Vụ việc DVD: Trách nhiệm của
công ty kiểm toán đến đâu?
Nếu ban lãnh đạo DVD cố tình làm sai, giả mạo số liệu khiến công ty kiểm toán đưa ra những nhận định bị qua mặt, thì về mặt pháp lý Công ty kiểm toán không chịu một chế tài cụ thể nào.
Khánh Linh
T |
rong vụ việc hủy phát hành 7 triệu cổ phiếu ra công chúng của CTCP Dược phẩm Viễn Đông (mã chứng khoán: DVD) nhiều người đã đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của 2 công ty kiểm toán kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 và 2009 là A&C và Ernst & Young.
Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hải – Công ty Luật Ngân hàng – chứng khoán – đầu tư (Basico).
Theo ông, có hay không trách nhiệm của Công ty kiểm toán trong trường hợp vụ việc hủy phát hành cổ phiếu của DVD?
Trường hợp công ty kiểm toán tuân thủ đúng quy định của Pháp luật về kiểm toán và những ý kiến đánh giá của công ty kiểm toán phù hợp với năng lực tài chính thực sự hiện nay của DVD, thì đương nhiên vấn đề trách nhiệm của công ty không phải xem xét.
Trường hợp ý kiến đánh giá của công ty kiểm toán không phản ánh đúng thực sự tình trạng tài chính của DVD dẫn tới nhận thức sai lầm cho cổ đông, đối tác liên quan của DVD về sức khỏe tài chính của công ty này, thì công ty kiểm toán sẽ có phần trách nhiệm kể cả trách nhiệm pháp lý nếu như ý kiến đánh giá sai lệch đó xuất phát từ sự sai phạm hay thiếu sót trong quá trình triển khai nghiệp vụ của công ty kiểm toán.
Nếu có thì theo quy định của pháp Luật, công ty kiểm toán đó sẽ bị xử lý thế nào?
Vấn đề này tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân dẫn đến kết quả đánh giá không đúng tình trạng khách quan về tình hình tài chính DVD của công ty kiểm toán.
Trường hợp nguyên nhân là do ban lãnh đạo DVD cố tình làm sai, giả mạo số liệu và sổ sách và công ty kiểm toán đưa ra những nhận định kiểm toán do bị qua mặt, không đánh giá được đúng tình hình, thì về mặt pháp lý công ty kiểm toán không chịu một chế tài nào cụ thể.
Bởi vì theo quy định của pháp luật kiểm toán, thì đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm “cung cấp kịp thời, đầy đủ và trung thực mọi thông tin, tài liệu cần thiết cho việc kiểm toán” - khoản 1 Điều 6, Nghị định 105/2004/NĐ-CP về Kiểm toán độc lập.
Do vậy, có thể Công ty kiểm toán chỉ soát xét việc thực hiện các chế độ kế toán có đúng quy trình hay không. Do đó cũng có trường hợp họ không tập trung nhận biết phân định được những số liệu giả mạo.
Được biết, UBCK đã yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra hồ sơ kiểm toán DVD tại công ty kiểm toán A&C và E&Y; thành phần bao gồm Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA); thời gian sẽ kéo dài từ ngày 20 đến 27/10/2011 và khi có kết quả, UBCK sẽ có thông tin ra thị trường. |
Nếu sai sót là do nguyên nhân này, thì điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của công ty kiểm toán.
Trường hợp nếu giữa một số cá nhân lãnh đạo DVD và công ty kiểm toán có sự thông đồng để tạo ra một kết quả kiểm toán báo cáo tài chính giả mạo, thì đương nhiên công ty kiểm toán sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo quy định của Nghị định 105/2004/NĐ-CP về kiểm toán độc lập thì một trong những hành vi nghiêm cấm đối với doanh nghiệp kiểm toán là“Thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch nội dung báo cáo tài chính” - khoản 1, Điều 28.
Trong trường hợp này, tùy vào từng mức độ vi phạm và hậu quả thiệt hại mà những cá nhân liên quan có thể bị xử lý bởi các biện pháp hành chính hoặc thậm chí là xử lý hình sự.
Nếu kiểm toán được kết luận là không phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này thì theo ông, cần bổ sung những chế tài gì để bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông?
Thực tế, các cổ đông là những người chủ của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp ăn nên làm ra họ là người được hưởng lợi nhuận trước tiên, và khi thua lỗ họ cũng phải gánh chịu trước tiên. Do vậy, nếu như cần bảo đảm quyền lợi của cổ đông trước những hậu quả về tình hình tài chính của doanh nghiệp, thì cơ chế công khai, minh bạch kịp thời về thông tin giữa doanh nghiệp với cổ đông là điều cần có chứ không phải chế tài đối với các đơn vị kiểm toán.
Rút kinh nghiệm từ vụ việc của DVD, theo ông nhà đầu tư cần phải làm gì trong những trường hợp như thế này để bảo vệ quyền lợi của mình?
Sau một thời gian phát triển thị trường chứng khoán, thời điểm hiện nay đòi hỏi các nhà đầu tư tham gia thị trường cần có biến đổi về chất.
Nếu như trước đây các nhà đầu tư tham gia thị trường với một cơ sở duy nhất là đồng vốn của mình, thì nay các nhà đầu tư cần trang bị cho mình các kiến thức về tổ chức hoạt động của doanh nghiệp, kiến thức về tài chính doanh nghiệp và kiến thức pháp lý về quyền của cổ đông cũng như các vấn đề pháp lý về hoạt động doanh nghiệp.
Cổ đông có thể sử dụng các quyền năng hợp pháp và cơ chế thủ tục mà Luật Doanh nghiệp đã quy định để yêu cầu công ty cung cấp các thông tin, báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tự mình kiểm soát đánh giá các thông tin này.
Có như vậy, cổ đông sẽ có biến chuyển về chất và tự bảo vệ mình không để thụ động về thông tin trước những vụ việc như DVD.
Xin cảm ơn ông!
Theo TTVN