại cả 2 miền hoặc tập trung cả nước. Lần đầu tiên Vụ chế độ kế toán và kiểm toán tổ chức kỷ niệm 45 năm và 50 năm thành lập Vụ…Những cán bộ, chuyên viên của Vụ trong 10 năm ấy hoàn toàn có quyền tự hào về những gì Vụ đã làm được khi đón nhận Huân chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước trao tặng Vụ.

Kết thúc công việc ở Vụ, không một ngày nghỉ, tôi lại chuyển sang làm Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thường trực Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) – một Hội nghề nghiệp mới mẻ, một mô hình Hội hoàn toàn mới đã hình thành từ năm 2005 và nay đang định dạng hoạt động, xác định chỗ đứng trên thương trường và trong lòng đồng nghiệp trong nước và bạn bè quốc tế. Trong các Hội xã hội nghề nghiệp đã có, cũng chưa từng có hội nào trực tiếp thực hiện soạn thảo văn bản pháp luật (chuẩn mực kiểm toán) trình Bộ ban hành; tham gia xây dựng văn bản pháp luật sát sao, thực tế; đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn bài bản, hiệu quả cho kiểm toán viên; tư vấn chuyên môn hàng ngày; thực hiện kiểm tra chất lượng dịch vụ sát sao và nhiều hoạt động khác có chất lượng, hiệu quả…như VACPA. VACPA cũng là tổ chức tự chủ tài chính và là nơi hội tụ nghề nghiệp của hơn 170 công ty kiểm toán, gần 2000 kiểm toán viên…

***

Mỗi người đều có ít nhất một nghề, nhưng chỉ trở thành nghiệp khi mình thực sự yêu thích, say mê, tâm huyết và dành trọn vẹn niềm tin. Nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tưởng như khô khan là thế, nhưng nó đã làm tôi si mê, mết mệt cả đời mình. Nghề không phụ người mà đã giúp tôi có được những gì các bạn đang thấy. 40 năm một nghiệp nghề và có thể thời gian còn hơn thế. Nhưng cho đến lúc này, tôi thấy lòng mình thật thanh thản vì đã sống, đã cống hiến cho nghề nghiệp và cho đời.

(Định Công – Hà Nội 3/1 Xuân 2012)

Nguon: VACPA

Ảnh hưởng của tính trọng yếu vào thực hành kế toán

Trọng yếu là một khái niệm rất quan trọng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Trong thực hành kế toán, kế toán viên cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về tính trọng yếu để tránh đưa ra quyết định theo ý tưởng chủ quan. Dường như thực hành kế toán và phán đoán chủ quan có ảnh hưởng lớn trong việc xem xét mức trọng yếu về các sự kiện và các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong doanh nghiệp.

TS. Trần Mạnh Dũng (CPA)
Đại học Macquarie - Australia

Giới thiệu

Áp dụng khái niệm trọng yếu không phải là vấn đề mới. Tính trọng yếu được áp dụng cho hầu hết các quyết định liên quan đến các hoạt động kinh tế. Từ những năm 1800, Tòa án Vương Quốc Anh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trình bày các thông tin cho những người sử dụng Báo cáo tài chính (BCTC). Tại Hoa Kỳ, tầm quan trọng và ảnh hưởng của tính trọng yếu được tranh luận gay gắt sau khi Luật An ninh năm 1933 ban hành. Khái niệm trọng yếu là rất quan trọng cho mọi quyết định kinh tế. Ảnh hưởng của trọng yếu là điểm mấu chốt để hiểu và áp dụng Chuẩn mực lập Báo cáo tài chính Quốc tế (International Financial Reporting Standards – IFRS), và lập và phân tích các thông tin trên BCTC.

Khái niệm trọng yếu giữ vai trò quan trọng trong việc ra quyết định liên quan đến lĩnh vực quản lý nói chung và lĩnh vực kế toán nói riêng. Các chỉ tiêu, nghiệp vụ, sự kiện được coi là không trọng yếu thì không cần trình bày tách biệt trên BCTC và bởi vậy những thông tin được coi là không trọng yếu thì không cần báo cáo cho những người sử dụng BCTC. Kỳ vọng của những người sử dụng BCTC là biết hết tất cả những thông tin được công bố (bao gồm thông tin bắt buộc và thông tin không bắt buộc). Theo Watts và Zimmerman (1986), trong một vài trường hợp cụ thể các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến những thông tin không bắt buộc phải công bố. Theo Bernstein (2001), rất đơn giản để hiểu về khái niệm trọng yếu nhưng việc áp dụng nó trong thực hành kế toán lại là vấn đề khó khăn.

Khái niệm trọng yếu

Theo tuyên bố số 2 – Đặc điểm định tính của thông tin kế toán (1980) của Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Tài chính Hoa Kỳ, trọng yếu được hiểu là độ lớn của thông tin bị bỏ sót hoặc sai phạm của thông tin kế toán dẫn đến khả năng việc phán xét dựa vào thông tin kế toán đó bị thay đổi hoặc bị ảnh hưởng bởi việc bỏ sót hoặc sai phạm đó (Đoạn 132).

Theo Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (1989) xác định thông tin được coi là trọng yếu như sau:

“Thông tin được coi là trọng yếu nếu việc bỏ sót thông tin hoặc sai phạm có thể ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế của những người sử dụng Báo cáo tài chính. Tính trọng yếu phụ thuộc vào quy mô của chỉ tiêu hoặc sai sót được phán xét trong những điều kiện cụ thể. Trọng yếu liên quan đến độ lớn hoặc bản chất của sai phạm (bao gồm cả việc bỏ sót thông tin tài chính) hoặc đơn lẻ hoặc tổng hợp lại với nhau) dẫn đến khả năng các quyết định kinh tế đưa ra bị ảnh hưởng”.

Theo Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 200 – Mục tiêu và nguyên tắc cơ bản chi phối kiểm toán BCTC, và Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 320 – Tính trọng yếu trong kiểm toán, trọng yếu được hiểu là thuật ngữ chỉ tầm quan trọng của một thông tin (số liệu kế toán) trên BCTC. Thông tin được coi là trọng yếu nếu thiếu thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế của những người sử dụng BCTC. Mức trọng yếu được xác định tùy theo từng điều kiện cụ thể và nó được xem xét cả trên tiêu chuẩn định lượng và định tính.

Dựa trên các khái niệm trên, sẽ không thực sự quá phức tạp để có thể hiểu được nội dung của trọng yếu. Nhưng những khái niệm này không cung cấp sự hướng dẫn thực tế để chỉ ra xem kế toán nên xác định mức trọng yếu như thế nào, mà chỉ đề cập rằng sự xét đoán nghề nghiệp của kế toán viên là quan trọng trong việc đưa ra quyết định. Điều này hàm ý rằng kế toán viên nên áp dụng sự xét đoán mang tính thuyết phục và hợp lý liên quan đến mức trọng yếu.

Phân loại trọng yếu

Một trong những hạn chế về việc đưa ra quyết định đó là bao nhiêu thông tin nên trình bày trên BCTC là đủ. Nếu kế toán viên muốn trình bày tất cả các sự kiện kinh tế, khi đó BCTC sẽ bao gồm hàng loạt các thông tin không cần thiết và điều này làm cho người đọc BCTC hiểu sai về bản chất của BCTC. Ngược lại, nếu kế toán viên không trình bày sự kiện kinh tế hoặc không chỉ ra các phương pháp và chính sách kế toán cũng làm cho người đọc hiểu sai về BCTC. Điều này có nghĩa rằng nhận thức hay sự xét đoán về mức trọng yếu của kế toán viên có thể khác với nhận thức về tính trọng yếu của người sử dụng BCTC. Bởi vậy, nhận định của kế toán kiên về tính trọng yếu là rất quan trọng. Việc xem xét xem sai phạm có ảnh hưởng trọng yếu hay không phụ thuộc vào tính đa dạng của đặc tính định lượng và định tính của thông tin kế toán.

Hướng dẫn thực tế về trọng yếu

Trọng yếu liên quan đến việc trình bày thông tin trên BCTC. Kế toán viên xem xét tất cả các sự kiện và nghiệp vụ kinh tế và quyết định xem có nên trình bày thông tin đó hay không. Trong việc chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình phán xét mức trọng yếu, Pattillo và Siebel (1974) phân loại thành nhân tố tài chính (gồm cả định tính và định lượng) và nhân tố phi tài chính (định tính và định lượng). Các nhân tố này bao gồm quy mô xác định hoặc tỷ lệ %; bản chất của thông tin; ảnh hưởng về yêu cầu kế toán và lập báo cáo; ảnh hưởng đến trình bày BCTC; đặc tính của công ty hoặc của ngành; môi trường kinh tế chung; khả năng quản lý; mong muốn của nhà quản lý, nhân viên kế toán hoặc kiểm toán viên bên ngoài.

Đo lường định lượng và định tính

Theo nhóm nghiên cứu Thompson (1990), các nhà ban hành chính sách không đưa ra hướng dẫn cụ thể nào về tính trọng yếu. Dựa trên các nghiên cứu về lĩnh vực kế toán, Thompson (1993) phân loại trọng yếu liên quan đến đo lường định tính theo ba khía cạnh, đó là theo phán đoán chủ quan, theo kinh nghiệm và theo bản chất vốn có của sai phạm.

Để kiểm tra cơ sở xác định mức trọng yếu do các công ty kiểm toán áp dụng, Woolsey (1954) sử dụng phiếu điều tra cho các kiểm toán viên. Woolsey nhận thấy rằng quyết định mức trọng yếu về một sự kiện dựa trên tỷ lệ % của sự kiện đó vào thu nhập hiện tại và cho rằng mức trọng yếu từ 5% đến 15% thu nhập trước thuế. Nhân tố kinh tế được xem xét để xác định mức trọng yếu. Một vài công ty kiểm toán xác định mức trọng yếu từ 5% đến 10% thu nhập thuần. Các cơ sở đo lường trọng yếu như xu hướng thu nhập hoặc tăng trưởng thu nhập đã được sử dụng. Các kiểm toán viên thường sử dụng ba đo lường định lượng, đó là ảnh hưởng % vào thu nhập thuần, ảnh hưởng % vào tổng doanh thu và ảnh hưởng % vào tổng tài sản (Kinney, 1986).

Do không có sự hướng dẫn cụ thể nào về xác định mức trọng yếu từ phía các nhà ban hành chính sách, kế toán viên thường sử dụng một vài nguyên tắc dựa vào bản chất của các khoản mục trên BCTC và quy mô của đơn vị. Cụ thể:

1. 10% đến 15% thu nhập thuần bình quân sau thuế cho từ 3 đến 5 năm gần đây nhất;

2. 5% đến 10% thu nhập của các năm hiện hành từ các hoạt động liên tục trước thuế;

3. 0,5% đến 2% tổng doanh thu hoặc tổng tài sản;

4. 1% đến 2% vốn chủ sở hữu.

Tỷ lệ % theo khoảng của các chỉ tiêu trên được dùng để đo lường mức trọng yếu có thể được hiểu như sau. Ví dụ, từ 0,5% đến 2% tổng doanh thu chỉ ra rằng nếu quy mô của thông tin sai phạm >2% doanh thu là trọng yếu; nếu quy mô sai phạm <0.5% doanh thu là không trọng yếu. Nếu quy mô sai phạm trong khoảng từ 0,5% đến 2% thì cần xem xét thêm và khi đó có thể xem xét thêm cơ sở xác định mức trọng yếu khác hoặc xin ý kiến của các chuyên gia.

Tính trọng yếu cần được xem xét cả về mặt định tính. Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (1999) cảnh báo các kiểm toán viên rằng nhân tố định tính cần được xem xét cùng với nhân tố định lượng. Nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của nhân tố phi tài chính vào nhận định chủ quan về tính trọng yếu. Krogstad (1984) chỉ ra 5 nhân tố phi tài chính có thể ảnh hưởng đến xét đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên, đó là xu thế ngành; ban quản lý doanh nghiệp; tình trạng kiểm soát nội bộ; nhóm người sử dụng BCTC; và các chính sách kế toán.

Messier (1983) cho rằng ngoài các chỉ tiêu tài chính như thu nhập, xu hướng lợi nhuận, tổng tài sản, hàng tồn kho, tỷ suất thanh toán hiện hành thì các nhân tố phi tài chính cũng rất quan trọng trong việc phán xét mức trọng yếu, đặc biệt là kinh nghiệm và loại hình doanh nghiệp. Bản tin Kế toán số 99 (1999) của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ thảo luận về tầm quan trọng của nhân tố định tính trong việc xem xét và xác định mức trọng yếu. Bản tin này khuyến khích kế toán viên mở rộng sự nhìn nhận của mình về mức trọng yếu và yêu cầu đánh giá bổ sung xem sai phạm nào là cố ý hay phạm pháp. Các sai phạm cố ý thường chỉ ra sự yếu kém của hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị. Bản tin Kế toán số 99 (1999) cũng cho rằng các sai phạm nhỏ cũng có thể ảnh hưởng trọng yếu như sự thay đổi lợi nhuận, thay đổi lỗ thành lãi, giấu diếm thất bại của đơn vị …

Kết luận

Các nhà ban hành chính sách cho rằng tính trọng yếu nên được xem xét bởi kế toán viên liên quan đến từng trường hợp cụ thể và quyết định không ban hành chuẩn mực về tính ứng dụng mức trọng yếu. Do vậy, kế toán viên được trao quyền tương đối rộng rãi trong việc sáng tạo các tiêu chuẩn đo lường trọng yếu tùy theo nhận định chủ quan của mình.

Do thiếu hướng dẫn cụ thể về việc xác định mức trọng yếu, phương pháp định tính và định lượng được thiết kế để xác định mức trọng yếu của các sai phạm trên BCTC. Phương pháp định tính yêu cầu kế toán viên xét đoán dựa trên kinh nghiệm chủ nghĩa và phương pháp định lượng dựa trên quy mô sai phạm của thông tin tài chính và phi tài chính.

Việc xác định sai phạm của thông tin có trọng yếu hay không, xét cả về định lượng và định tính, điều này tùy thuộc vào ý tưởng chủ quan của ban quản lý doanh nghiệp và người lập BCTC. Tuy nhiên, nếu xuất hiện hành vi cơ hội trong việc che dấu thông tin trọng yếu thì người sử dụng BCTC cũng không thể nào phát hiện ra được. Quả thật sẽ quá khó khăn cho người sử dụng BCTC đánh giá xem đơn vị có trình bày đầy đủ các thông tin (định tính và định lượng) trên BCTC hay không. Người sử dụng BCTC có thể tin tưởng vào chất lượng kiểm toán do các công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán BCTC. Tuy nhiên, chất lượng kiểm toán lại là thông tin không lượng hóa được nên việc xét đoán xem đơn vị có trình bày đầy đủ các thông tin trọng yếu trên BCTC hay không lại là điều huyền bí hơn đối với người sử dụng BCTC.

Rõ ràng sẽ không quá phức tạp để có thể hiểu được khái niệm về trọng yếu nhưng việc áp dụng tính trọng yếu trong việc trình bày các thông tin trên BCTC quả là rất phức tạp. Theo yêu cầu của IFRS có hiệu lực từ 1/1/2005 và được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng, khối lượng thông tin được trình bày trên BCTC cao hơn gấp nhiều lần so với yêu cầu của các chuẩn mực kế toán trước đây. Vì vậy, nếu xác định không chính xác tính trọng yếu của thông tin, sẽ có hàng loạt các thông tin được trình bày trên BCTC và như vậy sẽ làm giảm giá trị của BCTC hoặc sẽ có quá ít thông tin được trình bày và sẽ làm cho người sử dụng BCTC không đủ thông tin về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, lưu chuyển tiền của đơn vị.

Cũng bởi vì tính trọng yếu trong việc trình bày các thông tin trên BCTC chủ yếu mang tính định tính hơn là tính định lượng, cho nên lại càng rất khó xác định. Cũng biết rằng mức trọng yếu sẽ ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế của những người sử dụng BCTC những đúng là chúng ta biết quá ít về quá trình ra quyết định từ phía nhóm người sử dụng BCTC. Một khi chính những người hành nghề kế toán và kiểm toán còn mơ hồ về việc xác định mức trọng yếu thì người sử dụng BCTC sẽ không có nhiều cơ hội để đánh giá xem đơn vị có trình bày đầy đủ các thông tin trọng yếu hay không? Do vậy, để có thể trả lời xem các thông tin trọng yếu có được trình bày đầy đủ trên BCTC hay không sẽ vẫn còn là câu hỏi lớn mà những người sử dụng BCTC đang khám phá.

(Theo Tạp chí Khoa học Kiểm toán)

Cân bằng giữa kiểm soát (nội bộ) và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Bà Cao Thu Hằng

Bà Cao Thu Hằng là Chủ nhiệm Dịch vụ tư vấn của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Bà có 6 năm kinh nghiệm làm việc tại Ernst & Young Việt Nam trong các lĩnh vực kiểm toán, kiểm toán nội bộ, chuẩn đoán, rà soát và hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, tư vấn về quản trị DN, quản trị rủi ro, xây dựng cẩm nang tài chính và đào tạo. Bà Hằng là thành viên của Học viên Kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ [IIA].

K

iểm soát nội bộ (KSNB) là một hoạt động thường nhật không thể thiếu trong quản trị DN, được áp dụng tại bất cứ DN nào, không phân biệt quy mô hay lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, mặc dù áp dụng hàng ngày, nhưng khái niệm KSNB chưa được hiểu và áp dụng một cách đúng đắn và bài bản tại nhiều DN Việt Nam. Hệ quả là hệ thống KSNB không phát huy hết tác dụng, dẫn đến hiệu quả hoạt động của DN bị hạn chế. Vậy, KSNB phải được hiểu và áp dụng như thế nào nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của DN?

Các yếu tố cấu thành khung KSNB

"Kiểm soát" được định nghĩa là bất kỳ hành động nào được thực hiện để giảm nhẹ hoặc quản lý rủi ro và giúp cho các hoạt động kinh doanh/ quy trình đạt được mục tiêu của DN. KSNB là quy trình được thiết kế, thực hiện và duy trì bởi những người chịu trách nhiệm về quản trị, các nhà quản lý và các nhân viên khác nhằm đảm bảo khả năng đạt được các mục tiêu đề ra, liên quan đến: độ tin cậy của báo cáo tài chính và các thông tin liên quan khác; hiệu quả của hoạt động kinh doanh; tuân thủ pháp luật và các quy định pháp lý.

Ủy ban Các tổ chức tài trợ (COSO) đã xác định các yếu tố cấu thành nên khung KSNB như sau:

Mục tiêu kiểm soát:

- Hoạt động: Sử dụng nguồn lực hợp lý và hiệu quả

- Báo cáo tài chính: Báo cáo tài chính chính xác và tin cậy

- Tuân thủ: Tuân thủ quy định và luật pháp

- Môi trường kiểm soát: Phản ánh triết lý quản lý và phong cách hoạt động - "tiếng nói từ phía trên" và bao gồm tính trung thực, giá trị đạo đức và năng lực của nhân sự trong DN.

- Đánh giá rủi ro: Là sự nhận diện và phân tích các rủi ro liên quan. Đánh giá rủi ro thiết lập các mục tiêu, gắn liền các mục tiêu này với các cấp khác nhau trong DN một cách thống nhất.

- Các hoạt động kiểm soát: Bao gồm các chính sách và thủ tục nhằm đảm bảo thực thi các định hướng quản lý. Hoạt động kiểm soát được triển khai tại DN, ở tất cả các phòng ban chức năng và ở các cấp quản lý.

- Trao đổi thông tin: Hệ thống thông tin lập báo cáo, bao gồm thông tin hoạt động, tài chính và tuân thủ. Trao đổi thông tin diễn ra ở mọi góc độ của DN: rộng hơn, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên và trong toàn DN.

- Giám sát: Quy trình đánh giá hiệu quả hoạt động của toàn DN. Giám sát diễn ra trong suốt quá trình hoạt động.

KSNB không chỉ dừng lại ở quan điểm truyền thống là tập trung vào vấn đề tài chính. KSNB hiện nay còn tập trung nhiều vào quản lý rủi ro, mở rộng các yêu cầu về tuân thủ ra các vấn đề phi tài chính khác. KSNB cũng chuyển từ kiểm soát sang xu hướng cải tiền quy trình.

Như vậy, một hệ thống KSNB hiệu quả giúp DN tránh được những rủi ro ngoài kỳ vọng; giúp giảm rủi ro thiệt hại đến uy tín và danh tiếng của DN; đảm bảo việc tuân thủ với các quy định về pháp lý, chính sách và các quy định, thủ tục nội bộ; góp phần duy trì một hệ thống báo cáo tài chính và quản lý đáng tin cậy.

Vấn đề ở đây là làm thế nào để pháp huy được hiệu quả của hệ thống KSNB trong mỗi DN.

Cân bằng giữa mức độ kiểm soát và hiệu quả hoạt động

Ngày nay, các DN đã và đang nhận thức rõ tầm quan trọng của KSNB, bởi vì một hệ thống KSNB hiệu quả sẽ giúp DN tránh được những rủi ro ngoài kỳ vọng và là nền tảng giúp DN hoạt động hiệu quả, an toàn và bền vững. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể tìm ra cách thức kiểm soát phù hợp. Kiểm soát cũng giống như túi khí an toàn trong xe hơi, được đặt tại nơi được cho nhiều là rủi ro. Nhiệm vụ của nhà sản xuất là mang lại sự an toàn cho người sử dụng, nhưng cũng đảm bảo tính tiện ích và thẩm mỹ của chiếc xe đó. Tương tự như vậy, với các DN, câu trả lời không chỉ dừng lại ở việc liệu DN đó có thể kiểm soát được các rủi ro tiềm tàng hay không, mà DN có thể kiểm soát rủi ro đó như thế nào để hiệu quả hoạt động kinh doanh vẫn được đảm bảo.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin tự giới thiệu phương pháp tối ưu hóa hệ thống KSNB (xem hình 1). Theo đó, trọng tâm là việc cân bằng giữa mức độ kiểm soát và hiệu quả hoạt động.

Hình 1

Để đạt hiệu quả, hoạt động kiểm soát cần phải được tích hợp vào các quy trình kinh doanh và phục vụ cho cả hai mục đích tuân thủ và nâng cao hoạt động.

Làm thế nào để tối ưu hóa hệ thống KSNB?

Tối ưu hóa hệ thống KSNB là một quá trình được thực hiện trên quy mô toàn DN, đòi hỏi sự phối hợp của các bộ phận. Để thực hiện được mục tiêu tối ưu hóa hệ thống KSNB, DN cần xác định được mức độ hoàn thiện của hệ thống KSNB hiện tại cũng như mong muốn trong tương lai. DN cũng cần xem xét đến các lợi ích mang lại và chi phí bỏ ra để hoàn thiện hệ thống này.

Việc tối ưu hóa hệ thống KSNB được thực hiện qua 4 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Đánh giá hiện trạng hệ thống KSNB. Đánh giá hiệu quả của các điểm kiểm soát, khả năng ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro đối với DN. Phạm vi đánh giá bao gồm: tính hợp lý trong việc thiết kế các điểm kiểm soát giúp giảm thiểu rủi ro đối với DN và quy trình có liên quan; tính hiệu lực trong việc thực hiện triển khai các điểm kiểm soát và ảnh hưởng của việc không tuân thủ các điểm kiểm soát.

Giai đoạn 2: Xác định các thiếu hụt. DN cần tiến hành so sánh thực tế về KSNB tại DN với thông lệ kiểm soát của ngành nhằm xác định những điểm thiếu hụt/kém hiệu quả trong kiểm soát. Ngoài ra, cần phân tích nguyên nhân của các thiếu hụt/kém hiệu quả nói trên và hậu quả tương ứng.

Giai đoạn 3: Đưa ra các giải pháp hoàn thiện. Ở giai đoạn này, sau khi đã xác định được các thiếu hụt/yếu kém trong hệ thống KSNB, DN cần tiến hành tìm kiếm các giải pháp cải tiến phù hợp dựa trên việc xác định và phân tích các thiếu hụt cũng như sự kém hiệu quả trong việc thực hiện các kiểm soát trên phạm vi toàn DN.

Giai đoạn 4: Thực hiện các giải pháp. DN cần xác định mức độ ưu tiên của các giải pháp dựa trên thông lệ kiểm soát tốt nhất và các yêu cầu chiến lược khác cũng như khả năng thực hiện các cải tiến này để có thể xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động phù hợp và hiệu quả nhất.

(Theo ĐTCK)

Trích lập dự phòng rủi ro 8 ngân hàng 2011 gấp 2 lần cùng kỳ


Tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng quý IV/2011 giảm so với quý III nhưng trích lập dự phòng rủi ro lại tăng mạnh.
Theo thống kê của Gafin, hiện có 8 trong 9 ngân hàng niêm yết công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV và cả năm 2011. Riêng ngân hàng Quân đội (MBB) chưa công bố báo cáo quý IV.

Năm 2011, tổng trích lập dự phòng của 8 ngân hàng là 13.390 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2010. VietinBank có mức trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất với 4.871 tỷ đồng. Sacombank trích lập dự phòng tăng đột biến từ 243 tỷ đồng lên 3.394 tỷ đồng.

Tổng trích lập dự phòng của VietinBank, Vietcombank và Sacombank hơn 11.652 tỷ đồng, chiếm 87% tổng số dự phòng của cả 8 ngân hàng.

Biểu đồ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng năm 2011
Đơn vị: Tỷ đồng
Báo cáo tài chính của 8 ngân hàng niêm yết
Nguồn: Báo cáo tài chính riêng lẻ 2011 của 8 ngân hàng

Không chỉ trích lập dự phòng cao mà 7/8 ngân hàng đều có tỷ lệ nợ xấu tăng trong năm nay. Tại thời điểm 31/12/2011, chỉ có Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với năm 2010. Habubank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong 8 ngân hàng với 4,7%, trong khi cùng kỳ là 2,4%.

So với quý III, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank, Vietinbank, ACB và Sacombank tại thời điểm quý IV/2011 giảm nhưng đây lại là nhóm ngân hàng có mức trích lập dự phòng cao. Giảm mạnh nhất là nợ xấu của Vietcombank, giảm từ 3,92% về 2,1%, nhưng trích lập dự phòng tăng từ 1.687 tỷ đồng (9 tháng 2011) lên 3.387 tỷ đồng (cả năm 2011).

Biểu đồ so sánh tỷ lệ nợ xấu của quý IV và quý III năm 2011
Nguồn Gafin
Nguồn: Báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV và quý III chưa kiểm toán

Về lợi nhuận, tổng lợi nhuận sau thuế của 8 ngân hàng niêm yết đạt 20.086 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước. VietinBank là ngân hàng lãi lớn nhất với hơn 5.784 tỷ đồng cả năm, tăng 78% so với năm trước đó. Vietcombank đạt 4.527 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Bên cạnh đó, đã có những ngân hàng đầu tiên báo lỗ như Habubank lỗ hơn 40 tỷ đồng trong quý IV, lũy kế cả năm chỉ đạt hơn 349 tỷ đồng. Một ngân hàng chưa niêm yết cũng báo lỗ trong quý III là ABBank lỗ 18 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng còn gây chú ý về mức thu nhập bình quân rất cao. VietinBank hiện dẫn đầu trong các ngân hàng công bố thu nhập với mức bình quân 20,78 triệu đồng/tháng. Vietcombank thông báo thu nhập bình quân khoảng 22 triệu đồng/tháng nhưng sau khi trừ đi các khoản như bảo hiểm... thì thu nhập bình quân là 17 triệu đồng/tháng.

Bảng kết quả kinh doanh năm 2011
Đơn vị: tỷ đồng
Thu nhập: triệu đồng/người
Nguồn báo cáo tài chính năm 2011
Nguồn báo cáo tài chính năm 2011

(Theo DVT.vn)

Sunday, 12 February 2012

5 trường hợp được hoàn thuế thu nhập cá nhân năm 2011

Chưa kể đến các trường hợp được miễn thuế từ tháng 08 đến tháng 12 năm 2011, vì bản chất phức tạp của sắc thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nên có khá nhiều trường hợp được hoàn thuế TNCN mà không phải ai cũng biết. Dưới đây chỉ là 05 trường hợp phổ biến nhất:

1) Nghỉ làm một thời gian trong năm: ví dụ bạn chuyển việc hay nghỉ làm để đi du lịch cho thư thả một thời gian, thì khả năng bạn được hoàn thuế gần như là 99%. Lý do đơn giản là vì thuế TNCN cho cả năm được tính trên mức thu nhập trung bình.

2) Mức thu nhập giảm trong năm: trong bối cảnh năm 2011 kinh tế khó khăn, thu nhập có suy giảm là chuyện hết sức bình thường. Nếu mức thu nhập giảm đến mức mà thu nhập trung bình năm của bạn rơi vào mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất của các tháng trong năm, thì bạn hoàn toàn rơi vào trường hợp được hoàn thuế.

3) Mức thu nhập tăng trong năm: không hề mâu thuẫn với trường hợp 2), vì bản chất phức tạp của biểu thuế lũy tiến mà trong một số trường hợp mức thu nhập tăng bạn cũng được hoàn thuế. Trường hợp này xảy ra khi thu nhập trong một thời đoạn tăng vửa đủ để vượt qua mức thuế suất của thời đoạn trước đó, tuy nhiên tính trung bình cả năm thì vẫn ở mức thuế suất thấp hơn. Lưu ý rằng tình huống này đặc biệt có khả năng xảy ra rất cao trong năm 2011 vì bạn được miễn thuế bậc 1 cho 5 tháng cuối năm.

4) Giảm người phụ thuộc (NPT) trong năm. Trường hợp này về mặt tính toán cũng tương tự như trường hợp tăng mức thu nhập.

5) Tăng mức lương tối thiểu chung: ngay cả trong tình huống thay đổi khách quan này cũng dẫn tới việc bạn có thể được hoàn thuế, vì các mức bảo hiểm bắt buộc được đóng dựa trên quy định này. Tuy nhiên, trường hợp này nói chung chỉ có giá trị đối với những người có thu nhập ở mức rất cao.

Bạn có nghĩa vụ đóng thuế và nói chung sẽ bị tổ chức trả thu nhập khấu trừ ngay khi phát sinh thu nhập. Vậy tại sao bạn không tiến hành hoàn thuế ngay khi có thể ? Ngay cả trong trường hợp mức thuế bạn được hoàn không nhiều (dưới 1 triệu đồng chẳng hạn), thì bạn cũng nên làm quyết toán để yêu cầu bù trừ vào kỳ sau.

Hơn nữa, bạn nên nhớ rằng nợ thuế sẽ theo bạn ít nhất là 05 năm, còn hoàn thuế thì chỉ được tiến hành trong vài tháng !

(Theo H.T – Smartax)

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2011

Tổng cục Thuế vừa ban hành công văn hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2011. Việc quyết toán ra sao, ai thuộc trường hợp được miễn thuế TNCN 5 tháng cuối năm 2011?

Tải công văn 230 về quyết toán thuế TNCN năm 2011

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trịnh Thị Thu Thủy, trưởng phòng thuế TNCN - Cục Thuế TP.HCM, nói:

- Khác với năm 2010, các đơn vị hành chính sự nghiệp hưởng lương ngân sách nếu không phát sinh khấu trừ thì không phải nộp hồ sơ quyết toán. Việc quyết toán thuế TNCN năm 2011 được thực hiện đối với tất cả các tổ chức, cá nhân trả thu nhập không phân biệt có phát sinh khấu trừ hay không. Như vậy những đơn vị này cũng sẽ phải nộp quyết toán thuế TNCN. Đây chính là cơ sở quan trọng để cơ quan thuế nắm bắt đầy đủ nguồn thu nhập của người nộp thuế. Hạn chót nộp hồ sơ quyết toán là ngày 30-3-2012.

Nguyên tắc tính thu nhập là căn cứ vào thời điểm chi trả. Nghĩa là tất cả thu nhập mà người lao động được nhận trong năm 2011 phải kê khai quyết toán trong năm 2011. Một điểm đáng lưu ý là tiền ăn giữa ca mà tổ chức, cá nhân chi cho từng người lao động theo quy định (620.000 đồng/tháng) thì không tính vào thu nhập chịu thuế. Nếu vượt mức quy định thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.

* Xác định số thuế TNCN phải nộp theo công thức nào, thưa bà?

- Lấy thu nhập tính thuế (sau khi đã giảm trừ cho bản thân, người phụ thuộc, đóng góp bảo hiểm) cả năm chia 12 tháng. Nếu thu nhập tính thuế dưới 5 triệu đồng/tháng thì được miễn thuế TNCN 5 tháng cuối năm.

Số thuế được miễn= (Thuế phải nộp năm 2011/12 tháng)* 5 tháng

Trường hợp thu nhập tính thuế bình quân hằng tháng lớn hơn 5 triệu đồng thì không được miễn thuế TNCN 5 tháng cuối năm.

Số thuế phải nộp = (thu nhập tính thuế bình quân tháng x thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần) x 12 tháng

* Bà có thể khái quát quy trình làm một bộ hồ sơ hoàn thuế?

- Cách dễ nhất là tải phần mềm tại trang web http://hcmtax.gov.vn vào phần hỗ trợ kê khai hoặc lên trang Google gõ HTKK 3.1.0 tải phần mềm về máy.

Hoặc vào link sau để tải về:

TẢI phần mềm hỗ trợ kê khai thuế mới nhất

Chọn tờ khai 09 KK/TNCN. Tại phần nhập tờ khai, người nộp thuế điền số liệu của mình vào các tờ khai. Sau khi điền đầy đủ số liệu, bấm nút ghi và in tờ khai. Lúc này ở trên góc bên phải của tờ khai đã có mã vạch theo đúng yêu cầu của cơ quan thuế. Lưu ý đây là phần mềm tính tự động, chỉ cần nhập các số liệu phần mềm sẽ tự tính toán số thuế phải nộp.

Một bộ hồ sơ hoàn thuế gồm có:

Tờ khai quyết toán thuế theo mẫu số 09/KK-TNCN, phụ lục 09A, 09C (nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh). Trường hợp được miễn thuế 5 tháng cuối năm phải điền thêm vào phụ lục số 25/MGT-TNCN ban hành kèm theo thông tư 154.

Ngoài ra phải nộp chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ; bản photo chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (nếu là người nước ngoài), chứng từ chứng minh các khoản giảm trừ: đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học, các khoản bảo hiểm bắt buộc... hoặc xác nhận của cơ quan chi trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ. Nếu ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ quyết toán thuế thì phải có giấy ủy quyền.

* Rút kinh nghiệm của các năm trước, theo bà, người nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN 2011 cần chú ý điều gì?

- Thông thường cuối tháng 3, lượng người đến nộp hồ sơ quyết toán thuế rất đông. Để tránh phải chờ đợi, đi lại nhiều lần, trước khi đến cơ quan thuế người nộp thuế tải phần mềm hỗ trợ kê khai và làm trước các thao tác như hướng dẫn ở trên, đồng thời chuẩn bị các giấy tờ cần thiết. Ngoài ra cũng nên tranh thủ nộp sớm để có thể kịp thời điều chỉnh cũng như bổ sung các giấy tờ cần thiết.

Các trường hợp thuộc diện được hoàn thuế, theo quy định sẽ không bị xử phạt nếu chậm nộp tờ khai quyết toán. Do vậy sau ngày 30-3 những cá nhân này vẫn có thể đến cơ quan thuế nộp hồ sơ.

Theo quy định, cá nhân được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ tháng có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng phải đăng ký đúng thời gian theo quy định (30 ngày khi phát sinh người phụ thuộc). Nếu quá thời gian này thì chỉ được giảm trừ cho người phụ thuộc tính từ thời điểm đăng ký. Với trường hợp đăng ký người phụ thuộc lần đầu phải đăng ký trước ngày 28-2 của năm 2011 mới được tính giảm trừ cho năm 2011. Nếu đến khi quyết toán mới đăng ký sẽ chỉ được tính giảm trừ cho năm 2012.

* Nơi nộp hồ sơ hoàn thuế:

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công tại một nơi, nộp tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị chi trả thu nhập.

Trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công từ hai nơi trở lên:

* Nếu đã đăng ký giảm trừ gia cảnh tại đơn vị chi trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ tại cơ quan thuế quản lý đơn vị chi trả thu nhập đó.

* Nếu chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở nơi nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú (có thể là nơi thường trú hoặc tạm trú).

Trường hợp trong năm có thay đổi chỗ làm thì sẽ nộp hồ sơ hoàn thuế tại cơ quan thuế quản lý đơn vị chi trả cuối cùng.

Lưu ý trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất một nguồn thu nhập từ tiền lương tiền công tại một nơi trong năm 2011 có thể ủy quyền quyết toán thuế cho cơ quan chi trả theo mẫu 04-2/TNCN.

* Lưu ý: Việc hoàn thuế TNCN chỉ áp dụng cho cá nhân đã có mã số thuế.

tuoitre.vn

Popular Posts